Đồng bằng sông Cửu Long chủ động trữ nước cho mùa khô
26/12/2021TN&MTMùa lũ năm nay tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị thấp và muộn hơn do 11 đập ở phía Trung Quốc và 34 đập ở phần hạ lưu vực (Thái Lan, Lào và Tây Nguyên) tích nước. Ngoài ra, do hiện tượng ENSO vẫn đang ở trong trạng thái La Nina, cho nên mùa khô năm 2022 sẽ ít có khả năng bị hạn mặn gay gắt. Tuy nhiên, các địa phương vẫn cần chủ động tích nước ngọt dự phòng cho mùa khô.
Thi công nạo vét kênh cấp, trữ nước ngọt ở tỉnh Sóc Trăng.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, từ đầu tháng 10 đến nay, mực nước trung, thượng lưu sông Mê Công biến đổi chậm và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ từ 0,2 đến 1,7 m. Các trạm hạ lưu lại có dao động và cao hơn TBNN từ 0,1 đến 0,25 m. Trong tháng 10, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên dần và đạt mức cao nhất năm 2021 là dưới báo động 1. Hiện tại, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu, sông Hậu tại Châu Đốc ở mức cao hơn TBNN cùng kỳ 0,05 - 0,1 m. Dự báo, tháng 12/2021, tổng lượng mưa phổ biến sẽ cao hơn từ 10 đến 30% so TBNN. Từ tháng 1 đến tháng 3/2022, tổng lượng mưa có xu hướng cao hơn so TBNN do có khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa. Vào tháng 4/2022, tổng lượng mưa phổ biến sẽ cao hơn từ 10 đến 30% so TBNN.
Ngoài ra, từ nay đến hết tháng 12/2021, mực nước sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của hai đợt triều cường mạnh, sẽ làm mực nước các trạm hạ lưu sông Cửu Long lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3, nguy cơ xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp, ven sông ở hạ nguồn sông Cửu Long, TP Cần Thơ, Vĩnh Long. Tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn vẫn diễn ra ở mức cao hơn TBNN, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô 2019-2020. Chính vì vậy, các địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cần sớm triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống xâm nhập mặn, hạn hán, đề phòng tình hình khí tượng-thủy văn diễn biến phức tạp hơn.
Mặc dù được nhận định hạn hán trong mùa khô năm nay không quá gay gắt, nhưng để chủ động ứng phó, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng nhiều kịch bản chống hạn hán, xâm nhập mặn, nhằm bảo đảm nhu cầu nước cho hoạt động sản xuất và cấp nước sinh hoạt cho người dân. Theo đó, tỉnh tổ chức vận hành tốt những công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt, cấp nước tưới bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp và công trình nước sạch hiện có. Đồng thời, triển khai nạo vét một số kênh chính, kênh tạo nguồn, đắp đập, đê bao ngăn mặn, sửa chữa các cống, đập điều tiết nước. Trong đó, các địa phương ưu tiên đầu tư nạo vét kênh mương, nhất là hệ thống thủy lợi nội đồng, đắp đập thời vụ ngăn mặn và trữ ngọt chống hạn. Trong đó, tỉnh bảo đảm ngăn mặn, cấp nước tưới cho hơn 20 nghìn héc-ta lúa hè thu, hơn 3.700 ha cây màu ở các huyện bị nhiễm mặn cao như Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Tam Bình và Long Hồ. Trong khi đó, người dân nơi đây cũng đã có kinh nghiệm ứng phó với hạn, mặn qua nhiều năm. Để thích ứng với xu thế chung, người dân đã mua túi trữ nước ngọt để dùng tưới vườn cây ăn quả mỗi khi vào mùa hạn, mặn.
Để chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước trong mùa khô, TP Cần Thơ ưu tiên thực hiện các dự án khẩn cấp phòng, chống và giảm nhẹ ảnh hưởng của hạn hán, như: Nạo vét, nâng cấp các tuyến kênh thủy lợi tạo nguồn đã bị bồi lắng, xuống cấp. Các tuyến kênh được nạo vét gồm kênh Ngang, kênh Ðông Pháp, kênh E1, kênh G1, với tổng chiều dài nạo vét 29.200 m. Các công trình trên đã góp phần khai thông dòng chảy, cung cấp và trữ nước, góp phần hạn chế khô hạn, thiếu nước xuất hiện trên địa bàn TP Cần Thơ.
Còn tại huyện Chợ Lách (Bến Tre), địa phương đã lên kế hoạch ứng phó với mùa khô năm 2022. Theo đó, ngành nông nghiệp địa phương đã tuyên truyền và đề nghị người dân thường xuyên theo dõi thông tin về hạn, mặn để chủ động nguồn nước tưới; đồng thời tập trung xây dựng đập ngăn mặn, hồ trữ nước, phục vụ sản xuất hoa Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Trong các tháng mùa khô năm 2021, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công ở mức thiếu hụt từ 10 đến 15% so TBNN. Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn TBNN, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô 2019-2020. Các đợt xâm mặn có xu thế tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh vào các thời kỳ từ ngày 28/1/2022 đến 3/2, 26/2 đến 5/3, 28/3 đến 3/4 và 29/4 đến 4/5. Tuy nhiên, với sự chủ động, vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền ngay từ bây giờ, cùng với kinh nghiệm sống chung với hạn, mặn của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra.
Theo nhandan.vn