Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai
22/10/2024TN&MTVăn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 480/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp kiểm tra hệ thống phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao sự chuẩn bị, phối hợp của Văn phòng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương trong công tác xây dựng, vận hành các hệ thống thông tin, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Chính phủ, nhất là trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, hiện nay Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Trung tâm thông tin) chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chỉ đạo, điều hành đối với các tình huống rủi ro thiên tai cấp độ cao (như Cơn bão số 3 vừa qua). Trong thời gian tới, Trung tâm thông tin phải nâng cấp, phát triển để trở thành trung tâm điều hành, chỉ huy thông minh cấp quốc gia, phục vụ tốt nhất lãnh đạo Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành về phòng, chống thiên tai, phòng thủ dân sự (phù hợp với từng loại thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai, các sự cố liên quan đến lĩnh vực phòng thủ dân sự).
Công tác chỉ đạo, điều hành về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Trung tâm thông tin phải bảo đảm các nguyên tắc sau: (1) Bảo đảm hạ tầng đường truyền, kết nối thông suốt từ trung ương đến cơ sở và thực địa, đa kênh truyền, có sức chống chịu cao trước thiên tai; (2) Thông tin, dữ liệu phải được kết nối, tích hợp, chia sẻ thống nhất giữa Trung tâm thông tin với các bộ, ngành, địa phương; có tính đồng bộ, cập nhật, chính xác, tính bền vững của dữ liệu; (3) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại (trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, internet vạn vật…) trong phân tích, dự báo, cảnh báo thiên tai; (4) Đầu tư cho hạ tầng kết nối, các hệ thống thông tin cần bảo đảm tính tập trung, thống nhất, không chồng chéo, lãng phí; (5) Nghiên cứu, đề xuất những dự án dùng chung, chuyên ngành, xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật nhằm tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao năng lực ứng phó thiên tai.
Nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giám sát, dự báo thiên tai
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ và các tập đoàn VNPT, VIETTEL rà soát, đánh giá lại thông tin dữ liệu, hệ thống quan trắc, hạ tầng mạng viễn thông công cộng phục vụ kết nối từ Trung tâm thông tin đến các bộ, cơ quan, địa phương và thực địa, đặc biệt trong điều kiện khí tượng thủy văn nguy hiểm. Đề xuất cấp có thẩm quyền phương án đầu tư bảo đảm thông tin, dữ liệu, hạ tầng kết nối đồng bộ, hiệu quả theo đúng quy định pháp luật; nghiên cứu, xây dựng, phát triển phần mềm mô phỏng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giám sát, phân tích, dự báo, cảnh báo, hỗ trợ chỉ đạo, điều hành, ra quyết định.
Giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát hiện trạng, nghiên cứu đề xuất phương án bảo đảm kết nối thông tin liên lạc (phương án kết nối vệ tinh, thiết bị bay không người lái, cấp phép cho các thiết bị bay không người lái…) có khả năng chống chịu các loại thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai để kết nối, liên thông giữa Trung tâm thông tin với Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và thực địa bảo đảm an toàn, kịp thời, hiệu quả, chống lãng phí.
Giao các tập đoàn VNPT, VIETTEL chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát hiện trạng, nghiên cứu đề xuất phương án bảo đảm hạ tầng công nghệ, đường truyền, kết nối, nguồn điện, sóng viễn thông trong các điều kiện thiên tai bảo đảm đồng bộ, thông suốt (phương án kết nối vệ tinh, thiết bị bay không người lái, ngầm hóa cáp viễn thông…) để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nghiên cứu sử dụng thiết bị bay không người lái để quan trắc, giám sát sạt lở, lũ quét, ngập lụt
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, trên cơ sở điều kiện thực tế của bộ, cơ quan, địa phương, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng nghiên cứu sử dụng các thiết bị bay không người lái sẵn có hoặc từng bước trang bị để phục vụ quan trắc, giám sát sạt lở, lũ quét, ngập lụt,… bảo đảm thiết thực, hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật; tổ chức quản lý, vận hành theo quy định.
Nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền về việc bảo đảm hạ tầng số, trang thiết bị, hệ thống thông tin, dữ liệu để kết nối, tích hợp, chia sẻ với Trung tâm thông tin phục vụ lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo, điều hành về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm đồng bộ, kịp thời, hiệu quả, phù hợp với các loại thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai. Hoàn thành trong tháng 12 năm 2024.
Rà soát, xây dựng hoặc điều chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng cơ sở hạ tầng của các ngành, nhất là hạ tầng viễn thông, năng lượng, xây dựng, giao thông… bảo đảm an toàn trước các loại thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai.
Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tập đoàn VNPT, VIETTEL xây dựng hạ tầng viễn thông thụ động (vị trí đặt trạm, cột ăng ten, triển khai ngầm hoá cáp viễn thông…) để chống chịu được các loại hình thiên tai, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện dự thảo Khung Kịch bản chỉ đạo, điều hành về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để sớm triển khai thực hiện.
Theo baochinhphu.vn