Dự báo khí tượng thủy văn biển có ý nghĩa quan trọng giảm thiểu thiệt hại thiên tai
08/10/2021TN&MTKhu vực ven biển với tài nguyên thiên nhiên trù phú hiện đang mang lại sinh kế cho khoảng 1/2 dân số cả nước. Trước tác động của biến đổi khí hậu, nơi đây thường xuyên hứng chịu những khắc nghiệt của thiên tai cực đoan, như: Bão, nước biển dâng, triều cường, sóng lớn và xâm nhập mặn và ngày càng có tính phức tạp và dị thường.
Chính vì vậy, công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trên biển là nhiệm vụ rất quan trọng trong giảm thiểu thiệt hại thiên tai gây ra. Xung quanh vấn đề này, Tạp chí xin giới thiệu những ý kiến tâm huyết của các nhà quản lý, nhà khoa học.
Ông Nguyễn Bá Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia:
Nỗ lực trong dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, hải văn
Trong những năm gần đây, BĐKH toàn cầu ảnh hưởng đến khí hậu, thời tiết, thuỷ văn nước ta gây ra những diễn biến bất thường, một số quy luật KTTV đã có sự thay đổi. Trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội, đòi hỏi các bản tin dự báo KTTV phải chi tiết hơn, độ chính xác cao hơn; Trước tình hình đó, các các bộ, quan trắc viên và dự báo viên luôn nỗ lực trong công tác, với phương châm: “Theo dõi, dự báo, cảnh báo kịp thời về tình hình KTTV, nhất là các hiện tượng KTTV nguy hiểm và đưa tin dự báo, cảnh báo, kịp thời các hiện tượng KTTV nguy hiểm trên các phương tiện thông tin đại chúng” được phát động rộng khắp, từ Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đến 9 Đài KTTV khu vực, 54 Đài KTTV tỉnh. Kết quả là chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn ngày một nâng cao, nhiều tiến bộ khoa học, trang thiết bị, công nghệ mới được triển khai ứng dụng có hiệu quả vào công tác dự báo, cảnh báo KTTV. Các bản tin dự báo thời tiết biển được tăng cường, đặc biệt là thời tiết biển khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.
Công tác dự báo KTTV biển đã được cải tiến, thay đổi và điều chỉnh cả về hình thức lẫn nội dung các bản tin dự báo, cảnh báo theo hướng rõ hơn, chi tiết hơn. Hiện, Ngành đã nâng thời hạn dự báo bão lên đến 5 ngày, dự báo ATNĐ lên đến 3 ngày, các yếu tố hải văn như sóng biển, dòng hải lưu tới 3 ngày và nhận định tới 10 ngày. Các thông tin dự báo, cảnh báo sự hình thành thời tiết nguy hiểm trên biển được chú trọng cảnh báo sớm từ trước 5 đến 7 ngày và thông tin cho Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các bộ, ngành địa phương. Những thông tin dự báo sớm rất hữu ích cho chính quyền và ngư dân các địa phương ven biển trong việc chủ động theo dõi, ứng phó và đảm bảo an toàn trong hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, đảm bảo phát triển kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Rủi ro thiên tai do bão, nước dâng do bão, sóng lớn, triều cường, xâm nhập mặn,… cho khu vực ven biển được dự báo có nguy cơ sẽ gia tăng cùng với tốc độ đô thị hóa, yêu cầu về phát triển kinh tế và ảnh hưởng của BĐKH. Để giảm thiểu rủi ro thiên tai cho vùng ven biển và đảm bảo sinh kế của người dân vùng ven biển một cách bền vững, việc nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo KTTV, nhất là các vùng biển hết sức cần cần thiết và cấp bách.
Ông Đặng Văn Dũng, Giám đốc Đài KTTV Khu vực Nam Trung Bộ:
Tận tụy, cống hiến cho ra các bản tin dự báo, cảnh báo đầy đủ, chính xác, kịp thời
Khu vực Nam Trung Bộ có vị trí rất đặc biệt, là cửa ngõ ra biển của khu vực Tây Nguyên, với đường tiếp giáp biển hơn 500 km, nơi đây có nhiều vịnh, đảo, bãi biển đẹp và thơ mộng thuận lợi cho phát triển kinh tế biển và du lịch nghỉ dưỡng. Bên cạnh những ưu đãi do thiên nhiên ban tặng, nơi đây hằng năm cũng chịu tác động mạnh mẽ của nhiều loại hình thiên tai (bão, lũ, hạn hán,...). Đặc biệt, do tác động của BĐKH, diễn biến của thiên tai ngày càng bất thường, phức tạp gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống của các địa phương trong khu vực Nam Trung Bộ.
Các cán bộ viên chức của Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ luôn tận tụy cống hiến để cho ra các bản tin dự báo, cảnh báo đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác ứng phó với thiên tai góp phần phát triển bền vững cho các địa phương. Mạng lưới trạm KTTV từng bước được hiện đại hóa, tự động hóa với 152 trạm KTTV, hải văn tự động; đưa vào vận hành 2 trạm rađa thời tiết thế hệ mới băng số C cùng các phần mềm dự báo tiên tiến nhất. Các trạm rađa đã phát huy tác dụng và hiệu quả rõ rệt khi theo dõi, cập nhật kịp thời, chính xác vị trí, cường độ các cơn bão số 9, 10,12 trong năm 2020, giúp công tác dự báo bão đạt độ tin cậy cao, được các địa phương ghi nhận, đánh giá cao.
Mặt khác, hoạt động nghiệp vụ kết hợp với nghiên cứu ứng dụng đã hỗ trợ giúp đỡ cho các ngành, địa phương trong phục vụ PCTT quy hoạch tái thiết sau thiên tai, phát triển KT-XH tại địa phương như: dự báo phục vụ hàng hải từ Cảng Phan Thiết đi huyện đảo Phú Quý; các nghiên cứu về phân vùng rủi ro thiên tai, cảnh báo sạt lở đất đá, sạt lở bờ biển. Ngay sau cơn bão số 12 (Damrey), Đài KTTV khu vực đã phối hợp với Sở TN&MT Khánh Hòa nghiên cứu xây dựng và triển khai Sổ tay PCTT hướng dẫn cán bộ và nhân dân phòng tránh an toàn khi có có bão, lũ và các thiên tai. Nội dung này được phổ biến tới cán bộ và nhân dân huyện Vạn Ninh, khu vực bị bão số 12 (Damrey) tàn phá.
Với mục tiêu hiện đại hóa công nghệ quan trắc, truyền tin, dự báo KTTV phục vụ PCTT trong gian tới Đài sẽ khai thác tối đa các thiết bị, phần mềm được đầu tư từ các dự án; tăng cường phối hợp với địa phương thực hiện các đề tài, nhiệm vụ phục vụ dự báo, cảnh báo thiên tai, trọng tâm là các thiên tai bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất,… đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và phục vụ phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai được dự báo là ngày càng phức tạp, khó lường.
Ông Đinh Phùng Bảo, Giám đốc Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ:
Dự báo khí tượng, hải văn phục vụ đắc lực phát triển kinh tế biển
Khu vực Trung Trung Bộ (từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi) có bờ biển dài 640 km với nhiều bãi biển được xem là đẹp nhất hành tinh, tiềm năng du lịch rất lớn. Vùng biển có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng sinh học, có nhiều đảo, quần đảo với vị trí đặc biệt quan trọng như quần đảo Hoàng Sa, đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm,... Đây cũng là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, hàng năm vùng biển khu vực Trung Trung Bộ là nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, đặt biệt là bão và áp thấp nhiệt đới. Với đặc điểm trên, công tác dự báo KTTV biển của Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ đã và đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế biển, đảm bảo QP-AN và giảm thiểu rủi ro do thiên tai cho khu vực.
Công tác dự báo KTTV biển đã có sự chuyển biến, phát triển mạnh trong những năm qua. Máy móc, trang thiết bị, công nghệ dự báo, cảnh báo được đầu tư theo hướng hiện đại, như hệ thống rada thời tiết quan trắc, thu thập các thông tin thời tiết trên biển đã góp phần tích cực cho công tác dự báo, cảnh báo. Hệ thống các mô hình dự báo khí tượng WRF đã được nghiên cứu ứng dụng trong dự báo thời tiết - thiên tai trên biển. Mô hình hải văn ROMS 2D, 3D, SWAN cũng đã được ứng dụng trong dự báo sóng, mực nước biển, dòng hải văn,... Bên cạnh đó, hệ thống SmartMet đã được tiếp nhận và triển khai trong tổng hợp thông tin, sản phẩm dự báo của toàn hệ thống. Chính vì vậy, các sản phẩm dự báo KTTV biển ngày càng đa dạng, độ tin cậy được nâng cao, đáp ứng tốt cho phát triển kinh tế biển bền vững tại các địa phương trong khu vực, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Nguy cơ thiệt hại do thiên tai thời tiết sẽ gia tăng, vì vậy, yêu cầu đối với công tác dự báo KTTV sẽ ngày càng lớn. Trong thời gian tới, việc đầu tư nâng cấp hệ thống quan trắc, truyền dữ liệu, nghiên cứu ứng dụng công nghệ dự báo sẽ tiếp tục được Đài chú trọng, đảm bảo thông tin cảnh báo, dự báo được thực hiện và cung cấp đầy đủ, kịp thời, có độ tin cậy cao phục vụ địa phương chủ động triển khai sớm các biện pháp phòng chống phù hợp, hiệu quả.
PHƯƠNG ĐÔNG (thực hiện)