Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giữ gìn đạo đức nghề báo
17/12/2023TN&MTTạp chí TN&MT tiền thân là Tạp chí Địa chính thuộc Tổng cục Địa chính, năm 2003 Bộ trưởng Bộ TN&MT ký Quyết định Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tạp chí TN&MT. Từ năm 2005 về làm việc tại Tạp chí đến nay, tôi cảm nhận suốt quá trình hình thành, phát triển, đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động Tạp chí TN&MT luôn nỗ lực, cố gắng, sáng tạo, đoàn kết xây dựng Tạp chí ngày càng phát triển, bắt kịp xu hướng phát triển chung của thời đại.
TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT, cùng 12 Tổng Biên tập Tạp chí ký kết thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa Người làm báo Việt Nam 2023”
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin
Là cơ quan lý luận, chính trị, khoa học và nghiệp vụ của Bộ, Tạp chí có nhiệm vụ tuyên truyền các lĩnh vực của Ngành như: Đất đai, tài nguyên nước, địa chất và khoáng sản, môi trường, KTTV, BĐKH, đo đạc và bản đồ, biển và hải đảo, viễn thám. Nhận thấy việc chuyển đổi số là một vấn đề lớn, vừa là yêu cầu và cũng là động lực để nhiều ngành nghề và cả nền kinh tế tái cấu trúc trong thời điểm hiện nay cũng như những năm tới và báo chí không nằm ngoài dòng chảy đó. Trên thực tế, các cơ quan báo chí, trong đó có Tạp chí TN&MT, thời gian qua, vừa bị tác động của chuyển đổi số nhưng cũng được thụ hưởng những thành tựu mà chuyển đổi số mang lại. Chuyển đổi số đưa báo chí vào cuộc cạnh tranh khốc liệt, tạo ra các sân chơi với nhiều “người chơi” mới với những luật chơi chưa xác định trên phạm vi toàn cầu. Điều này, buộc báo chí phải thay đổi, để xây dựng những quy định phù hợp và cân bằng hơn, trong bối cảnh tình hình mới. Từ một góc nhìn khác, chuyển đổi số giúp báo chí tác nghiệp thuận lợi hơn, có nhiều công cụ hơn để biết công chúng cần gì và muốn gì từ báo chí và báo chí cần làm gì và có thể làm gì để xã hội phát triển lành mạnh.
Có thể thấy, Ban Biên tập Tạp chí TN&MT những năm gần đây đã có những bước đi cụ thể về chuyển đổi số như trong chuyển đổi số quy trình quản lý, điều hành và sản xuất thông tin. Đến nay, Tạp chí TN&MT đã phát triển đầy đủ các loại hình thông tin trên nền tảng kỹ thuật hiện đại. Hệ thống xử lý thông tin của ngành từ chỗ tạo ra từng “module” cho mỗi loại hình báo chí đã chuyển sang mô hình đa phương tiện, đa nền tảng, tăng cường kết nối giữa các sản phẩm thông tin. Liên kết nội dung và quảng bá chéo đã mở rộng độ bao phủ và hiệu quả tuyên truyền của thông tin.
Việc đẩy mạnh đăng tải thông tin trên Tạp chí Điện tử đã giúp thông tin chính thống của Tạp chí TN&MT nhanh chóng lấn át được các luồng thông tin trái chiều, xấu độc trên mạng xã hội, mang thông tin đến gần hơn với bạn đọc, giúp công chúng dễ dàng tiếp cận nguồn tin chuẩn xác, kịp thời định hướng tư tưởng công chúng đối với các vấn đề “nóng” của xã hội. Chuyển đổi số cũng đã tạo điều kiện để Tạp chí TN&MT nắm bắt được nhu cầu về thông tin của công chúng một cách nhanh chóng hơn thông qua các ứng dụng và tính năng tương tác trực tiếp, từ đó tạo ra những sản phẩm thông tin vừa đáp ứng yêu cầu tuyên truyền của Đảng, Nhà nước vừa gần gũi và dễ tiếp cận hơn với công chúng.
Tạp chí TN&MT ứng dụng công nghệ thông tin đã rút ngắn thời gian xử lý thông tin từ khâu chỉ đạo, tổ chức sản xuất cho đến xuất bản. Đây cũng chính là chiến lược được ưu tiên của các hãng thông tấn, các cơ quan báo chí trên thế giới mà Tạp chí TN&MT đã học hỏi kinh nghiệm để bảo đảm sự phát triển bền vững trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ Tư. Tạp chí sẽ tiếp tục có những bước đi để thích ứng với sự chuyển đổi không ngừng của báo chí thế giới; có những bước đi tập trung đầu tư để tạo sự đột phá và cũng có những bước đi phù hợp với năng lực thực tế, làm tiền đề để triển khai ở quy mô lớn hơn. Từ việc xác định đúng phương thức triển khai nên quyết tâm đưa chuyển đổi số vào thực tiễn hoạt động là hướng đi mà Tạp chí đang tập trung triển khai.
Là phóng viên, biên tập viên Tạp chí TN&MT, tôi luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Lãnh đạo cơ quan trong triển khai thực hiện nhiệm vụ cũng như giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Được làm việc trong môi trường mà Ban Biên tập, phóng viên, biên tập viên có kinh nghiệm, nhiệt tình, năng động và có trách nhiệm trong công việc, tôi luôn bám sát công tác tuyên truyền xây dựng thể chế, tham vấn hoàn thiện chính sách pháp luật TN&MT của Ngành. Nhiều chuyên đề, các tuyến bài viết có nội dung chuyên sâu, có hàm lượng khoa học đáp ứng yêu cầu ngày một cao về lý luận, nghiệp vụ khoa học. Tôi sẽ phấn đấu có những bài viết hay, chất lượng; tiếp tục thiết lập, xây dựng đội ngũ cộng tác viên là các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia uy tín tham gia viết bài cho Tạp chí. Tích cực phối hợp với các đơn vị trong Bộ TN&MT thực hiện hiệu quả công tác truyền thông các lĩnh vực QLNN về ngành TN&MT. Kết quả đạt được bảo đảm về chất lượng, khối lượng, nội dung, tiến độ cũng như giá trị thực hiện giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, tuyên truyền các hoạt động của ngành TN&MT.
Nâng cao năng lực, thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn
Tôi được Lãnh đạo Tạp chí phân công theo dõi viết bài và biên tập trong lĩnh vực KTTV& BĐKH gần 20 năm qua, tôi đã cảm nhận được sự phát triển lớn mạnh của Ngành KTTV phục vụ đắc lực công tác PCTT, phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN, phát triển bền vững đất nước. Công tác mạng lưới trạm KTTV đã được triển khai rộng khắp trên toàn mạng lưới, với các nội dung: Giữ gìn, bảo dưỡng máy móc, thiết bị, công trình KTTV trước mùa mưa, bão, lũ; bảo đảm đầy đủ các phương tiện đo, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật; kiểm định kịp thời máy, thiết bị đo, đáp ứng yêu cầu của mạng lưới; theo dõi kịp thời về tình hình KTTV, nhất là các hiện tượng KTTV nguy hiểm,... Các Đài KTTV khu vực, các trạm và các quan trắc viên nhiệt liệt hưởng ứng, phấn đấu vượt mọi khó khăn gian khổ để thu thập đầy đủ các yếu tố KTTV. Kết quả là chất lượng tài liệu điều tra cơ bản hàng năm đối với các yếu tố khí tượng, thuỷ văn, hải văn, khí tượng nông nghiệp, khí tượng cao không, môi trường nước và không khí của các đơn vị đều được xếp loại tốt và vượt chỉ tiêu chất lượng được giao. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm trong thực hiện quy trình, quy định của cán bộ, quan trắc viên thường xuyên được ôn luyện và nâng lên, góp phần giữ vững và nâng cao chất lượng điều tra cơ bản, phục vụ kịp thời cho nhiệm vụ dự báo KTTV ở trung ương và địa phương.
Tuyên truyền trong lĩnh vực KTTV không thể không đi đến trực tiếp các cơ sở, tìm hiểu công việc của đội ngũ quan trắc viên trên toàn mạng lưới. Các quan trắc viên luôn gương mẫu, không ngại khó, ngại khổ, nên khi xảy ra bão to, lũ lớn, mặc dù trang thiết bị, công trình đo đạc ở một số trạm bị hư hỏng, một số trạm mất thông tin liên lạc,... nhưng trong những năm qua các Trạm KTTV trên toàn mạng lưới luôn bảo đảm quan trắc liên tục, đúng quy trình, quy định, đo được các đặc trưng bão, lũ,... điện báo kịp thời về Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, không để mất số liệu, phục vụ tốt công tác dự báo. Mạng lưới trạm trong những năm qua được duy trì ổn định và phát triển.
Với gần 1.500 quan trắc viên có mặt trên khắp mọi miền của Tổ quốc, từ vùng sâu, vùng xa đến núi cao và hải đảo đã không ngại khó khăn gian khổ thầm lặng ngày đêm thu thập các số liệu điều tra cơ bản về khí tượng, thủy văn, hải văn (KTTVHV), bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc, dự báo KTTV phục vụ. Với vai trò ở tuyến đầu quan trắc, thu thập dữ liệu phục vụ dự báo cảnh báo thiên tai và hệ thống dữ liệu quốc gia. Trong giai đoạn 10 năm gần đây, mạng lưới trạm KTTV quốc gia có nhiều sự đổi mới từ thành quả của hiện đại hóa ngành KTTV. Nhiệm nhiệm vụ mạng lưới trạm quan trắc đã có bước phát triển mạnh mẽ về trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ. Đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến tiêu biểu như các tập thể: Trung tâm Quan trắc KTTV nay là Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia, các Đài KTTV khu vực: Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Bộ,... bên cạnh đó là các cá nhân tiêu biểu cho giai đoạn 2015 -2020 như: Ông Trần Cảnh Tiêu, Trưởng phòng Mạng lưới trạm và Thông tin KTTV, Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ; ông Nguyễn Nam Đức, Trưởng phòng Quản lý mạng lưới trạm, Đài KTTV khu vực Nam Bộ; ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Trưởng phòng Mạng lưới trạm và Thông tin KTTV, Đài KTTV khu vực Tây Bắc,… Nhiều gương những anh, chị em quan trắc viên khác đã không quản ngại gian khó, nguy hiểm theo sát diễn biến về bão, lũ để phục vụ công tác cảnh báo, dự báo phòng chống thiên tai. Quan trắc viên Đoàn Minh Vân, Trạm trưởng Trạm Khí tượng Nông nghiệp An Nhơn, Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ trong các cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Bình Định (cơn bão số 5, 6) năm 2019, bản thân đã cùng các quan trắc viên của Trạm ngày đêm làm obs typh, điện báo chính xác từng giờ các số liệu KTTV phục vụ thiết thực cho Đài KTTV tỉnh, Đài KTTV khu vực ra các bản tin Bão phục vụ tốt cho công tác PCTT-TKCN của tỉnh và được các cấp, các ngành đánh giá cao. Tấm gương điển hình, Đài KTTV khu vực Nam Trung bộ và quan trắc viên Nguyễn Hữu Phương, quan trắc viên Trạm Khí tượng DK17 thuộc Đài KTTV Nam Bộ, được Bộ trưởng Bộ TN&MT khen thưởng đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa 11 về Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Những tấm gương sáng của tập thể và cá nhân ấy đã khơi dậy lòng tự hào trong mỗi viên chức, từ đó tăng thêm sức mạnh, tình yêu nghề nghiệp, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Trong bối cảnh báo chí nước ta đang phát triển mạnh mẽ nhưng kèm theo đó, đạo đức nghề báo lại đang có những biểu hiện đáng lo ngại. Người làm báo hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật, tôn trọng quyền con người, bảo vệ bí mật quốc gia, thực hiện quyền tự do báo chí, tự do hành nghề trong khuôn khổ pháp luật. Tôi luôn sống lành mạnh, giữ gìn phẩm chất trong sáng, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi, xúc phạm nhân phẩm và lợi ích của người khác.
Là một Nhà báo tôi luôn trung thực với chính mình, với người thân trong gia đình, với bạn bè, đồng nghiệp, với lãnh đạo cơ quan báo chí, với nghề báo. Có lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng; không ngừng học tập, rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng nghề nghiệp, tri thức, văn hóa và phải xem những điều đó là nguyên tắc quan trọng hàng đầu, là một chuẩn mực đạo đức cơ bản của nghề báo,… Thường xuyên học tập, trau dồi để nâng cao kiến thức, trình độ học vấn, chuyên môn và văn hóa. Bởi chỉ có thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn thì nhà báo mới có thể để đáp ứng được yêu cầu của công việc, nhiệm vụ của người chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, mới có thể vượt qua những cám dỗ vật chất tầm thường, hạn chế tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Thực tế cho thấy, một khi nhà báo có uy tín, có đạo đức nghề nghiệp sẽ được công chúng tin yêu. Đó chính là điều kiện thuận lợi để nhà báo hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Khi sáng tạo tác phẩm báo chí, bên cạnh những yêu cầu về năng lực chuyên môn phải luôn gắn với những chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp. Trước khi viết, tôi luôn suy nghĩ cần phải trả lời các các câu hỏi: “Viết cho ai?”, “Viết để làm gì?”, “Viết cái gì?”, “Viết như thế nào?”. Có như vậy, tác phẩm báo chí mới đem lại những giá trị đích thực cho xã hội.
PHƯƠNG ĐÔNG
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 17+18 (Kỳ 1+2 tháng 12) năm 2023