Điện gió ngoài khơi và Quy hoạch không gian biển Việt Nam
27/05/2024TN&MTĐiện gió ngoài khơi và quy hoạch không gian biển Việt Nam sẽ là mở ra cơ hội để Việt Nam hướng đến tăng trưởng xanh, góp phần đạt mục tiêu thu nhập cao và hiện thực hóa cam kết mạnh mẽ đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đây cũng là nội dung quan trọng để quản trị đại dương bền vững, giúp điện gió ngoài khơi bật sáng - Đó là chia sẻ của TS. Dư Văn Toán - Chuyên gia tư vấn về điện gió ngoài khơi, Viện Khoa học Môi trường, biển và hải đảo đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường như sau.
Phóng viên: Xin ông cho biết tại sao điện gió ngoài khơi ở nước ta lại thu hút nhiều các nhà đầu tư nước ngoài đến vậy, thưa ông?
TS. Dư Văn Toán: Việt Nam là quốc gia biển với tiềm năng điện gió ngoài khơi rất lớn. Theo tính toán, khu vực có độ sâu đáy biển trên 20 m thì tổng quy mô tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi khoảng khoảng 500 gw. Trong đó, khu vực gió cao và có tiềm năng kinh tế tốt, chủ yếu tập trung ở khu vực Nam Trung Bộ (gồm các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định) với tổng tiềm năng khoảng 80.000 MW với tốc độ gió trên 7-9 m/s.
Điện gió ngoài khơi được xác định là một trong những giải pháp hiệu quả trong chuyển dịch năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đây cũng là nội dung được Chính phủ và Bộ TN&MT rất chú trọng, quan tâm.
Gió mạnh ở ngoài khơi phía Nam Việt Nam khiến nơi đây trở thành một trong những địa điểm tốt nhất trong khu vực để phát triển năng lượng gió. Bên cạnh đó, cam kết không phát thải carbon ròng vào giữa thế kỷ này đang khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo.
Cụ thể, theo một bản đồ do Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) và một số tổ chức khác công bố, tốc độ gió ở một số khu vực ngoài khơi phía Nam Việt Nam có thể vượt ngưỡng 10 m/giây, cao hơn nhiều so với con số 8 m/giây - tốc độ gió khả thi để phát triển một nhà máy điện gió. Ở khu vực Đông Nam Á, sức gió ở ngoài khơi Việt Nam và Philippines khá mạnh, trong khi sức gió ở quanh Malaysia và Indonesia nhìn chung yếu hơn. Việt Nam được coi là “một trong những nơi tốt nhất ở châu Á về năng lượng gió ngoài khơi”.
Mặt khác, với dân số xấp xỉ 100 triệu người, Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và thu hút ngày càng nhiều các nhà sản xuất nước ngoài. Điều quan trọng cơ sở hạ tầng phát điện ở Việt Nam lại không theo kịp sự phát triển, có thể dẫn đến tình trạng thiếu điện trong tương lai gần.
Phóng viên: Ở góc độ chuyên gia, ông thấy hiện nay có những nhà đầu tư điện gió nào đang chờ đầu tư tại Việt Nam, thưa ông?
TS. Dư Văn Toán: Các doanh nghiệp đến từ Đan Mạch, Anh hay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang rất hào hứng với dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) vừa công bố ra mắt Quỹ Thị trường tăng trưởng II (GMF II) với mục tiêu huy động 3 tỷ USD nhằm phát triển 10.000 MW điện từ năng lượng tái tạo ngay tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), diễn ra ở Dubai.
Trọng tâm chính của quỹ này là phát triển và xây dựng các dự án điện gió, năng lượng mặt trời, lưu trữ năng lượng tại một số thị trường có tốc độ tăng trưởng cao ở châu Á, Mỹ La-tinh và châu Âu - Trung Đông - châu Phi (EMEA). Một số thị trường được nhắc tới là Việt Nam, Philippines, Ấn Độ,...
GMF II cũng được coi là quỹ lớn nhất thế giới tập trung vào đầu tư năng lượng tái tạo. Được biết, CIP hiện quản lý 12 quỹ và đã huy động được khoảng 28 tỷ USD cho đầu tư vào năng lượng tái tạo, với danh mục 120.000 MW công suất ở nhiều loại hình công nghệ và khu vực địa lý. Trong số này, có hơn 50.000 MW là năng lượng gió ngoài khơi. Kế hoạch của CIP là đầu tư hơn 110 tỷ USD trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đến năm 2030.
Là một trong những thị trường trọng điểm được CIP nhắm tới, CIP đã thành lập công ty liên doanh và 2 văn phòng đại diện tại Việt Nam để nghiên cứu phát triển các dự án điện gió ngoài khơi. Trong đó, đáng chú ý nhất hiện nay là Dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn, quy mô 3.500 MW tại tỉnh Bình Thuận, với tổng vốn đầu dự kiến là 10,5 tỷ USD.
Kế hoạch thực hiên Quy hoạch điện VIII (QHĐ VIII) vừa mới phê duyệt ngày 1/4/2024. Tuy nhiên chưa có lộ trình chi tiết cho các dự án điện gió ngoài khơi của nước ta.
Phóng viên: Hiện Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/5/2023, nhưng cho đến nay, sau hơn 10 tháng vẫn chưa thể triển khai? vậy việc này đang vướng ở đâu, thưa ông?
TS. Dư Văn Toán: Để hiện thực hóa những dự án trong kế hoạch này không đơn giản khi quy hoạch có những dự án rất lớn, đòi hỏi nhiều thời gian chuẩn bị.
Để thực hiện hóa cụ thể những kế hoạch trong QHĐ VIII thì vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Ví dụ, với nguồn điện gió ngoài khơi (mục tiêu đạt 6.000MW vào năm 2030) do vẫn còn nhiều thông tin chưa rõ ràng (quy hoạch không gian biển chưa được phê duyệt,...) nên Bộ Công Thương đang nghiên cứu, xử lý những khó khăn, vướng mắc và báo cáo các cấp có thẩm quyền để xem xét xác định cụ thể các dự án điện gió ngoài khơi trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, mới chỉ có 46/63 địa phương đưa thông tin cụ thể về các dự án NLTT; đặc biệt, nhiều địa phương chưa tuân thủ nghiêm túc các chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trong việc đề xuất các dự án phù hợp với quy mô công suất phân bổ. Một số địa phương đề xuất danh mục dự án NLTT gấp nhiều lần so với quy mô công suất phân bổ, không đưa theo thứ tự ưu tiên phát triển theo quy hoạch.
Ngoài ra, nhiều địa phương cung cấp thông tin về các tiêu chí của dự án không rõ ràng, không bảo đảm tính pháp lý để đánh giá nên nhiều dự án mặc dù đã đủ thông tin về 9 tiêu chí, nhưng chưa được đề xuất đưa vào danh mục phê duyệt kế hoạch thực hiện QHĐ VIII vừa qua.
Phóng viên: Dưới góc nhìn của một chuyên gia, ông có ý kiến đề xuất gì với Bộ TN&MT trong vấn đề quy hoạch không gian biển phục vụ cho công tác phát triển điện gió?
TS. Dư Văn Toán: Là một chuyên gia, với mong muốn tiềm năng kinh tế biển đảo của Việt Nam phát triển bền vững, tôi thiết nghĩ Bộ TN&MT cùng với Bộ Công Thương và các doanh nghiệp điện gió ngoài khơi nhanh chóng có phương án hay dự án đo đạc quan trắc gió biển tầng 100 m trong thời gian liên tục ít nhất là 12 tháng đo trên trên các vùng biển để khoanh định không gian cho các dự án điện gió. Với các bản đồ quy hoạch không gian biển tỷ lệ 1/200000 hay 1/100000 thì dễ dàng giúp định hướng tốt các khu vực có thể phát triền các dự án điện gió ngoài khơi.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Diệp Anh (thực hiện)
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 8 năm 2024