Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản - Hành vi bị cấm trong hoạt động địa chất, khoáng sản
20/11/2024TN&MTThời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan đã tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động địa chất, khoáng sản cùng các địa phương. Qua 5 năm, Bộ đã có 12 cuộc thanh tra và 40 cuộc kiểm tra chấp hành về khoáng sản với tổng số 933 lượt giấy phép, phát hiện 258 tổ chức, cá nhân vi phạm, đã ban hành 258 quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền 30 tỷ đồng. Qua thanh tra, kiểm tra, các chủ dự án mỏ đã sai phạm về vi phạm công suất cho phép, khai thác ra ngoài ranh giới, hoặc khai thác nhưng không đảm bảo điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Tăng cường đội ngũ thanh tra, kiểm tra
Dự thảo lần thứ 4 Luật ĐC&KS được xây dựng gồm 117 Điều và được bố cục thành 12 Chương (tăng 01 chương và 31 điều so với Luật Khoáng sản năm 2010).
Về những hành vi bị cấm trong hoạt động địa chất, khoáng sản, tại Điều 8 Luật Khoáng sản năm 2010 có quy định về những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khai thác, tham dò khoáng sản bao gồm: Lợi dụng hoạt động khoáng sản xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; lợi dụng thăm dò để khai thác khoáng sản; thực hiện điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, hoạt động khoáng sản khi chưa được cơ quan QLNN có thẩm quyền cho phép; cản trở trái pháp luật hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, hoạt động khoáng sản; cung cấp trái pháp luật thông tin về khoáng sản thuộc bí mật nhà nước; cố ý hủy hoại mẫu vật địa chất, khoáng sản có giá trị hoặc quý hiếm; các hành vi khác theo quy định của pháp luật.
Còn tại dự thảo Luật ĐC&KS nêu rõ các hành vi bị cấm trong hoạt động địa chất, khoáng sản gồm: Lợi dụng điều tra địa chất, khoáng sản; hoạt động khoáng sản xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; lợi dụng hoạt động điều tra địa chất, thăm dò khoáng sản để khai thác tài nguyên địa chất, khoáng sản; thực hiện điều tra địa chất, khoáng sản và hoạt động khoáng sản khi chưa được cơ quan QLNN có thẩm quyền cho phép; cung cấp trái pháp luật thông tin, dữ liệu điều tra địa chất, khoáng sản thuộc bí mật nhà nước; cản trở trái pháp luật hoạt động điều tra địa chất, khoáng sản và hoạt động khoáng sản; cố ý hủy hoại mẫu vật địa chất, khoáng sản có giá trị, quý hiếm; mang mẫu vật địa chất ra khỏi biên giới quốc gia khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép,...
Thời gian tới, dự thảo Luật ĐC&KS sẽ phân cấp mạnh hơn cho các địa phương. Theo đó, Bộ TN&MT sẽ tăng cường đội ngũ thanh tra, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành và địa phương, thanh tra, xử lý để phát hiện sớm, xử lý sớm việc khai thác khoáng sản, đảm bảo không thất thoát, khai thác trái phép nguồn tài nguyên này.
Rà soát để có quy định chặt chẽ hơn
Góp ý tại Điều 35 của dự thảo Luật quy định về quản lý, bảo vệ khoáng sản tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, TS. Nguyễn Văn Niệm, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Địa hóa cho rằng, quy định tại Điều 35 của dự thảo Luật “Chủ đầu tư lợi dụng việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác trái phép khoáng sản nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản” là chưa đầy đủ, chưa tính đến việc khai thác làm thiệt hại nghiêm trọng lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường thiệt hại hay không? Hoặc trong trường hợp chủ đầu tư vi phạm pháp luật nghiêm trọng và hành vi đó cấu thành tội phạm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Vì thế, TS. Nguyễn Văn Niệm đề nghị, Ban soạn thảo cần rà soát để có quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo Luật về vấn đề này.
Dự thảo Luật ĐC&KS gồm 117 Điều, song có trên 50 điều, khoản giao Chính phủ quy định chi tiết và một số điều khoản khác giao Bộ TN&MT hướng dẫn chi tiết, do đó, TS. Nguyễn Văn Niệm đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét, rà soát lại để hạn chế tối đa việc giao Chính phủ quy định chi tiết. Liên quan đến khu vực cấm hoạt động khoáng sản; khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản do UBND cấp tỉnh sẽ khoanh định những khu vực này và trình Thủ tướng Chính phủ sau khi có ý kiến của Bộ TN&MT và các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan, TS. Nguyễn Văn Niệm đặt vấn đề, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan, cụ thể là cơ quan nào và có cần phải là ý kiến thống nhất hay không? Điều này cũng cần phải rõ trong dự thảo luật.
Góp ý về các hành vi bị cấm trong hoạt động địa chất, khoáng sản, TS. Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Hà Giang cho rằng, Dự thảo Luật quy định: Cấm “các hành vi khác theo quy định của pháp luật” tại khoản 8 Điều 10 là không rõ ràng, người đọc sẽ hiểu là cấm các hành vi trong hoạt động địa chất, khoáng sản do mọi cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật quy định. Vì quy định của pháp luật bao gồm các quy định nêu trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như: Luật, nghị định, thông tư, các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, UBND các cấp ban hành.
TS. Cao Hồng Kỳ phân tích, nếu trong các văn bản dưới luật có các quy định cấm hoạt động địa chất, khoáng sản thì có thể làm hạn chế quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực này; việc quy định như vậy là trái với quy định tại khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp năm 2013 là: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Do đó, TS. Cao Hồng Kỳ đề nghị Cơ quan soạn thảo nên bỏ khoản 8 Điều 10 của Dự thảo Luật; nếu thấy có hành vi nào cần cấm trong hoạt động địa chất, khoáng sản thì cần bổ sung quy định cụ thể vào Điều 10 của Dự thảo Luật này.
HƯƠNG TRÀ
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 17 (Kỳ 1 tháng 9) năm 2024