Dọn rác trên đỉnh Everest
11/07/2024TN&MTMột người Sherpa (một dân tộc ở phía đông Nepal) chuyên dọn rác gần đỉnh Everest cho biết, khu trại nằm trên ngọn núi cao nhất thế giới tràn ngập rác thải và sẽ phải mất nhiều năm để dọn sạch.
Những người dọn rác trên đỉnh Everest phải phá băng để thu gom rác
Quân đội và người Sherpa dưới sự tài trợ của chính phủ Nepal đã dọn dẹp 11 tấn rác, 4 thi thể và một bộ xương khỏi Everest trong mùa leo núi năm nay.
Ông Ang Babu Sherpa - người dẫn đầu nhóm người Sherpa - cho biết, có thể có tới 40 - 50 tấn rác vẫn còn ở South Col - trại cuối cùng trước khi những người leo núi nỗ lực lên tới đỉnh Everest. “Rác bị bỏ lại ở đó hầu hết là lều cũ, một số bao bì thực phẩm và bình gas, bình oxy, túi đựng lều và dây thừng dùng để leo trèo và buộc lều. Rác được xếp thành từng lớp và đông lạnh ở độ cao 8.000m” - ông Ang Babu nói.
Kể từ khi đỉnh núi Everest được chinh phục lần đầu tiên vào năm 1953, hàng nghìn nhà leo núi đã leo lên đỉnh núi và để lại nhiều vật dụng trên đó. Trong những năm gần đây, với quy định từ chính phủ, yêu cầu những người leo núi phải mang rác trở lại hoặc mất tiền đặt cọc, cùng với việc nâng cao nhận thức của những người leo núi về môi trường, lượng rác thải bị bỏ lại đã giảm đáng kể.
Theo ông Ang Babu, thời tiết là một thách thức lớn đối với công việc của họ ở khu vực South Col, nơi nồng độ oxy chỉ bằng 1/3 lượng bình thường, gió có thể nhanh chóng chuyển sang tình trạng bão tuyết và nhiệt độ giảm mạnh. “Chúng tôi phải đợi thời tiết tốt để mặt trời làm tan băng. Nhưng chờ đợi lâu trong nhiệt độ và điều kiện đó là điều không thể” - ông Ang Babu cho biết.
Đào rác cũng là một công việc khó vì nó bị chôn bên trong băng và việc phá vỡ các khối băng không phải là điều dễ dàng. Trong số 11 tấn rác được loại bỏ, 3 tấn rác có thể phân hủy được đưa đến các ngôi làng gần chân Everest và 8 tấn còn lại được chuyển đến Kathmandu. Ở đó, nó được phân loại để tái chế tại một cơ sở do Agni Ventures - một cơ quan quản lý chất thải tái chế điều hành.
Nói về lý do người leo núi để lại nhiều rác trên đỉnh Everest, ông Sushil Khadga - một nhân viên của Agni Ventures cho biết, ở độ cao đó, cuộc sống rất khó khăn và lượng oxy rất thấp, vì vậy, những người leo núi và những người giúp đỡ họ phải tập trung hơn vào việc tự cứu mình.
Theo daidoanket.vn