Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đánh giá trữ lượng khoáng sản
12/08/2022TN&MTVới mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam, tài nguyên khoáng sản luôn là nguồn tài sản vô cùng quí giá. Đó là cơ sở để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn trong nước cũng như xuất khẩu. Hầu hết nguồn tài nguyên này đều không thể tái tạo. Việc quản lý, khai thác khoáng sản hiệu quả vì thế luôn là mục tiêu hướng tới ngay từ khi bất cứ một quốc gia nào bắt tay vào công cuộc khai thác các mỏ khoáng sản đầu tiên. Từ nhận thức đó, công tác đánh giá trữ lượng khoáng sản đã được Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm. Đó không chỉ là cơ sở để cấp phép khai thác mỏ, mà còn là cơ sở để quản lý, quy hoạch, xây dựng chiến lược khai thác tài nguyên một cách hiệu quả.
Nhằm đảm bảo tính khách quan, khoa học của công tác đánh giá trữ lượng khoáng sản, từ năm 1970, Chính phủ đã thành lập Hội đồng Xét duyệt trữ lượng khoáng sản trực thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Giúp việc cho Hội đồng là Tổ Xét duyệt trữ lượng khoáng sản tiền thân của Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia và Văn phòng Hội đồng hôm nay. Từ năm 1970 đến nay, cơ quan thường trực, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và thành viên Hội đồng đều là cán bộ lãnh đạo của các bộ, ngành kinh tế chủ chốt, các nhà khoa học chuyên sâu có uy tín về các lĩnh vực địa chất, khoáng sản do Chính phủ quyết định theo từng thời kỳ.
Công tác thẩm định phê duyệt trữ lượng khoáng sản
Đến nay, Hội đồng đã phê duyệt trữ lượng khoáng sản trong hơn 1100 báo cáo thăm dò, thăm dò nâng cấp các mỏ khoáng sản các loại (khoáng sản kim loại, không kim loại, khoáng chất công nghiệp, khoáng sản năng lượng, nước dưới đất và nước khoáng,...). Nhiều mỏ thuộc các nhóm khoáng sản đã được đưa vào khai thác, chế biến đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu để phát triển các ngành công nghiệp quan trọng trong nước như năng lượng, luyện kim, sản xuất vật liệu xây dựng, phân bón và hoá chất cơ bản và xuất khẩu để tăng thu ngoại tệ cho ngân sách Nhà nước.
Cùng với việc phê duyệt trữ lượng khoáng sản trong các báo cáo thăm dò, Hội đồng cũng đã ban hành nhiều Quyết định công nhận chỉ tiêu tạm thời tính trữ lượng khoáng sản và Quyết định công nhận kết quả chuyển đổi cấp trữ lượng và cấp tài nguyên của các mỏ khoáng sản, các báo cáo thăm dò khoáng sản từ phân trữ lượng, cấp tài nguyên cũ (theo Quyết định 03/HĐTL năm 1973 của Hội đồng xét duyệt trữ lượng khoáng sản) sang phân cấp trữ lượng, cấp tài nguyên mới theo quy định tại Quyết định 06/2006/QĐ-BTNMT ngày 07/ 6/2006 của Bộ TN&MT về ban hành quy định về phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn.
Tổ chức hành chính gắn liền với sự ra đời và hoạt động của Hội đồng từ năm 1970 đến nay là Văn phòng Hội đồng. Với chức năng là cơ quan giúp việc của Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, Văn phòng Hội đồng đã làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học làm cơ sở xây dựng văn bản QPPL; xây dựng các văn bản QPPL về thăm dò, phân cấp trữ lượng, tài nguyên các mỏ khoáng sản trình Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia thông qua để Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành theo thẩm quyền; kiểm tra, thẩm định và trình Hội đồng xem xét, phê duyệt trữ lượng trong báo cáo thăm dò khoáng sản; hướng dẫn thành lập các báo cáo thăm dò khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân được cấp phép thăm dò khoáng sản; thẩm định và công nhận chỉ tiêu tính trữ lượng khoáng sản và công tác thống kê trữ lượng khoáng sản.
Thời kỳ đầu từ năm 1970 - 1986 gắn liền với cơ chế bao cấp với bao khó khăn của nền kinh tế vừa mới thoát khỏi chiến tranh tàn khốc của đất nước. Công tác thăm dò và phê duyệt trữ lượng khoáng sản khi đó tập trung vào việc đánh giá trữ lượng các khoáng sản truyền thống như: Than của vùng mỏ Quảng Ninh, quặng apatit của vùng mỏ Lào Cai, quặng sắt Trại Cau- Thái Nguyên, các mỏ đá sét, đá vôi làm vật liệu xây dựng,… Đây là những khoáng sản được quan tâm thăm dò, khai thác để phục vụ trực tiếp, kịp thời cho nhu cầu phát triển năng lượng, sản xuất phân bón, phát triển vật liệu xây dựng,... của đất nước trong những năm miền Bắc xây dựng CNXH (1970-1975) và sau khi đất nước thống nhất cả nước đi lên XHCH.
Nhìn lại giai đoạn này, chúng ta cảm thấy thật tự hào vì mặc dù đây là giai đoạn đất nước gặp rất nhiều khó khăn do chiến tranh, hậu quả của chiến tranh, do cơ chế quản lý và sự bao vây về kinh tế của các thế lực thù địch, nhưng công nghiệp KTKS mà trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Hội đồng trong việc thẩm định phê duyệt trữ lượng các khoáng sản (các mỏ than Quảng Ninh, Bắc Giang, Sơn La, Thái Nguyên,… các mỏ apatit vùng Lào Cai; quặng sắt Thạch Khê; chì kẽm Bắc Kạn, Thái Nguyên, thiếc Nghệ An, Cao Bằng, Urani Cao Bằng; đồng Sinh Quyền, khí cháy Tiền Hải; hàng loạt các mỏ vật liệu xây dựng, mỏ đá, sét cung cấp nguyên liệu sản suất vật liệu xây dựng: xi măng Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Hải phòng, Thăng Long - Quảng Ninh, felspat Phú Thọ,…) đã góp phần cho đất nước có những cơ sở đầu tiên về kinh tế để đổi mới và hội nhập.
Bước sang giai đoạn 1986- 2002, đất nước ta khép lại thời kỳ bao cấp, chuyển dần sang thời kỳ mở cửa kinh tế thị trường theo định hướng XHCN Công tác đầu tư thăm dò - KTKS phục vụ cho sự phát triển KT-XH ngày càng đa dạng. Về mặt quản lý, chúng ta đã có Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản ngày 28/7/1989 của Hội đồng Nhà nước và Nghị định số 95/HĐBT ngày 25/3/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc thi hành Pháp lệnh về tài nguyên và sau đó là Luật Khoáng sản năm 1996 để thực hiện tốt hơn việc quản lý tài nguyên khoáng sản nói chung và các nhiệm vụ của Hội đồng nói riêng. Giai đoạn này, cùng với nguồn vốn của Nhà nước còn có các nguồn vốn từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư cho thăm dò - khai thác mỏ. Vì thế, Hội đồng và Văn phòng Hội đồng vừa phải thực hiện nhiệm vụ thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản đối với các mỏ được đầu tư từ nguồn ngân sách, vừa thực hiện nhiệm vụ đánh giá trữ lượng khoáng sản đối với các mỏ khoáng sản do các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các công ty nước ngoài thực hiện.
Từ năm 2002 đến nay, sau khi Bộ TN&MT thành lập, theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT làm nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng, Văn phòng Hội đồng đặt tại Bộ TN&MT.
Theo Quyết định Bộ trưởng Bộ TN&MT, Văn phòng Hội đồng tiếp tục thực hiện chức năng kiểm tra, thẩm định, đánh giá trình Hội đồng phê duyệt, công nhận trữ lượng khoáng sản trong các báo cáo thăm dò khoáng sản do các tổ chức cá nhân trình duyệt tại Hội đồng. Trong giai đoạn này, chúng ta có Luật Khoáng sản năm 2010 (thay thế Luật Khoáng sản năm 1996) và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật đã giúp cho công tác thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản tại Hội đồng có nhiều thuận lợi.
Nhìn chung, suốt trong 50 năm qua, trong công tác kiểm tra, thẩm định phê duyệt trữ lượng khoáng sản trong các báo cáo thăm dò, Hội đồng, Văn phòng Hội đồng luôn đặt chất lượng thẩm định báo cáo và thời gian thẩm định theo quy định của pháp luật lên hàng đầu, những báo cáo có nhiều thiếu sót đều được các chuyên viên Văn phòng Hội đồng hướng dẫn chi tiết phương pháp chỉnh sửa, bổ sung để đạt chất lượng tốt trước khi trình Hội đồng phê duyệt.
Công tác phối hợp trong quản lý nhà nước về khoáng sản
Trong giai đoạn từ năm 2002 đến nay, công tác ban hành các văn bản QPPL luôn được được Hội đồng, Văn phòng Hội đồng đặc biệt quan tâm. Theo kế hoạch của Bộ TN&MT, Văn phòng Hội đồng đã rà soát lại toàn bộ các văn bản liên quan đến công tác đánh giá trữ lượng; xây dựng hàng loạt văn bản pháp luật phù hợp với thực tiễn quản lý, KTKS trình Bộ ban hành theo thẩm quyền. Hiện tại, Văn phòng Hội đồng vẫn đang tiếp tục phối hợp với Tổng cục ĐC&KS Việt Nam trong xây dựng các thông tư cho các loại khoáng sản còn lại: Cát cuội sỏi lòng sông, đá ốp lát, cao lanh - felspat,… công tác này giúp cho Chính phủ, Bộ TN&MT, UBND các tỉnh thành thực hiện tốt chức năng QLNN về tài nguyên và khoáng sản (xây dựng kế hoạch điều tra, thăm dò khoáng sản, cấp phép và kiểm soát các hoạt động điều tra, thăm dò khoáng sản, xem xét đánh giá, phê chuẩn trữ lượng khoáng sản,…); đồng thời, cũng giúp cho các cá nhân và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản tiến hành công tác đầu tư, điều tra, thăm dò khoáng sản một cách khoa học và có hiệu quả.
Nhờ áp dụng kết quả của đề án “Cập nhật trữ lượng khoáng sản các mỏ đã thăm dò” cụ thể là áp dụng phần mềm Cập nhật trữ lượng ResMap, công tác này đã được tự động hóa và có độ chính xác cao. Các số liệu thống kê này được đưa vào báo cáo hàng năm về hoạt động của Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia báo cáo với Chính phủ. Đây là các số liệu thực tế, khoa học và chính xác giúp cho Chính phủ, Bộ ngành và các địa phương có các định hướng trong việc quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế.
Công tác nghiên cứu khoa học
Ngoài việc tham mưu cho Hội đồng trong việc thẩm định, đánh giá phê duyệt trữ lượng tài nguyên của hầu hết các loại khoáng sản rắn, nước khoáng và nước nóng trên lãnh thổ Việt Nam, trong giai đoạn từ 2002 đến nay, Văn phòng Hội đồng còn chủ động đề xuất Bộ TN&MT thực hiện các công tác nghiên cứu khoa học để vừa phục vụ cho việc tham mưu giúp Hội đồng thực hiện tốt chức năng được giao, vừa phục vụ việc tham mưu Bộ TN&MT thực hiện tốt chức năng quản lý về khoáng sản. Với kết quả của các đề án này, chúng ta đã hoàn thành việc rà soát, thống kê, chuyển đổi cấp trữ lượng và cấp tài nguyên khoáng sản về cùng một hệ thống theo quy định mới và điện tử hóa toàn bộ trữ lượng các mỏ khoáng sản. Đây là các đề án giúp cho Việt Nam hoàn thành CSDL đồng bộ về trữ lượng cho tất cả các loại khoáng sản trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam hội nhập kinh tế với các nước trên thế giới về lĩnh vực khoáng sản, phục vụ tốt các cơ quan QLNN trong việc lập quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cá nhân đầu tư vào lĩnh vực khoáng sản.
Đánh giá cao những đóng góp của Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, tập thể cán bộ Văn phòng đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2010; được nhận Cờ thi đua của Chính phủ về thành tích hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua của ngành TN&MT năm 2013. Năm 2014, Văn phòng Hội đồng đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì vào dịp kỷ niệm lần thứ 45 năm ngày thành lập Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia và Văn phòng Hội đồng. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 năm ngày thành lập Văn phòng, Hội đồng đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen do đã có những thành tích xuất xắc từ năm 2014 đến 2019.
NGUYỄN TRƯỜNG GIANG
Chánh Văn phòng Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia