
Điện lực TKV: Sử dụng bền vững tài nguyên nước
20/05/2023TN&MTThời gian qua, Điện lực TKV luôn hướng đến việc khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên nước vào sản xuất kinh doanh. Phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Trí Thịnh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực - TKV xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông đánh giá việc khai thác và sử dụng tài nguyên nước của Tổng công ty Điện lực – TKV (Tổng Công ty) trong thời gian vừa qua?
Ông Ngô Trí Thịnh: Hiện nay, Tổng công ty đang quản lý 07 cơ sở là nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) và thuỷ điện khai thác, sử dụng nguồn nước mặt, nước biển phục vụ sản xuất điện, bao gồm 05 cơ sở khai thác nước mặt (nước sông) phục vụ làm mát và sản xuất điện như NMNĐ Cao Ngạn (công suất 2 x 57,5 MW, địa điểm: TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên); NMNĐ Sơn Động (công suất 2 x 110 MW, địa điểm: Huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang); NMNĐ Đông Triều (công suất 2 x 220 MW, địa điểm: TX. Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh); NMNĐ Nông Sơn (công suất 30 MW, địa điểm: Huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) và Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 5 (công suất 150 MW, địa điểm: Xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng).
Ông Ngô Trí Thịnh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực - TKV
Cùng với 02 cơ sở không khai thác do mua nước từ Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi Lộc Bình (CN Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Lạng Sơn) và Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh để phục vụ sản xuất điện là NMNĐ Na Dương (công suất 2 x 55,6 MW, địa điểm: Huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) và NMNĐ Cẩm Phả (công suất 670 MW, địa điểm: TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh).
Các nhà máy của Tổng công ty khi đi vào vận hành sản xuất đều đã được cấp có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển phục vụ sản xuất điện.
Hằng năm, căn cứ theo thực tế sản xuất điện, các nhà máy tiến hành khai thác lượng nước mặt, nước biển để phục vụ sản xuất, đảm bảo khối lượng không vượt lưu lượng nước khai thác đã được cấp giấy phép. Định kỳ hằng năm, các đơn vị trong Tổng công ty đều có báo cáo gửi Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương về tình hình hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, thực hiện nghĩa vụ về tài nguyên nước.
Bên cạnh đó, Tổng công ty luôn tuân thủ và thực hiện nộp đúng hạn, đầy đủ các loại thuế và phí tài nguyên nước. Đơn cử như năm 2020, Tổng công ty đã đóng trên 54 tỉ đồng tiền thuế tài nguyên nước, trên 8,2 tỉ đồng tiền quyền khai thác tài nguyên nước và hơn 21,2 tỉ đồng phí dịch vụ môi trường rừng; Năm 2021, thuế tài nguyên nước là 70.379.336.278 đồng, quyền khai thác tài nguyên nước là 8.520.624.549 đồng và phí dịch vụ môi trường rừng là 25.166.457.252 đồng; Năm 2022 là trên 107,3 tỉ đồng các loại thuế, phí tài nguyên nước;...
PV: Việc tiết kiệm tài nguyên nước và tái sử dụng nước được Tổng công ty quan tâm như thế nào?
Ông Ngô Trí Thịnh: Việc tiết kiệm tài nguyên nước và tái sử dụng nước đối với các NMNĐ luôn được Tổng công ty quan tâm thực hiện thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Nhà máy nhiệt điện Na Dương tại tỉnh Lạng Sơn thuộc Tổng công ty Điện lực - TKV
Về tái sử dụng nước thải sau xử lý, toàn bộ nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt phát sinh tại các nhà máy điện hàng năm được thu gom đưa về hệ thống xử lý nước thải của nhà máy. Toàn bộ NMNĐ đốt than của Tổng công ty đều đã được thiết kế, xây dựng hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, nước mặt để đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường. Nước sau xử lý được tái sử dụng cho mục đích tưới ẩm và dập bụi.
Đối với nước thải làm mát (nước tuần hoàn), các NMNĐ như Na Dương, Cao Ngạn, Sơn Động và Đông Triều sử dụng tháp giải nhiệt để làm mát. Nước sau khi làm mát bình ngưng của các tổ máy được đưa trở về tháp làm mát để tản nhiệt, thông qua bơm tuần hoàn tiếp tục chu trình làm mát khép kín, nước bổ sung cho quá trình thất thoát bay hơi tại các tháp làm mát được cấp từ sông theo Giấy phép. Việc sử dụng chu trình khép kín giúp tiết kiệm lượng nước tiêu hao cho quá trình làm mát NMNĐ. Không có nước thải xả ra ngoài môi trường.
Còn 02 cơ sở là NMNĐ Cẩm Phả và Nông Sơn làm mát trực lưu, các thông số nước sau làm mát được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo QCVN 40:2011/BTNMT trước khi xả ra biển và sông.
Đồng thời, Tổng công ty và các đơn vị thường xuyên quan tâm bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa các hệ thống tuyến ống nước, thiết bị, qua đó góp phần giảm thất thoát nước, nâng cao hiệu suất thiết bị, giảm tiêu hao nước cho quá trình sản xuất điện.
PV: Năm 2023, ước tính Tổng công ty sẽ khai thác và sử dụng bao nhiêu khối lượng tài nguyên nước, thưa ông?
Ông Ngô Trí Thịnh: Trong năm 2023, dự kiến nhu cầu khai thác, sử dụng nước từ nguồn khai thác nước mặt phục vụ làm mát và sản xuất điện của các nhà máy như NMNĐ Đông Triều là 6.270.000 m3/năm; NMNĐ Sơn Động: 4.400.901 m3/năm; NMNĐ Cao Ngạn: 3.234.000 m3/năm; NMNĐ Nông Sơn: 21.481.650 m3/năm và Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 5 là 4.300.000.000 m3/năm.
Năm 2023, NMNĐ Sơn Động dự kiến sử dụng khoảng 4.400.901 m3 phục vụ làm mát các tổ máy
Nhu cầu khai thác, sử dụng nước từ nguồn khai thác nước biển làm mát hơi ở bình ngưng và làm mát hệ thống nước ngọt tuần hoàn kín của nhà máy của NMNĐ Cẩm Phả là 320.000.000 m3/năm (khai thác nước biển).
Đối với NMNĐ Na Dương, nhu cầu sử dụng nước từ việc mua nước của Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi Lộc Bình - Lạng Sơn (không khai thác) là 2.088.000 m3/năm.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đỗ Hùng (thực hiện)