ĐBSCL: Một số nơi đã đóng cống ngăn mặn xâm nhập
22/02/2024TN&MTTheo Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ, hiện ranh mặn 4‰ đã xâm nhập cách cửa sông Tiền khoảng 45-50km; sông Hậu khoảng 38-43km. Một số địa phương đã đóng các cống để ngăn nước mặn xâm nhập vào vùng sản xuất nông nghiệp.
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đặt tại Kiên Giang, ngăn mặn xâm nhập từ biển Tây.
Sáng 21-2, ông Võ Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện nước mặn 1,5‰ đã xâm nhập vào một số khu vực. Ngành nông nghiệp đã đóng một số cống ngăn mặn tại huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh. Ngành nông nghiệp đang theo dõi sát diễn tiến của nước mặn xâm nhập để kịp thời khuyến cáo người dân bảo vệ các vùng sản xuất.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ, hiện ranh mặn 4‰ đã xâm nhập cách cửa sông Tiền khoảng 45-50km; sông Hậu khoảng 38-43km. Dự báo, trong những ngày tới, độ mặn lớn nhất tại hầu hết các trạm có khả năng xuất hiện ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 và trung bình nhiều năm. Ranh độ mặn 4‰ xâm nhập cách cửa sông Tiền tăng lên khoảng 50-55 km, sông Hậu khoảng 45-50km. Cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn trên các sông Nam bộ ở cấp độ 2.
Cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đo độ mặn trên các tuyến sông.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, khi nói về xâm nhập mặn ĐBSCL cần phân biệt 2 vùng khác biệt.
Vùng cửa sông Cửu Long trải dài từ Tiền Giang qua Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng là nơi ranh giới xâm nhập mặn là sự tranh chấp giữa lực sông và lực biển - khi nào sông yếu thì biển lấn sâu. Vùng Bán đảo Cà Mau từ Bạc Liêu xuống Cà Mau và qua một phần Hậu Giang và Kiên Giang là vùng ít nhận được nước sông Cửu Long, nguồn nước ngọt chủ yếu là nước mưa. Sự thiếu hụt nước ngọt và gia tăng mặn ở vùng này trong mùa khô phụ thuộc vào lượng mưa. Với những năm El Nino gay gắt thì vùng này thiếu nước ngọt trong mùa khô.
Như vậy, đối với mùa khô năm nay 2024 thì vùng cửa sông Cửu Long, tình hình xâm nhập mặn có sự dao động ngắn hạn, ranh giới mặn dịch chuyển vào - ra thất thường theo hoạt động đóng - xả của các đập thủy điện Mê Công phía thượng nguồn trong giai đoạn tháng 2 tháng 3 tới. Nếu mặn không gay gắt thì vùng cửa sông Cửu Long có thể thích ứng được bằng cách lấy nước ngọt trong những giờ nước ròng (triều thấp trong ngày) khi nước mặn lùi ra phía biển trong vài giờ.
Vùng cần lưu ý hơn là vùng bán đảo Cà Mau, có thể thiếu hụt nước từ đầu tháng 3 trở đi vào thời gian đỉnh điểm của mùa khô cho đến hết mùa khô tháng 5-2024.
Theo sggp.org.vn