Doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt
24/09/2024TN&MTXoay quanh vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay, đặc biệt là kêu gọi sự chung tay vào cuộc của cả xã hội, nhất là doanh nghiệp. GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ, Viện trưởng Viện Công nghệ VinIT có những quan điểm, nhận định và hiến kế cho vấn đề này,…
GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ, Viện trưởng Viện Công nghệ VinIT
Cần có tiêu chí lựa chọn công nghệ
Đánh giá về thực trạng và quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay, GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ cho biết, xử lý chất thải môi trường, trong đó có chất thải rắn sinh hoạt là vấn đề lớn của thế giới, không riêng gì Việt Nam. Do hiện nó nhiễm nhựa, nhiễm nhiều nguồn chất thải từ điện tử (máy tính, điều hòa,… đều có chất thải).
Nhưng, đối với Việt Nam, vấn đề này cấp bách hơn, khó hơn thế giới. Bởi lẽ, hiện nay ở Việt Nam rác thải cơ bản là chất thải rắn sinh hoạt chiếm chủ yếu và nhiệt lượng rất thấp, nó chỉ khoảng 5.000 - 5.500 KJ/kg và độ ẩm rất cao, có thể tới đến 60% độ ẩm. Do đó, xử lý tái chế như phát điện hay làm mục tiêu khác rất khó.
Hơn nữa, chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam hiện nay không được phân loại từ đầu nguồn do hệ thống chưa bảo đảm. Chính vì vậy, cần nghiêm túc nhìn nhận, thói quen sinh hoạt trong cộng đồng khiến phân loại rác rất khó khăn. Điều này thay đổi không thể nhanh được. Dù Luật Bảo vệ môi trường 2020 yêu cầu từ 01/01/2025 phải phân loại rác đầu nguồn, song để tiến hành hiệu quả là cả một vấn đề lớn.
Và khi không phân loại chất thải từ đầu nguồn nên về mặt công nghệ rất khó xử lý rác thải hỗn hợp. Vậy làm thế nào xử lý được rác thải đó giúp có lợi cho nhà đầu tư là bài toán rất khó. Vì thế, bài toán xử lý rác tại Việt Nam, nhất là chất thải rắn sinh hoạt càng khó hơn. Do đó, cần có cách tiếp cận đặc biệt, không thể bê nguyên công nghệ, bài học của thế giới về Việt Nam. Nên cần có tiêu chí và phương pháp đánh giá thế nào để lựa chọn công nghệ phù hợp.
Theo tôi, có 3 tiêu chí: Một là phải bảo đảm về môi trường, muốn sử dụng công nghệ gì, xử lý như thế nào, thì Quốc hội, các Bộ, ngành có đủ thẩm quyền, song về môi trường phải bảo đảm an toàn tuyệt đối, không thể để đốt rác mà gây ô nhiễm khói độc là không thể chấp nhận;
Hai là cần đưa kỹ thuật, công nghệ cao vào phải bảo đảm yếu tố đầu tư có lợi nhuận cho nhà đầu tư, vì ngân sách Nhà nước không thể bao cấp hết được. Tức là phải xã hội hóa ngành công nghiệp xử lý và tái chế rác và muốn xã hội hóa được phải bảo đảm lợi nhuận cho nhà đầu tư;
Thứ ba, cần hết sức thận trọng với đề nghị của một số nhà đầu tư. Mặc dù đây là nhiệm vụ cấp bách, cần thiết, song không thể đốt cháy giai đoạn, làm cẩu thả được, phải cân nhắc, chọn lựa công nghệ cho phù hợp với loại rác cần xử lý; công nghệ này phải được Việt Nam hóa. Công nghệ có tiên tiến mấy đi nữa, về Việt Nam vẫn phải cải tiến, làm cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam, không thể máy móc bê công nghệ đắt tiền của nước phát triển với quy trình chặt chẽ về Việt Nam thì không thể thực tế được. Ngoài ra, về phương pháp tổ chức thực hiện, không thể một đơn vị, một doanh nghiệp có thể làm, mà cần đặt thành vấn đề lớn của cả xã hội. Ví dụ, có tình trạng bà con biểu tình, cản trở không cho xe vào bãi rác như ở Hà Nội. Đó không chỉ là vấn đề môi trường, mà lớn hơn, nên phải đặt vấn đề này cho đúng vị trí quan trọng của nó.
Và sự tiếp cận phù hợp
Về vấn đề học hỏi kinh nghiệm và công nghệ của các nước trên thế giới về xử lý chất thải, GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ cho biết, thế giới hiện có nhiều công nghệ khác nhau. Việt Nam phải hết sức thận trọng trong lựa chọn công nghệ phù hợp rác thải và điều kiện của Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ cho biết, có 5 nhóm công nghệ thế giới đang dùng: Một là công nghệ chôn lấp. Rất nhiều doanh nghiệp tham gia xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp, nhưng thực ra không có công nghệ nào cả và gây ảnh đến môi trường.
Hai là, làm phân vi sinh compost. Thế giới có, song không làm được, do làm phân vi sinh yêu cầu phân loại rác phải rất triệt để, chỉ là rác hữu cơ, không được lẫn chất độc. Vì chỉ cần nhiễm một phần nhỏ, sẽ khiến tồn đọng chất độc trong nước, đất. Thực tế điều kiện của Việt Nam chưa khả thi.
Ba là, công nghệ đốt. Có nhiều loại kỹ thuật công nghệ khác nhau. Nhưng, công nghệ này không an toàn. Đối với các nước như: Đức, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển làm theo công nghệ này là do rác thải được phân loại đầu nguồn tốt, hệ thống công nghệ bảo đảm quy trình nghiêm ngặt, hệ thống lọc được đầu tư rất bài bản.
Chúng ta muốn bảo đảm yếu tố môi trường thì bộ lọc rất tốn kém, hơn 2/3 giá trị đầu tư của một nhà máy và phải thay thường xuyên. Do đó, trong điều kiện rác thải của Việt Nam chỉ khoảng 400.000 đồng/tấn thì để công nghệ đốt này sinh lời cho nhà đầu tư là rất khó khăn. Đốt phải sinh ra điện, nếu không thì không bảo đảm với giá như vậy.
Đặc biệt, trong công nghệ đốt, GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ lưu ý, nếu đốt dưới 800 - 850 độ C sinh ra rất nhiều chất nguy hại và thậm chí còn nguy hại hơn chôn lấp vì phát tán rộng, tác hại đến không khí, môi trường đất, nước.
Khi đến trực tiếp các lò đốt ở ngoại thành Hà Nội, một số làng nghề tái chế, chúng tôi không thấy hệ thống lọc, khói đen sì. Do đó, Quốc hội, các Bộ, ngành có liên quan đặc biệt lưu tâm cấp phép. Thẩm định, giám sát công nghệ đốt của doanh nghiêp.
Thứ tư là công nghệ hóa khí. Việt Nam không có, phải nhập của nước ngoài. Công nghệ này có ưu điểm đặc biệt, song cũng có một loại nhược điểm. Chẳng hạn, hóa khí, để bảo đảm môi trường cần nhiệt độ cao, trong khi rác thải của Việt Nam, đốt rác chỉ có rác và không khí, chỉ lên 600 độ C là cao nhất (trong phòng thí nghiệm), cao nhất mới lên được 820 độ C, ở nhiệt độ 600 độ C sinh rất nhiều đioxin và các chất độc hại khác. Do vậy, rác thải của Việt Nam phải hóa khí trên 850 độ C trở lên.
Trong trường hợp, nếu đổ dầu vào đốt thì không phải công nghệ hóa khí. Do đó, công nghệ hóa khí này cần được thẩm định cho thật kỹ. Nếu không, vẫn là công nghệ đốt nghèo oxy, có thể phát được điện, song khí thải không bảo đảm môi trường. Mặc dù nhiều công nghệ hóa khí, hiện đại và được nhiều quốc gia sử dụng, song Việt Nam cần hết sức thận trọng.
Năm là, công nghệ plasma – dùng dòng plasma nhiệt độ thấp gần 10.000 độ C để chuyển hóa rác thải, tạo ra khí tổng hợp để chạy phát điện. Trên thế giới đây là công nghệ tiên tiến nhất, sử dụng cho xử lý rác và tái chế rác. Nó có thể sử dụng cho hầu hết loại rác, kể cả rác nguy hại, ở nước ngoài dùng cho rác thải nhiễm phóng xạ và kim loại nặng, song nó tiêu tốn điện cao. Để Việt Nam ứng dụng được là cả một vấn đề lớn. Do vậy, rất cần sự chung tay của các nhà khoa học và xã hội để nhanh chóng đưa công nghệ này vào Việt Nam.
Doanh nghiệp có vai trò quan trọng nhất
Theo GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ về bài học kinh nghiệm của thế giới có 3 vấn đề.
Một là, rác thải của Việt Nam chính là bài tóa khó nhất mà Việt Nam cần phải áp dụng công nghệ không chỉ tiên tiến nhất mà phải phù hợp với thực tiễn.
Hai là, với kinh nghiệm tổ chức quản lý rác của thế giới, Việt Nam có thể tham khảo. Với cùng một loại rác, với nhà đầu tư có thể cho các kết quả hoàn toàn khác nhau, nếu được giám sát, tổ chức cẩn thận thì chất lượng sẽ bảo đảm môi trường, nếu buông lơi thì rủi ro cao. Do đó, cần hết sức để ý học hỏi kinh nghiệm của thế giới trong tổ chức quản lý để áp dụng tại Việt Nam.
Cuối cùng là sự chung tay giữa nhà khoa học, công nghệ, nhà quản lý và doanh nghiệp. Trong 3 “nhà” này, người quan trọng nhất chính là doanh nghiệp. Phải tìm mọi cách để hỗ trợ đầu tư, ưu tiên, có cơ chế đặc thù, có ưu đãi về thuế về cơ chế thì doanh nghiệp mới có thể đột phá. Cần tạo dựng cơ chế thông thoáng, ưu tiên để doanh nghiệp phát huy được vai trò dẫn đầu, chủ động, nếu không sẽ không thể giải quyết được vấn đề rác thải.
Nhất Nam - Đỗ Hùng