Đẩy mạnh chiến lược xanh
11/06/2024TN&MTĐể thúc đẩy quá trình phát triển bền vững một cách toàn diện, hiệu quả và nhanh chóng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số trong kinh tế, xã hội, quản trị, môi trường là điều tất yếu.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, muốn phát triển các dự án dệt may xanh song còn gặp khó khăn trong huy động tài chính
Nhận thấy vai trò quan trọng của kinh tế tuần hoàn, Chính phủ cũng đã ban hành các chiến lược như Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh; Chiến lược Biến đổi khí hậu; Quy hoạch điện VIII về năng lượng... Đề cập về cơ sở pháp lý nhằm triển khai chiến lược xanh, TS Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biên đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Việt Nam đã xây dựng một lộ trình hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng không.
Bên cạnh đó, các bộ ngành đã xây dựng kế hoạch hành động để đóng góp vào mục tiêu chung. Ví dụ, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng và triển khai chiến lược phát triển giao thông xanh. “Chiến lược này nhằm giảm phát thải nhà kính và khí mê-tan trong ngành giao thông vận tải, góp phần quan trọng vào nỗ lực chung của cả nước trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững” - ông Cường chia sẻ.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của giới chuyên gia, việc thực thi còn nhiều hạn chế. Một số doanh nghiệp (DN) cho biết, những khó khăn như thiếu hụt về kinh nghiệm, nguồn lực tài chính còn mỏng, khiến DN nhỏ thường không mấy mặn mà với thực hành phát triển bền vững theo chuẩn ESG. Thực tế đã có rất nhiều tiêu chuẩn được đưa ra nhưng chưa có một tiêu chuẩn chung mang tính thống nhất về thực hành ESG.
Từ góc độ DN, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhận định, việc thực hành ESG và áp dụng các biện pháp tuần hoàn sẽ góp phần thúc đẩy tạo việc làm, tiếp cận công bằng các nguồn lực và sự tham gia của cộng đồng, giúp tăng trưởng toàn diện và phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, việc thực thi ESG và đảm bảo kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là một quá trình dài hạn. “Mặc dù nhà nước có đưa ra các chính sách kết hợp khung tiêu chuẩn, nhưng người tiêu dùng chưa có nhu cầu nên rất khó để DN triển khai xanh hoá” - ông Trường nói.
Cũng theo ông Trường, hệ thống tài chính cho phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tài chính ESG còn non trẻ, khiến các dự án dệt may xanh gặp nhiều khó khăn trong huy động tài chính. Thiếu các chính sách ưu đãi cụ thể để khuyến khích phát triển dệt may tuần hoàn. Về nguồn lực và công nghệ, đầu tư cho ESG và kinh tế tuần hoàn là dài hạn, trong khi các DN nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn về tài chính. Nguồn lực con người để triển khai kinh tế tuần hoàn cũng là một thách thức.
Theo các chuyên gia, áp dụng nguyên tắc ESG đi kèm đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là một lợi thế cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức đòi hỏi có các giải pháp đồng bộ từ cơ chế đến tài chính hỗ trợ DN thực thi. Nhận định về những khó khăn, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế trung ương cho biết, việc áp dụng ESG, phát triển kinh tế xanh và tuần hoàn là xu thế không thể đảo ngược. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, nhận thức mới nên cần có chủ trương và chiến lược cụ thể. Đồng thời, cần hướng dẫn chi tiết, không thể để các DN đi theo phong trào mà nên thực hiện phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, ông Hiển nhấn mạnh, ngoài việc ban hành các thể chế, vai trò của nhà nước còn nằm ở việc nâng cao nhận thức cho các DN và cả các nhà hoạch định chính sách. Điều này cần phải qua các kênh truyền thông đa phương tiện để lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa. “Chúng ta cần dịch chuyển và nâng cao nhận thức về kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn thông qua các kênh truyền thông, cũng như các buổi tọa đàm giao lưu kết nối... Đây đều là những kênh rất quan trọng” - ông Hiển nhấn mạnh.
Theo ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, hệ thống tài chính cho phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tài chính ESG còn non trẻ, khiến các dự án dệt may xanh gặp nhiều khó khăn trong huy động tài chính. Thiếu các chính sách ưu đãi cụ thể để khuyến khích phát triển dệt may tuần hoàn. Về nguồn lực và công nghệ, đầu tư cho ESG và kinh tế tuần hoàn là dài hạn, trong khi các DN nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn về tài chính. Nguồn lực con người để triển khai kinh tế tuần hoàn cũng là một thách thức.
Theo daidoanket.vn