Doanh nghiệp Việt Nam chủ động chuyển dịch năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm phát thải
08/10/2024TN&MTBiến đổi khí hậu đang là một thách thức phức tạp và cấp bách, tác động đến các nền kinh tế trên thế giới. Báo cáo của Tổ chức Swiss Reinsurance (Swiss Re) đã chỉ ra tác động của biến đổi khí hậu có thể làm giảm sản lượng kinh tế toàn cầu từ 11-14%, tương đương 23.000 tỷ USD hằng năm vào năm 2050; trong đó, nền kinh tế của các quốc gia đang phát triển sẽ bị suy giảm 20% hoặc cao hơn. Trong khi đó, đóng góp phần quan trọng trong phát triển nền kinh tế thế giới đó là các doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực.
Doanh nghiệp Việt Nam chủ động đón đầu xu hướng chuyển dịch năng lượng
Kể từ COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề BĐKH. Theo Phó Cục trưởng Cục BĐKH Mai Kim Liên cho biết, Việt Nam là thành viên tích cực trong các hoạt động ứng phó với BĐKH. Điều này thể hiện rõ qua việc Việt Nam đã ký Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC) năm 1992, phê chuẩn UNFCCC năm 1994; ký Thỏa thuận Paris về BĐKH năm 2016; rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định trong giai đoạn 2021 - 2030. Việt Nam đã tích cực đàm phán và công bố Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các đối tác trong và ngoài nhóm các nước G7. Trong thời gian qua, công tác ứng phó với BĐKH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; nhiều chính sách, chương trình, hành động về BĐKH đã được ban hành và triển khai thực hiện. Đặc biệt, Luật BVMT năm 2020 quy định rõ về ứng phó với BĐKH. Đến nay, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật BVMT đã và đang được ban hành, triển khai thực hiện, là cơ sở pháp lý quan trọng thực hiện các cam kết về giảm nhẹ phát thải KNK và thích ứng với BĐKH. Về cơ bản, các khung chính sách mới về ứng phó với BĐKH của Luật BVMT có đầy đủ hành lang pháp lý để triển khai thực hiện. Sự vào cuộc mạnh mẽ của địa phương, doanh nghiệp, trong đó có ngành Ngân hàng trong việc đồng hành cùng Chính phủ và các cơ quan quản quản lý nhà nước trong nghiên cứu và triển khai giảm dần các nguồn năng lượng hóa thạch, xây dựng kế hoạch giảm phát thải KNK, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế hướng tới phát triển bền vững và phát thải ròng bằng “0” đóng vai trò quan trọng.
Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện chương trình, dự án theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon quốc tế để trao đổi trên thị trường các-bon tự nguyện quốc tế (Cơ chế Phát triển sạch CDM, Cơ chế Tiêu chuẩn vàng GS,...). Đây là vốn kinh nghiệm để doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng tham gia thị trường các-bon trong nước và quốc tế. Đồng thời, Chính phủ trong thời gian tới sẽ sớm tiến hành phân bổ hạn ngạch cho một số cơ sở phát thải lớn để tạo cơ sở hình thành thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải KNK. Khu vực châu Á Thái Bình Dương, năm 2023, đầu tư vào chuyển đổi năng lượng đạt 1,8 nghỉn tỷ USD. Giao thông điện là ngành có mức chi tiêu cao nhất hiện nay với 634 tỷ USD. Doanh số xe điện vẫn tiếp tục tăng, giá pin xe điện trung bình toàn cầu sẽ giảm xuống dưới 100 USD/kWh vào năm 2027. Ở Việt Nam, năng lượng mặt trời và gió mới cạnh tranh chi phí với các nhà máy nhiệt điện mới. Quy mô đầu tư vào công nghệ thu hồi các-bon và ngành công nghiệp sạch cũng đã bắt đầu mở rộng. Đây sẽ là thuận lợi để Việt Nam tham gia chuyển đổi năng lượng trên quy mô lớn, thực hiện các giải pháp giảm phát thải một cách đồng bộ và hiệu quả cao.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho biết, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp có tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng và tiềm năng lớn về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải KNK. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng do còn thiếu thông tin về năng lượng hiệu quả, do hạn chế về tài chính, kỹ thuật, năng lực kiểm toán mức tiêu thụ năng lượng, năng lực phát triển các dự án để tiếp cận các nguồn tài chính đầu tư phù hợp. Mô hình kinh doanh Công ty Dịch vụ Năng lượng (ESCO) là mô hình kinh doanh khá mới và chưa được nhiều doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam tiếp cận. VCCI đang nỗ lực phối hợp với các đối tác triển khai các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp do nữ làm chủ và trong ngành chế biến thực phẩm và công nghiệp hỗ trợ, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển theo hướng xanh và bền vững,... Hiện chúng ta đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc giảm phát thải KNK thông qua đổi mới công nghệ sáng tạo, cải thiện hoạt động và đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Sử dụng năng lượng tái tạo, thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm phát thải
Trong Thế kỷ 21, BĐKH đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt. Sự gia tăng của nhiệt độ toàn cầu, BĐKH và tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên đang ngày càng trở nên rõ ràng và nguy hiểm. Để đối phó với tình hình này, việc chuyển đổi từ các nguồn năng lượng truyền thống, như than đá và dầu mỏ, sang các nguồn năng lượng tái tạo là một phần không thể thiếu của cuộc chiến chống lại BĐKH. Việc chuyển đổi sang năng lượng sạch đã bắt đầu diễn ra trên toàn thế giới, như một phản ứng tự nhiên và cần thiết trước tình hình khẩn cấp của BĐKH. Các quốc gia, từ các nền kinh tế phát triển đến các nền kinh tế mới nổi, đều đã đưa ra cam kết và hành động để giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng từ nguồn không bền vững và tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Chuyển đổi sang năng lượng sạch không chỉ là một biện pháp để bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của BĐKH mà còn mang lại nhiều cơ hội và lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường. Kinh tế: Sự đầu tư vào năng lượng tái tạo tạo ra một lĩnh vực kinh doanh mới, giúp tạo ra việc làm, thúc đẩy sự đổi mới và tăng trưởng kinh tế. Các công ty công nghệ và năng lượng tái tạo đang nổi lên và trở thành những người dẫn đầu trong sự chuyển đổi này. Xã hội: Việc sử dụng năng lượng sạch giúp cải thiện chất lượng không khí, giảm ô nhiễm, và bảo vệ sức khỏe con người. Nó cũng tạo ra cơ hội cho các cộng đồng địa phương để phát triển và thúc đẩy sự công bằng và bền vững. Môi trường: Chuyển đổi sang năng lượng tái tạo giúp giảm lượng khí thải nhà kính, bảo vệ đa dạng sinh học và giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nước và tài nguyên tự nhiên. Tuy có nhiều lợi ích, nhưng việc chuyển đổi sang năng lượng sạch cũng đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn. Chi phí đầu tư: Việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới và triển khai công nghệ năng lượng tái tạo có thể đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, đặc biệt là đối với các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển. Cấu trúc hạ tầng: Hệ thống điện hiện tại của nhiều quốc gia có thể không phản ánh được nhu cầu và tiềm năng của năng lượng tái tạo, điều này đòi hỏi sự đầu tư và cải thiện cấu trúc hạ tầng. Chính sách và quy định: Sự thiếu nhất quán trong các chính sách và quy định liên quan đến năng lượng tái tạo có thể làm chậm quá trình chuyển đổi và làm tăng rủi ro cho các nhà đầu tư.
Theo Cục trưởng Cục BĐKH Tăng Thế Cường, BĐKH đã thực sự là thách thức rất lớn đối với nhân loại, mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời có trách nhiệm giảm phát thải KNK theo mục tiêu quốc gia đã cam kết. Giảm phát thải KNK nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) là nghĩa vụ của tất cả các quốc gia, thực tế đã làm gia tăng nhu cầu trao đổi tín chỉ các-bon và kết quả giảm phát thải KNK giữa các quốc gia. Với những xu thế đó, nhiều nhiệm vụ đặt ra cho công tác ứng phó với BĐKH ở nước ta trong thời gian tới, trong đó trước mắt tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu sau: Hoàn thiện các quy định pháp luật ứng phó với BĐKH, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cùng với việc đẩy mạnh thực hiện các chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch quốc gia về ứng phó với BĐKH như: Chiến lược quốc gia về BĐKH gắn với thực hiện NDC; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26; Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030; Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH; Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát. Các lĩnh vực cần đề xuất giải pháp thúc đẩy hoạt động tạo tín chỉ các-bon và xây dựng danh mục hoạt động, biện pháp giảm phát thải KNK khuyến khích trao đổi tín chỉ các-bon với các đối tác quốc tế. Tập trung phát triển thị trường các-bon trong nước và hoàn thiện các quy định về quản lý tín chỉ các-bon, bao gồm cả hoạt động trao đổi tín chỉ các-bon trong nước và ra nước ngoài. Cập nhật danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK phù hợp với tình hình thực tiễn; đẩy mạnh hoạt động kiểm kê KNK tại các doanh nghiệp để góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm phát thải KNK và là cơ sở để các cơ sở này tham gia trao đổi hạn ngạch phát thải KNK trên thị trường các-bon trong nước.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực BĐKH, thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ các-bon trực tuyến để quản lý thống nhất toàn bộ tín chỉ các-bon được tạo ra trên lãnh thổ Việt Nam và các hoạt động giao dịch tín chỉ các-bon. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về BĐKH, trong đó tập trung xây dựng hệ thống thông tin báo cáo, cơ sở dữ liệu về kiểm kê KNK và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK. Hoàn thiện hệ thống báo cáo giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH cấp quốc gia và báo cáo kiểm kê KNK trực tuyến phục vụ công tác quản lý nhà nước về BĐKH. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta cần tận dụng những cơ hội từ ứng phó với BĐKH để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.
NGUYỄN HOÀNG
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 13 (Kỳ 1 tháng 7) năm 2024