Đánh giá trữ lượng khoáng sản tại 3 địa phương
30/11/2022TN&MTChiều 29/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đối với 4 mỏ khoáng sản ở Hà Giang, Khánh Hòa và Hà Nam.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp
Báo cáo kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng trong phạm vi giấy phép khai thác số 3940/QĐ-ĐCKS ngày 27/12/1996 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) mỏ antimon Mậu Duệ, xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, ông Nguyễn Văn Hoàn thuộc Trung tâm Kiểm định địa chất (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) cho biết: Báo cáo được thành lập trên cơ sở tài liệu thực tế thi công có đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn, đảm bảo độ tin cậy. Báo cáo làm rõ đặc điểm cấu trúc địa chất, sự tồn tại của các thân quặng antimon theo đường phương hướng dốc; đánh giá trữ lượng, chất lượng quặng antimon trong diện tích 0,352km2 được cấp phép khai thác. Ngoài ra, các phương pháp thăm dò và khối lượng công tác thăm dò nâng cấp trữ lượng phù hợp với loại hình khoáng sản antimon.
Ông Lê Văn Lượng - Phó Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đánh giá, báo cáo đã thu thập, tổng hợp được tài liệu thăm dò trước đây và kết quả thăm dò nâng cấp ở mỏ đã xác định được đặc điểm địa chất khu mỏ, cũng như quy mô, chất lượng của quặng antimon trong diện tích Giấy phép khai thác. Tuy vậy, hạn chế của công tác thăm dò là các thân quặng có thế nằm dốc 50-70%, trong đó các lỗ khoan thăm dò được khoan thẳng đứng chưa phù hợp. Không lấy mẫu thể trọng lớn, mẫu thể trọng nhỏ lấy quá ít, mẫu công nghệ chỉ lấy cho phần quặng nghèo nằm ở bãi lưu phần quặng nghèo của mỏ.
Ông Hoàng Anh Tuấn - Công Ty Cổ Phần tư vấn đầu tư Khoáng sản Việt báo cáo tại cuộc họp
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, Công ty cổ phần cơ khí và khoáng sản Hà Giang (chủ đầu tư) cần có kế hoạch thăm dò nâng cấp tài nguyên dự tính còn lại ở mỏ để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho nhà máy sử dụng lâu dài.
Thứ trưởng và các ủy viên Hội đồng đã thông qua dự tính trữ lượng cấp 122 (phần thân quặng đã được nghiên cứu rõ về địa chất, chất lượng và công nghệ khai thác, có tính khả thi và hiệu quả kinh tế khi khai thác theo đúng yêu cầu của loại mỏ) và tài nguyên dự tính còn lại quặng antimon sau thăm dò nâng cấp mỏ Mậu Duệ trên diện tích 0,352km2 là 537 nghìn tấn quặng, tương đương với hơn 25,4 nghìn tấn kim loại antinmon.
Hội đồng cũng đánh giá trữ lượng đá granit tảng lăn làm ốp lát khu vực Tân Dân, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa và đá granit tảng lăn làm ốp lát khu vực Tân Dân 1, xã Vạn Thắng và xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Ông Hoàng Anh Tuấn - Công ty cổ phần tư vấn đầu tư Khoáng sản Việt, đơn vị tư vấn thăm dò 2 mỏ trên cho biết, đơn vị đã thu thập đầy đủ hệ thống tài liệu, đúng yêu cầu kỹ thuật. Các công trình thăm dò thi công theo đúng trình tự từ trên mặt xuống dưới sâu, từ đơn giản đến phức tạp. Mạng lưới các công trình thăm dò áp dụng đảm bảo yêu cầu, trữ lượng đã tính cho mỏ có đủ cơ sở, độ tin cậy để tiến hành lập báo cáo khả thi và dự án đầu tư khai thác mỏ, đem lại hiệu quả kinh tế.
Theo ông Phạm Văn Hưng - Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, cả 2 báo cáo đã làm rõ được các đặc điểm địa chất, địa chất thủy văn - địa chất công trình, điều kiện khai thác mỏ, đánh giá được chất lượng, trữ lượng đá granit tảng lăn làm ốp lát và làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực thăm dò.
Toàn cảnh cuộc họp
Thứ trưởng Trần Quý Kiên và các thành viên Hội đồng đã thông qua dự tính trữ lượng đá granit tảng lăn làm ốp lát khu vực Tân Dân, với trữ lượng đá granit tảng lăn làm ốp lát cấp 122 của mỏ là 89 nghìn m3 và trữ lượng đá granit tảng lăn làm vật liệu xây dựng thông thường đi kèm (đá chẻ, loka…) là 220 nghìn m3. Còn đối với mỏ đá granit tảng lăn làm ốp lát khu vực Tân Dân 1, Hội đồng thông qua dự tính trữ lượng đá granit tảng lăn làm ốp lát cấp 122 của mỏ là 44 nghìn m3 và trữ lượng đá granit tảng lăn làm vật liệu xây dựng thông thường đi kèm (đá chẻ, loka…) là 114 nghìn m3.
Tại cuộc họp, Hội đồng cũng thông qua kết quả thăm dò đá vôi làm nguyên liệu xi măng tại khu vực K36, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, với tổng trữ lượng, tài nguyên đá vôi đạt tiêu chuẩn sản xuất xi măng gồm: gần 175, 4 triệu tấn tổng trữ lượng cấp 121 - trữ lượng có độ tin cậy cao, mức độ nghiên cứu địa chất với số liệu chắc chắn - và trữ lượng cấp 122; 40, 067 triệu tấn tổng tài nguyên dự tính. Ngoài ra, Hội đồng thông qua tổng trữ lượng, tài nguyên đá vôi dolomit đạt tiêu chuẩn làm vật liệu xây dựng thông thường, với 10,726 triệu m3 tổng trữ lượng cấp 121+122 và 2,278 triệu m3 tổng tài nguyên dự tính.
Theo baotainguyenmoitruong.vn