Đề xuất mô hình quản lý tổng hợp vùng bờ hiệu quả cho đảo Cát Bà thành phố Hải Phòng
19/04/2023TN&MTPhát triển kinh tế - xã hội tại đảo Cát Bà trong thời gian vừa qua đã cho thấy những mâu thuẫn, xung đột khá gay gắt, tạo nên sự không bền vững của các hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý tài nguyên, môi trường. Mặc dù thành phố Hải Phòng, huyện đảo Cát Hải cũng như chính quyền cấp xã thuộc đảo Cát Bà đã có những nỗ lực để giải quyết các vấn đề nêu trên, nhưng kết quả còn có nhiều hạn chế. Nghiên cứu này đề xuất một mô hình quản lý tổng hợp vùng bờ hiệu quả cho đảo Cát Bà nhằm bảo vệ, bảo tồn, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững.
Mâu thuẫn trong lợi ích phát triển kinh tế
Hiện nay, Cát Bà đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam về du lịch - dịch vụ. Trên đảo Cát Bà và xung quanh đảo có những hệ sinh thái với đa dạng sinh học rất cao, như hệ sinh thái bãi triều, vịnh và tùng áng, rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển,…cung cấp rất nhiều dịch vụ hệ sinh thái phục vụ phát triển KT-XH. Trên đảo Cát Bà có vườn quốc gia Cát Bà với hệ sinh thái rất đa dạng, phong phú, có nhiều loài động vật, thực vật đặc hữu, đặc biệt là loài voọc Cát Bà. Do có tài nguyên du lịch, nghỉ dưỡng phong phú, hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng tại Cát Bà phát triển mạnh mẽ, đa dạng. Số lượt khách du lịch, nghỉ dưỡng tới Cát Bà tăng nhanh qua từng năm, từ 1,203 tr. lượt khách vào năm 2011 tới 2,81 tr. lượt khách vào năm 2019. Sau Đại dịch Covid -19 và mở cửa trở lại, năm 2022, tổng lượng khách du lịch tới đảo Cát Bà đạt trên 2,36 tr. lượt khách. Để phục vụ phát triển KT-XH, hệ thống đường giao thông trên đảo đã được mở rộng, nâng cấp và hệ thống cáp treo Cát Hải - Cát Bà đã được xây dựng. Quá trình đô thị hóa và dân số trên đảo cũng gia tăng rất nhanh chóng. Ngành nuôi trồng, đánh bắt và buôn bán thủy sản biển tại khu vực đảo Cát Bà cũng phát triển mạnh trong những năm vừa qua. Các hoạt động KT-XH đã giúp Cát Bà thực hiện tốt việc xóa đói giảm nghèo, cải thiện chất lượng sống cho người dân và tăng nguồn thu ngân sách.
Tuy vậy, trên đảo Cát Bà đang bộc lộ những mâu thuẫn lợi ích giữa phát triển và bảo vệ, giữa các ngành kinh tế và các cộng đồng khai thác, sử dụng tài nguyên; xuất hiện mâu thuẫn đa ngành, đa mục tiêu giữa: Phát triển du lịch - dịch vụ, nuôi trồng thủy hải sản, đảm bảo quyền tiếp cận của người dân và khách du lịch với biển, sinh kế cho người dân bản địa - bảo vệ môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái và nguồn gen quý hiếm trên cạn và dưới nước.
Để giải quyết các vấn đề suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường (ONMT) phục vụ phát triển bền vững, cần một cách tiếp cận hệ thống, đa ngành. Đến nay, phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT) vùng bờ biển đã và đang được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam, trong đó có vùng bờ biển đảo Cát Bà. Tuy nhiên, ngoài Quy chế phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển, hải đảo do Tp. Hải Phòng ban hành theo Quyết định số 800/2015/QĐ-UBND của Tp. Hải Phòng và các văn bản hướng dẫn về quản lý tổng hợp vùng bờ (QLTHVB) do cấp trung ương ban hành, Hải Phòng chưa có các văn bản chỉ đạo, điều hành khác về QLTHVB. Do vậy, công tác QLTHVB tại Tp. Hải Phòng nói chung và tại huyện đảo Cát Bà nói riêng còn có nhiều hạn chế, chưa thực sự đạt được những kết quả như mong đợi.
vẻ đẹp hoang sơ ở đảo Cát Bà
Cùng với phát triển KT-XH và gia tăng dân số, phát triển mạnh cơ sở hạ tầng, khai thác tài nguyên, sự gia tăng xả chất thải, cả chất thải rắn và chất thải lỏng chưa được xử lý cùng với thức ăn nuôi trồng thủy hải sản dư thừa đã làm ô nhiễm đáng kể vùng biển ven bờ đảo Cát Bà. Nguồn tài nguyên nước ngọt ngày càng khan hiếm và bị ô nhiễm, không còn đáp ứng được nhu cầu của người dân trên đảo và khách du lịch. Rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, chưa được thu gom hết và nước thải chưa được xử lý thải ra môi trường đang làm ONMT biển và trên đảo. Hệ thống giao thông trên đảo, đặc biệt là cáp treo, do ánh sáng và tiếng ồn, gây ra những tác động môi trường lớn tới cả hệ sinh thái trên cạn và dưới biển. Đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản ở vùng biển xung quanh đảo Cát Bà đang bị suy giảm nghiêm trọng do đánh bắt thủy sản quá mức, thậm chí bằng các hình thức hủy diệt và ONMT. Một số loài hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao đã bị suy thoái nghiêm trọng, thậm chí tuyệt chủng. Các bãi cỏ biển khu vực đảo Cát Bà hoặc đã bị phá hoàn toàn hoặc đang suy thoái và cần được bảo vệ. Nuôi trồng thủy sản tại bãi đã tàn phá một diện tích khá lớn rừng ngập mặn. Hiện tượng đánh bắt thủy sản quá mức, thậm chí bằng các biện pháp hủy diệt đã làm suy thoái rừng ngập mặn, rạn san hô. Môi trường biển và trầm tích đáy biển cũng đang bị ô nhiễm. Các quan trắc gần đây cho thấy mặc dù ở khu vực Lạch Huyện và các vị trí phía Đông đảo Cát Bà, các thông số chất dinh dưỡng trong nước biển đã vượt quá giới hạn phú dưỡng. Hiện tượng ONMT nước cũng xảy ra khá nghiêm trọng tại khu vực nuôi trồng thủy sản vịnh Lan Hạ. BĐKH cũng đóng góp vào sự suy thoái của các hệ sinh thái ven bờ biển đảo Cát Bà và tác động xấu tới phát triển bền vững KT-XH.
Trong những năm vừa qua, Tp. Hải Phòng, huyện đảo Cát Hải, chính quyền thị trấn Cát Bà và các xã đã đề xuất và triển khai thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện công tác quản lý tài nguyên và môi trường. Tuy nhiên, thông qua phân tích bằng mô hình DPSIR vẫn còn rất nhiều vấn đề còn tồn tại, mâu thuẫn, cản trở phát triển bền vững KT-XH đảo Cát Bà như: Ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm biển do rác thải nhựa, do rác thải chưa được thu gom xử lý và một tỷ lệ khá lớn nước thải chưa được xử lý đạt chuẩn bị thải ra môi trường. Suy thoái các hệ sinh thái biển và trên cạn do các hoạt động phát triển và ô nhiễm môi trường. Xung đột về lợi ích giữa: Hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng và hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản với hoạt động bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái ven biển. Những người dân đánh bắt hải sản ven bờ với nuôi trồng hải sản trên bãi và mặt nước.
ảnh minh họa
Đề xuất mô hình quản lý tổng hợp vùng bờ
Xây dựng thể chế QLTHVB, thiết lập hệ thống QLTHVB cho huyện Cát Hải, bao gồm đảo Cát Hải và các đảo thuộc quần đảo Cát Bà theo hình thức:
Giao 01 Phó chủ tịch huyện phụ trách công tác QLTHVB. Giao Trưởng phòng tài nguyên và môi trường là thư ký, có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện công tác QLTHVB của huyện theo từng quý, từng năm.
Giao các phòng, ban khác thuộc huyện và lãnh đạo thị trấn Cát Bà và các xã thực hiện Quy chế phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển, hải đảo do Tp. Hải Phòng ban hành theo Quyết định số 800/2015/QĐ-UBND; Giao Chủ tịch UBND thị trấn Cát Bà và các xã Gia Luận, Hiền Hào, Phù Long, Trân Châu, Việt Hải, Xuân Đám thực hiện công tác QLTHVB trên địa bàn được giao quản lý. Tổ chức mỗi năm một lần hội nghị để đánh giá hiệu quả của công tác QLTHVB và đề xuất các điều chỉnh cần thiết để nâng cao hiệu quả QLTHVB.
Xây dựng và thực hiện Chương trình QLTHVB trên đảo Cát Bà với các dự án được thực hiện theo thứ tự ưu tiên: Xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân vùng môi trường đảo Cát Bà trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện Cát Hải trên cơ sở cụ thể hóa quy hoạch Tp. Hải Phòng và các quy hoạch ngành khác.
Cải thiện, nâng cấp, xây mới hệ thống phân loại, thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn bằng hình thức đốt công nghệ cao cho đảo Cát Bà; hệ thống thu gom và xử lý nước thải; Xây dựng và thực hiện mô hình cộng đồng tham gia quản lý tài nguyên để quản lý tốt hơn hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản biển, bảo vệ, bảo tồn tốt hơn các hệ sinh thái. Nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT, bảo tồn các hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Vũ Thanh Ca
Nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học và hợp tác quốc tế
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (cũ)