Doanh nghiệp tiên phong thúc đẩy kinh tế xanh
01/07/2024TN&MTViệt Nam sẽ có bộ tiêu chí về phân loại xanh và hệ thống ngành kinh tế xanh. Phát triển kinh tế xanh đang là ưu tiên hàng đầu, là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Việt Nam cũng đang nỗ lực đi trên con đường này.
Vietnam Airlines thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững từ Singapore đến Hà Nội
Dưới góc độ doanh nghiệp, kinh tế xanh mang lại cách nhìn mới về mối quan hệ giữa thị trường, khách hàng và tài nguyên thiên nhiên. Từ đó góp phần thúc đẩy các mô hình kinh doanh sáng tạo, các công nghệ đột phá giúp doanh nghiệp tăng trưởng cao hơn thông qua cắt giảm chi phí, giảm tiêu thụ năng lượng và khí thải CO2, tăng cường chuỗi cung ứng và bảo tồn tài nguyên.
Tìm bước đi phù hợp
Trong khu vực sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường quốc tế là đối tượng sớm nhận ra sự thúc ép của yêu cầu áp dụng kinh tế xanh.
Ngày 27/5/2024, ngành hàng không Việt Nam thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Chuyến bay do hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines thực hiện, mang số hiệu VN660 từ Singapore đến Hà Nội. Ðây là một bước tiến quan trọng của hàng không Việt Nam trong hành trình trở thành hãng hàng không xanh, góp phần thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26).
SAF được sản xuất từ nguyên liệu tái tạo, như dầu ăn đã qua sử dụng, mỡ động vật thải…, có thể giảm đến 80% lượng khí thải nhà kính và giảm thiểu các khí thải độc hại khác như NOx, SO2, bụi mịn... Tốt cho môi trường nhưng SAF có giá cao hơn từ 2 đến 3 lần so với nhiên liệu hóa thạch truyền thống, thậm chí có thời điểm cao gấp 5 đến 6 lần, đặt ra bài toán khó cho ngành hàng không là vừa phải sản xuất đủ SAF, vừa có chính sách để khách hàng chấp nhận giá vé cao bị đội lên.
Ông Ðặng Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, đây là một trong những kết quả đáng khích lệ của Vietnam Airlines trong hành trình chuyển đổi xanh để phát triển bền vững. Từ rất sớm, hãng đã thành lập Ban chỉ đạo Phát triển bền vững để tham gia vào kinh tế xanh. Năm 2023, Vietnam Airlines tiết kiệm được 22 nghìn tấn nhiên liệu JetA1, tương đương với hơn 438 tỷ đồng và giảm 69.520 tấn khí thải CO2 ra môi trường nhờ áp dụng các giải pháp xanh.
Trong lĩnh vực sản xuất, doanh nghiệp ngành dệt may chính là lực lượng đi đầu áp dụng kinh tế xanh, vì đây là đòi hỏi cấp thiết từ thị trường xuất khẩu. Các xu thế mới trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu hiện đang mở ra cơ hội để thúc đẩy xanh hóa ngành dệt may Việt Nam nhưng cũng đặt ra rất nhiều thách thức. Nguồn cung nhiên liệu và khả năng chi trả của người tiêu dùng cho các sản phẩm dệt may có nguồn gốc thân thiện với môi trường vẫn là rào cản đối với doanh nghiệp dệt may.
Bên cạnh đó, sản phẩm thân thiện với môi trường có giá cao, khó cạnh tranh với sản phẩm truyền thống cũng là bài toán khó cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Hơn nữa, xanh hóa dệt may là bước đi dài hạn, rất khó để thấy hiệu quả trong những năm đầu đầu tư công nghệ mới nên doanh nghiệp khó huy động tài chính xanh.
Theo Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường, các quốc gia và vùng lãnh thổ đang bắt đầu luật hóa những quy định liên quan đến xanh hóa ngành dệt may như một phần của nỗ lực hướng tới phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, cái khó của ngành dệt may Việt Nam là phải xác định được bước đi vừa phù hợp điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước, vừa phải phù hợp yêu cầu của thị trường. Bởi nếu đi trước, giá sản phẩm xanh sẽ đắt, dẫn đến khó tiêu thụ, nhưng nếu đi chậm sẽ không đủ điều kiện bán vào các thị trường trọng điểm.
Sẽ ban hành bộ tiêu chí về phân loại xanh
Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, việc thiếu chính sách đồng bộ, cụ thể về chuyển đổi xanh áp dụng cho các ngành kinh tế là một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay.
Thông tin về quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách trong định hướng của Chính phủ về chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết, cơ chế, chính sách và nền tảng pháp lý cho tăng trưởng xanh đã được Việt Nam ban hành từ khá sớm.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã hai lần ban hành chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, gồm Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 882/QÐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động bám sát Chiến lược để ban hành kế hoạch hành động liên quan tăng trưởng xanh và đôn đốc thực hiện các giải pháp phù hợp tình hình thực tế tại địa phương. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tăng trưởng xanh, trong đó có bộ tiêu chí về phân loại xanh và hệ thống ngành kinh tế xanh theo hình thức văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm áp dụng cho toàn bộ nền kinh tế và các ngành. Ðây là điểm mới vì hiện nay, các quy định về tăng trưởng xanh, kinh tế xanh chủ yếu mang tính hướng dẫn, không có tính chất ràng buộc. Ông Lê Việt Anh cho biết thêm, hệ thống ngành kinh tế xanh được xây dựng trên cơ sở tham khảo hướng dẫn xanh của Liên minh châu Âu, ASEAN, Singapore, Trung Quốc…, bảo đảm bám sát các tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với đặc thù và hoàn cảnh trong nước.
Cùng với việc chuẩn hóa các quy định về tiêu chí xanh, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư sẽ xem xét, kiến nghị Chính phủ những cơ chế trợ cấp cho hàng hóa, dịch vụ xanh và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động hướng tới tăng trưởng xanh phù hợp với quy định chung của quốc gia nhằm tạo sự thống nhất trong khâu thực hiện.
Ngành dệt may Việt Nam thuộc top 4 ngành xuất khẩu chủ lực của quốc gia, năm 2023 đạt kim ngạch xuất khẩu 39,7 tỷ USD, chiếm hơn 11% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Hiện nay, ngành dệt may có khoảng 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động, bảo đảm việc làm cho hơn 3 triệu lao động trực tiếp, chưa kể các ngành liên quan, phụ trợ. Vì vậy, khi chuyển dịch sang sản xuất xanh, ngành dệt may sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm xanh, bền vững cho người lao động, góp phần ổn định đời sống, nâng cao chất lượng làm việc, đóng góp vào công tác an sinh xã hội quốc gia.
Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường
Theo nhandan.vn