Dệt may Việt Nam và bài toán trên lộ trình chuyển đổi xanh
26/06/2024TN&MTTrong bốn năm qua, với sự suy giảm của nền kinh tế thế giới, các yêu cầu về sản xuất xanh của Tập đoàn Dệt may Việt Nam không được đẩy mạnh như dự kiến, mặc dù vậy việc ứng dụng ESG tại doanh nghiệp mang lại nhiều giá trị cả cho doanh nghiệp, người lao động và môi trường.
Chuyển đổi xanh đang là xu hướng và mục tiêu thiên niên kỷ của toàn thế giới, đây cũng là một trong những giải pháp được toàn cầu hướng đến để giảm thiểu tác động của con người đối với môi trường.
Đây là quá trình xây dựng nền kinh tế trong đó mức phát thải từ thấp đến rất thấp, đạt được thông qua việc phát triển văn minh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Chuyển đổi xanh hướng đến giảm tình trạng suy giảm hệ sinh thái và tác động xấu đến môi trường của từ con người.
Là doanh nghiệp ngành sản xuất dệt may với hơn 90% sản lượng được xuất khẩu, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, yêu cầu quan trọng nhất là đáp ứng các yêu cầu về môi trường, sản xuất xanh, tuần hoàn của các thị trường xuất khẩu. Nếu không đạt được những yêu cầu này thì hàng hoá Việt Nam cũng không thâm nhập được các thị trường Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản...
Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam
Vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam luôn phải bám đuổi các tiêu chuẩn của các nước, cập nhập kịp thời để thực hiện. Tuy vậy, chia sẻ về quá trình chuyển đổi xanh của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ông Trường cho biết: Trong bốn năm qua, với sự suy giảm của nền kinh tế thế giới, các yêu cầu về sản xuất xanh của các doanh nghiệp cũng không được đẩy mạnh như dự kiến. Các yêu cầu này vẫn dừng lại ở mức khuyến khích vận động người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm xanh.
Chính vì vậy, theo đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ở trong nước Vinatex tập trung vào những khâu vừa thực hiện sản xuất xanh, tuần hoàn nhưng vừa mang tính chất tiết kiệm nguồn lực, qua đó giảm giá thành sản phẩm dệt may từ Việt Nam. Tiêu biểu như tiết kiệm nước, tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tái tái tạo, sử dụng các nguồn năng lượng, nguyên vật liệu có khả năng tái chế, sử dụng lại được... Tất cả những hoạt động này làm cho giá thành của sản phẩm dệt may có khả năng giảm đi, tăng tính cạnh tranh trong điều kiện thị trường khó khăn.
Cụ thể trong giai đoạn 2023, chi phí về điện năng để tạo ra một sản phẩm dệt may của Việt Nam trung bình giảm được khoảng 2%. Trong Tập đoàn dệt may Việt Nam đã sử dụng khoảng trên 17MW là điện tái tạo, điện năng lượng áp mái. Một thành tựu quan trọng khác là 84% lượng rác thải của Tập đoàn không còn là rác thải nguy hại, tức đã chuyển đổi từ rác thải nguy hại ảnh hưởng đến môi trường, chi phí xử lý cao thành rác thải thông thường.
Năm 2023, chi phí về điện năng để tạo ra một sản phẩm dệt may của Việt Nam trung bình giảm được khoảng 2%
Ông Lê Tiến Trường cho biết, đây là những nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp để có được kết quả đó. Bên cạnh việc sử dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, doanh nghiệp còn áp dụng tiêu chuẩn ESG trong quản trị về môi trường, về trách nhiệm xã hội, điều kiện làm việc cho người lao động, tăng cường tính chất tự động hóa để giảm sự vất vả của người lao động trong quá trình thực hiện sản phẩm dệt may...
Quá trình này làm cho năng suất lao động của ngành dệt may Việt Nam nói chung trong 10 năm qua tăng gần gấp đôi nhờ quá trình tự động hóa và số hóa.
Chia sẻ thêm với Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Tiến Trường cũng nói thêm, việc thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp không chỉ tạo sự minh bạch giữa các doanh nghiệp mà quan trọng hơn là nói cùng một ngôn ngữ chung với các khâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu để cùng số hóa, cùng trao đổi dữ liệu với các khâu sản xuất khác nhau trong cả chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may.
Đó là những hành động của Tập đoàn Dệt may Việt Nam trong 2 năm vừa qua hướng tới kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.
Việc áp dụng ESG trong quản trị tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Lê Tiến Trường cho biết: Ứng dụng ESG về quản trị môi trường, Tập đoàn có phương sức phương thức sản xuất có thể tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nguồn nước. Đó là lý do tại sao có thể giảm được 2% chi phí điện, giảm 84% rác thải từ nguy hại sang rác thải không nguy hại làm cho giá thành của sản phẩm thấp đi.
Ứng dụng ESG về trách nhiệm xã hội ở chỗ khi áp dụng tự động hóa giảm độ nặng nhọc của người lao động, doanh nghiệp sẽ giữ được người lao động, ổn định được sản xuất, từ đó sẽ không đối diện quá lớn về áp lực người lao động liên tục thay đổi, từ đó ổn định doanh nghiệp.
Ứng dụng ESG trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp và có những người lao động đồng hành lâu dài. Về corporate governance (quản trị doanh nghiệp) đương nhiên sẽ là khâu tạo ra giá trị tiết kiệm giá thành lớn nhất trong tất cả khâu. Bởi từ quản trị giản đơn bằng số liệu trên giấy, bằng máy tính đơn lẻ chuyển sang quản trị số cũng giảm bớt đi các khâu trung gian và những nhân lực chỉ để làm số liệu; đồng thời số liệu cũng chuyển sang số liệu của thời gian thực thay vì số liệu hàng ngày hàng tuần. Từ số liệu thời gian thực đó, người quản lý có thể ra quyết định nhanh nhất, kịp thời nhất để tiết giảm những khâu gây nên lãng phí trong doanh nghiệp.
Cụ thể là trong năm 2023 khi điều kiện thị trường dệt may hết sức khắc nghiệt, giá mua hàng bình quân giảm khoảng 20%. Nếu như trước đó, biên lợi nhuận của ngành dệt may chỉ xấp xỉ khoảng 10% mà giá giảm 20%, thì doanh nghiệp phải chịu thua lỗ. Nhưng năm 2023, Vinatex vẫn hoạt động có hiệu quả. Tuy hiệu quả này chỉ bằng 40% của năm 2022, nhưng nếu không có các nỗ lực tổng hợp cả về quản trị môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị công ty thì chắc chắn không thể duy trì được hiệu quả đó.
Hiện nay, nguồn vốn tín dụng xanh đang nhận được nhiều ưu đãi và đây cũng được coi là nguồn vốn lớn do huy động được từ nhiều nguồn. Tuy nhiên, việc tiếp cận những nguồn vốn tín dụng xanh còn nhiều vấn đề. Chia sẻ với Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết:
Thứ nhất, nguồn vốn xanh là để áp dụng cho các dự án xanh và trong điều kiện thị trường đang trầm lắng như thời gian vừa qua, từ góc độ nhu cầu doanh nghiệp chưa dám triển khai đầu tư. Vì thế, tổng lượng tiếp cận được không nhiều, trước hết khách quan vì thị trường không có nhu cầu đòi hỏi mở rộng.
Thứ hai, trên tổng thể tổng cầu thế giới các khuyến nghị về xanh và tuần hoàn, các nhãn hiệu eco label mới chỉ khuyến khích người tiêu dùng chứ chưa phải quy định mang tính chất pháp lý. Do vậy chỉ khi thu nhập của người dân tất cả các nước đều tốt, người ta mới có thể hướng tới các sản phẩm tuần hoàn. Thời điểm hiện này, vì nhu cầu thấp nên nhu cầu đầu tư không cao dẫn đến cách tiếp cận của doanh nghiệp chưa nhiều.
“Chúng tôi hiện mới chỉ tiếp cận tín dụng xanh cho hai việc: đầu tư điện mặt trời, điện áp mái và đầu tư các trung tâm xử lý nước thải. Về phần tín dụng xanh để đầu tư sản xuất nhà máy xanh, do nhu cầu đầu tư chưa có nên chưa tiếp cận”, ông Cường chia sẻ!.
Vì chưa tiếp cận nhiều về nguồn vốn xanh nên đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, doanh nghiệp chưa phát sinh những khó khăn cụ thể. Nhưng rõ ràng nếu đi vào quá trình đầu tư nhà máy công nghệ sẽ khó khăn hơn vì giữa tiêu chuẩn mang tính chất rất chung của hệ thống ngân hàng và các tiêu chuẩn định nghĩa thế nào là một nhà máy xanh cũng chưa thật tường minh ở trong nước để đảm bảo một dự án mới trong đầu tư sản xuất được gọi là dự án xanh. Chúng tôi cho rằng để triển khai chắc chắn sẽ có nhiều thách thức”, ông nhận định!.
Bảo Loan