Sáng 31/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự và phát biểu chỉ đạo; cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cùng các Thứ trưởng chủ trì Hội nghị.
Về phía các cơ quan Trung ương có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phạm Tất Thắng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an. Đồng chí Nguyễn Minh Vũ - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao cùng lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ; lãnh đạo Sở TN&MT 63 tỉnh, thành phố.
Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng, tạo động lực đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025). Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; sự tàn phá môi trường trên thế giới ngày càng khắc nghiệt, những khó khăn, thách thức mới xuất hiện gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo; nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, Việt Nam đang đứng trước thách thức vô cùng lớn, vì vậy Đảng và Nhà nước ta có quyết tâm chính trị rất cao và hành động ngày càng quyết liệt để tài nguyên và môi trường được quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả.
Kế thừa thành công từ các nhiệm kỳ trước, ngành TN&MT không ngừng đổi mới sáng tạo, thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao, khơi thông nhiều điểm nghẽn trong quá trình hoàn thiện chính sách pháp luật, quản lý ngành TN&MT để hoàn thành nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội thúc đẩy quá trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Ngay từ đầu năm 2023, Bộ TN&MT đã nỗ lực, tập trung triển khai thực hiện tốt các nội dung trong Nghị quyết chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là tập trung xây dựng và triển khai thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, toàn Ngành đặt trọng tâm vào đổi mới hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tổ chức lập và triển khai các quy hoạch; tiếp tục đề xuất nhiều giải pháp, khơi thông các điểm nghẽn nhằm quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài nguyên, phục vụ trực tiếp cho quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Năm 2023, mặc dù có sự thay đổi, chuyển giao lãnh đạo điều hành, song Bộ TN&MT sớm ổn định về bộ máy, tổ chức, đoàn kết để thực hiện nhiệm vụ được giao. Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ghi nhận, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân đánh giá cao. Ngành TN&MT đã tích cực tổ chức tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 3/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đây là cơ sở quan trọng để Trung ương xem xét, ban hành quan điểm, định hướng lớn cho sự phát triển của Ngành TN&MT trong thời gian tới.
Đặc biệt, Bộ TN&MT đã tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân, đóng góp cho Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi với đa dạng phương thức lấy ý kiến; tuyên truyền những điểm mới, thay đổi lớn trong Dự thảo Luật tới mọi tầng lớp nhân dân. Đây thực sự trở thành sự kiện sinh hoạt chính trị sôi nổi với hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý. Dự thảo Luật đã được Quốc hội đánh giá cao về chất lượng, công phu, thận trọng, kỹ lưỡng trong quá trình tham vấn.
Luật Tài nguyên nước sửa đổi gồm 10 chương và 86 điều thể chế hoá quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, là một bước tiến lớn trong thay đổi tư duy và quản trị hiệu quả bền vững tài nguyên nước.
Lãnh đạo Quốc hội chụp ảnh lưu niệm với Cơ quan soạn thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường
Ngoài ra, Bộ TN&MT đã ban hành theo thẩm quyền 19 Thông tư, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 Nghị định, 03 Quyết định rút ngắn thủ tục hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường kỷ cương trong tổ chức cơ chế chính sách, pháp luật trong giải quyết tháo gỡ những vướng mắc đặt ra trong thực tiễn khi thi hành Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản năm 2010.
Bộ đã tập trung xây dựng hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ 8/8 quy hoạch cấp quốc gia, đây đều là các quy hoạch quan trọng có tính chất khai mở, dẫn dắt, làm nền tảng cho sự phát triển ngành, lĩnh vực. Trong đó lập quy hoạch không gian biển quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng, là nhiệm vụ khó khăn phức tạp, lần đầu tiên được triển khai thực hiện ở nước ta. Ngoài ra, Bộ đã phê duyệt được 10/15 quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành bao gồm: 8 quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, 1 quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước và 1 quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JEPT tại Hội nghị COP28
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trao Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ TN&MT Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Bộ đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập 26 quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP); đề án tổ chức Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước. Triển khai thực hiện Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030; đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26…
Thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH-15 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, ngành TN&MT đã tham mưu, xử lý 172 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích 6.922 ha. Hướng dẫn, phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các công trình trọng điểm quốc gia; cơ bản đáp ứng nguồn cung vật liệu phục vụ thi công các công trình, dự án trọng điểm tại khu vực phía Bắc và Tây Nguyên, ưu tiên bố trí ngay 9,1 triệu m3 cát đắp phục vụ các dự án cao tốc tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/CP ngày 3/4/2023 của Chính phủ về phê duyệt Chiến lược khai thác sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến nay đã có 26/28 tỉnh, thành phố có biển đã phê duyệt danh mục hành lang bảo vệ bờ biển.
Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc nhưng lại là quốc gia nằm về phía cuối của các con sông nên lưu lượng nước rất lớn vào mùa nước xuyên biên giới, khi các quốc gia vùng thượng nguồn tác động ngăn dòng thì ngay lập tức ảnh hưởng tới sinh kế của hàng triệu người dân Việt Nam. Đặc biệt, nguồn nước còn gặp khó khăn do tình trạng sử dụng nước lãng phí trong sản xuất và sinh hoạt, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước xảy ra thường xuyên ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền núi và trung du.
Để đảm bảo an ninh nguồn nước, loại an ninh đặc biệt có tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước, ngành TN&MT đã tập trung triển khai thực hiện quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, Bộ đã tổ chức thực hiện điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại 286 vùng cao của 41 tỉnh.
Bộ đã chủ động đề xuất các giải pháp tổng thể thực hiện quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Mê kông, quản lý nguồn nước xuyên biên giới thông qua cơ chế hợp tác của hội nhập quốc tế và các cơ chế hợp tác tiểu vùng khác.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị COP28
Từ COP26 đến COP28, các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao khi triển khai quyết liệt các chương trình hành động về ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng để có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Bộ đã phối hợp chuẩn bị nội dung phục vụ Lãnh đạo Đảng, Chính phủ tham dự nhiều sự kiện quốc tế quan trọng như: Đoàn công tác của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu tham dự Hội nghị COP28 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất; Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên về cộng đồng phát thải ròng bằng “0” châu Á AZEC tại Tokyo với sự tham dự của Lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN, Nhật Bản và Austraylia, hội nghị được kỳ vọng sẽ trở thành bước đầu đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển bền vững mới, tạo sức lan toả trên toàn khu vực châu Á Thái Bình Dương; Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 mở rộng, hội nghị rà soát toàn diện giữa kỳ việc triển khai các mục tiêu của thập kỷ hành động “Nước vì sự phát triển bền vững”, chủ động thúc đẩy đàm phán, ký kết các thoả thuận hợp tác về tài nguyên, môi trường và khí hậu với nhiều đối tác chiến lược, quan trọng, là diễn đàn kinh tế thế giới với nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ ba tại Bogota, Colombia
Đặc biệt, Bộ TN&MT đã chủ trì phối hợp với nhóm các đối tác phát triển về việc xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng JEPT, đón đầu các cơ hội hợp tác, khai thác tiềm năng, lợi thế về tài nguyên gió, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển các ngành kinh tế dựa vào hệ sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính.
Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn để cụ thể hoá lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn trình theo chỉ đạo của Chính phủ.
Để cụ thể hoá nội dung này, Bộ TN&MT đã tổ chức Diễn đàn kinh tế tuần hoàn Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Phát triển kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” để trao đổi, thảo luận về cách tiếp cận phù hợp và cơ chế tài chính để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn năm 2030. Nếu được thông qua, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN thiết lập khung thể chế, pháp luật toàn diện trong kinh tế tuần hoàn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh tham quan các gian triển lãm kinh tế tuần hoàn
Một trong ba chiến lược mà Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đề ra là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, ngành TN&MT phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, phục vụ thi công công trình trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sân bay quốc tế Long Thành.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã làm tờ trình tham mưu cho Chính phủ ban hành các Nghị quyết về cơ chế đặc thù, cho phép các khu vực có khoáng sản làm vật liệu xây dựng bình thường, phục vụ thi công các dự án đường cao tốc Bắc Nam, là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đến nay, các khu vực phía Bắc và Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long cơ bản đã giải quyết được vấn đề thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng khai thác và đất san lấp.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và sự ủng hộ, đồng thuận theo của người dân, đến nay công tác kiểm kê đất, công tác xây dựng tái định cư cho các hộ dân nhường đất cho dự án đã cơ bản được hoàn thành.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành TN&MT
Những kết quả tích cực về đầu tư công trong năm 2023 là minh chứng cho việc thực hiện các cơ chế chính sách quyết liệt của Chính phủ bằng sự mạnh dạn, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để mục tiêu cả nước đón 5.000km2 đường cao tốc vào năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng tăng cường hiện thực hoá.
Hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác khí tượng thuỷ văn, hiện đại hoá hệ thống dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai thông qua quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn, đề án tăng cường công tác dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai nguy hiểm trên các địa bàn, kết hợp với chuyên ngành khí tượng thuỷ văn đã xuyên suốt trong mọi tình huống, chuẩn bị sẵn sàng cho mùa mưa bão.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành TN&MT
Sau khi Chính phủ phê duyệt Chiến lược ngành Đo đạc bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, ngành TN&MT đã đẩy mạnh công tác quản lý biên giới, địa giới, hoàn thiện công tác quản lý dữ liệu thông tin địa lý quốc gia, ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ quản lý giám sát tài nguyên và môi trường.
Tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý pháp luật về tài nguyên và môi trường, trọng tâm triển khai chương trình chuyển đổi số ngành TN&MT, xây dựng hệ thống thủ tục hành chính đơn giản, công khai, minh bạch, Bộ đã thực hiện bãi bỏ, đơn giản hoá 153/178 thủ tục hành chính (đạt 85%) trong 6 lĩnh vực: Đất đai, địa chất, khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thuỷ văn và môi trường.
Chỉ số cải cách hành chính (PAR-index) năm 2022 đạt 86,59/100 điểm, xếp thứ 6/17 bộ và cơ quan ngang bộ; chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2023 đứng thứ 3/17 bộ, ngành có dịch vụ công. Toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu, trên cả nước đã có cơ sở dữ liệu của 450/705 huyện; đã kết nối cơ sở dữ liệu đất đai của 63/63 tỉnh, thành phố với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 461/705 quận/huyện, 6.198/10.599 phường/xã, tổng số hơn 26 triệu thửa đất. Toàn ngành đã tiến hành 2.020 cuộc thanh tra, kiểm tra, đối với 5.089 tổ chức, cá nhân. Xử phạt vi phạm hành chính 944 tổ chức, cá nhân với số tiền 135.156 triệu đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách nhà nước 68.8 triệu đồng, kiến nghị thu hồi 382ha đất… cơ bản hoàn thành thí điểm làm giàu, làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin dữ liệu nhà ở trong cơ sở dữ liệu đất đai tại tỉnh Hà Nam và TP. Hà Nội.
Công tác chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu trong ngành tài nguyên và môi trường được quan tâm đầu tư. Bộ đã vận hành các hệ thống thông tin Chính phủ điện tử phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành quản trị của ngành TN&MT trên môi trường điện tử trực tuyến; đã tích hợp với nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia, với 240 dịch vụ, 10.878.577 giao dịch; số lượng văn bản điện tử (ký số) gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nội bộ là 95.018 văn bản; hoàn thành Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 (Đề án 06/CP). Điều đó khẳng định, ngành TN&MT luôn tiên phong trong chuyển đổi số và điều này đã giúp người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng hơn trong tra cứu, sử dụng những thông tin, dữ liệu quan trọng đến đất đai.
Với sự minh bạch, công tâm, ngành TN&MT đã phát huy hiệu quả trong việc giải quyết các kiến nghị của người dân trong các vụ khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai phức tạp, sai phạm trong quản lý đất đai, công tác tiếp công dân được Bộ thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật về tiếp công dân. Trong năm 2023, toàn Ngành đã tổ chức tiếp trên 4.200 lượt với gần 5.000 công dân, xử lý hơn 10 nghìn đơn thư tương ứng 10 nghìn vụ việc.
Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Biến đổi khí hậu, thiên tai, suy giảm hệ sinh thái tự nhiên đang trở thành tình trạng khẩn cấp trên toàn cầu. Các quốc gia ngày càng quan tâm thúc đẩy tăng trưởng xanh, giảm phát thải. Các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, phát thải sẽ là rào cản đối với hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và thâm nhập vào các thị trường các nước phát triển, nhưng đây cũng là cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình phát triển theo xu thế của thời đại với hỗ trợ về công nghệ, nguồn vốn của các nước phát triển.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị
Năm 2024, với tinh thần Đoàn kết - kỷ cương, chủ động - linh hoạt, kịp thời - hiệu quả, phát triển - bứt phá, Ngành TN&MT tiếp tục tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, trình Quốc hội, Chính phủ dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp gần nhất; hoàn thành, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm đồng bộ, thống nhất và kịp thời có hiệu lực đồng thời với Luật. Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu để kết nối với hệ thống thông tin đất đai, tạo cơ sở, nền tảng để chính thức vận hành cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông theo mục tiêu đã được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW vào năm 2025.
Đồng thời, duy trì và phấn đấu thăng hạng Chỉ số cải cách hành chính của Bộ (so với năm 2022 (Par-index) đạt 86.59/100 điểm xếp thứ 6 trên tổng số 17 các Bộ, cơ quan ngang bộ). Cải thiện chỉ số hài lòng của người dân doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường tăng 2-3%. Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai. Chuẩn hóa các quy trình điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với các thủ tục thiết yếu về đăng ký cấp giấy chứng nhận khi thực hiện các quyền. Cải thiện các chỉ số thành phần môi trường:trên 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 30 - 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp.
Thủ tướng trao đổi với các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành TN&MT
Ngoài ra, hoàn thành 90-100% các hồ chứa lớn, quan trọng hoàn thành việc cắm mốc hàng lang bảo vệ nguồn nước; hoàn thành xây dựng kịch bản nguồn nước trên 13 lưu vực sông để hoàn thiện, công bố kịch bản nguồn nước vào đầu năm 2025. Tự động hóa 65% số trạm quan trắc khí tượng thuỷ văn để từng bước hình thành mạng lưới quan trắc KTTV hiện đại và tự động hoàn toàn, kết nối, chia sẻ số liệu với các nước trong khu vực, trên thế giới; 100% thiên tai bão, lũ, được giám sát, dự báo, cảnh báo kịp thời, đủ độ tin cậy; hình thành mạng lưới quan trắc khí tượng thuỷ văn kết nối trong lưu vực sông Mê Công; tăng cường năng lực giám sát môi trường, khí tượng thuỷ văn. 39% diện tích vùng biển được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ bản đồ 1:500.000; 75% diện tích đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản ở tỷ lệ 1:50.000.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Bộ TN&MT và lãnh đạo các Bộ, ngành tham dự Hội nghị
Để góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 ngành tài nguyên và môi trường đặt quyết tâm chủ động vượt qua thách thức, biến thách thức thành cơ hội. Toàn ngành xác định các khâu đột phá để tăng tốc phát triển, đó là: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, rõ ràng, minh bạch; tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn trong quy định của pháp luật, xây dựng hệ thống quy hoạch đồng bộ để giải phóng, phát huy các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế, xã hội; Chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường; xây dựng, vận hành hệ thống thông tin đất đai (MPLIS), số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và các cơ sở dữ liệu quan trọng, cấp bách tạo nền tảng phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh; Chủ động hội nhập với các xu thế của thời đại, huy động các nguồn lực xã hội, hỗ trợ quốc tế thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Tú Quyên