Đánh giá rủi ro môi trường của hệ thống xử lý nước thải có công đoạn nhuộm từ hai khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả
01/11/2021TN&MTNghiên cứu đánh giá rủi ro môi trường của hệ thống xử lý nước thải có công đoạn nhuộm từ hai khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả dựa trên cơ sở các dữ liệu được thu thập, phân tích, đánh giá về chất lượng nguồn nước mặt, chất lượng nước thải sau xử lý, mức độ xả thải của các nhà máy trong giai đoạn 1, 2 và 3, từ đó làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp quản lý nước thải theo hướng phát triển bền vững. Đồng thời dự án còn đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ứng phó và khắc phục khi có sự cố xảy ra nhằm hạn chế tối đa mức độ tác động của việc xả nước thải sau xử lý đến môi trường tiếp nhận. Xác định trách nhiệm của các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý có liên quan trong công tác quản lý nước thải, phòng ngừa, khắc phục các sự cố môi trường do hoạt động xả nước thải sau xử lý ra suối và rạch Kè.
GIỚI THIỆU
Trong bối cảnh hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp cũng như công ty kinh doanh hạ tầng khi xây dựng hệ thống xử lý nước thải đều chưa có hoặc có nhưng chưa chi tiết và cụ thể giải pháp phòng ngừa, ứng phó và xử lý sự cố môi trường do hệ thống XLNT phát sinh trong quá trình vận hành và kế hoạch quản lý, thống nhất việc xả thải giữa các cơ quan chức năng có liên quan với các doanh nghiệp. Sự cố này sẽ rất nguy hiểm cho nguồn tiếp nhận khi phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải và có khả năng gây ô nhiễm cho nguồn nước, gây ảnh hưởng đến mục đích sử dụng nước của nguồn nước và môi trường.
Do đó, việc thực hiện đề tài “Đánh giá rủi ro môi trường của hệ thống xử lý nước thải có công đoạn nhuộm từ hai KCN trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả”, cụ thể là trong KCN là hết sức cần thiết và cấp bách để có biện pháp giám sát kịp thời; phát hiện ra các sự cố gây ô nhiễm; đề xuất biện pháp quản lý; giảm thiểu ô nhiễm một cách hiệu quả; khắc phục sự cố; nâng cao công tác quản lý nhà nước về kiểm soát nước thải.
THỰC NGHIỆM
Nội dung nghiên cứu
Hiện trạng về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất có công đoạn nhuộm; Dự báo mức độ xả nước thải sau xử lý của các nhà máy sản xuất có công đoạn nhuộm vào nguồn tiếp nhận; Đánh giá khả năng chịu tải ô nhiễm của nguồn tiếp nhận; Đề xuất các giải pháp quản lý.
Phương pháp thực hiện
Phương pháp thu thập số liệu
Phương pháp thu thập tài liệu
Đây là phương pháp nền tảng trong việc thu thập và tổng hợp thông tin, số liệu từ các nguồn tham khảo. Việc tổng quan tài liệu được thực hiện theo các từ khóa chính có liên quan đến nội dung đề tài, nhằm tìm kiếm và sàng lọc các tài liệu gần với nội dung đề tài nhất. Các từ khóa bao gồm các từ sau: Nước thải phân khu dệt may có công đoạn nhuộm; Hiệu quả xử lý nước thải; Chất lượng nước mặt nguồn tiếp nhận; Phòng ngừa, ứng phó sự cố, rủi ro do xả thải.
Phương pháp điều tra, khảo sát thực địa
Đây là phương pháp nghiên cứu truyền thống có hiệu quả rất lớn trong việc thu thập trực tiếp số liệu thông tin ban đầu với độ tin cậy và chính xác cao, trên địa bàn nghiên cứu. Từ việc quan sát đến việc phỏng vấn lấy thông tin về các hoạt động của các nhà máy trong phân khu dệt may và công nghiệp hỗ trợ, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, thông tin về nguồn tiếp nhận nước thải.
Khảo sát thực địa các nhà máy sản xuất có công đoạn nhuộm trong phân khu dệt may: Quy trình sản xuất, quy mô hoạt động, các công đoạn phát sinh nước thải; điều tra, khảo sát nhu cầu xả thải của các nhà máy ở thời điểm hiện tại (thời điểm nghiên cứu); khảo sát tình hình hoạt động của HTXLNT tại các nhà máy và HTXLNT tập trung của KCN; khảo sát hiện trạng nguồn tiếp nhận nước thải tại KCN; khảo sát điểm xả thải của KCN, khảo sát điểm xả thải của các nhà máy vào hệ thống thoát nước thải của KCN; việc điều tra, phỏng vấn trực tiếp doanh nghiệp được thực hiện thông qua các phiếu điều tra.
Các số liệu thu thập được từ quá trình điều tra phỏng vấn và khảo sát thực địa phục vụ cho phần đánh giá hiện trạng môi trường phân khu dệt may và công nghiệp hỗ trợ của KCN.
Phương pháp phân tích mẫu môi trường
Phương pháp lấy mẫu
Quy trình lấy mẫu quan trắc chất lượng nước mặt được thực hiện theo TCVN 6663-6:2008 - Chất lượng nước - Lấy mẫu - Hướng dẫn lấy mẫu ở sông và suối.
Việc bảo quản mẫu và xử lý mẫu được thực hiện theo TCVN 6663-3:2008 - Chất lượng nước - Lấy mẫu - Hướng dẫn bảo quản và xử lý mẫu.
Phương pháp xử lý số liệu
Dữ liệu đã thu thập sẽ tiến hành xử lý thống kê bằng Word, Excel và trình bày kết quả ở dạng bảng biểu, sơ đồ.
KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
Hiện trạng về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất có công đoạn nhuộm
Các nhà máy xử lý nước thải đạt cột B, QCVN 40:2011/BTNMT tại nhà máy trước khi dẫn về trạm xử lý nước thải tập trung KCN để tiếp tục xử lý đạt cột A, QCVN 40:2011/BTNMT trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.
Dự báo mức độ xả nước thải sau xử lý của các nhà máy sản xuất có công đoạn nhuộm vào nguồn tiếp nhận
Tải lượng ô nhiễm của nước thải sau khi xử lý và khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn tiếp nhận được tính toán, dự báo theo 03 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Tại thời điểm lập khảo sát – năm 2017
Giai đoạn 2: Khi các nhà máy đã và đang đầu tư tại phân khu dệt may và công nghiệp hỗ trợ (các nhà máy được đề cấp trong chương 3) đồng loại xả thải theo lưu lượng đăng ký
Giai đoạn 3: Khi các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất lấp đầy phân khu dệt may và công nghiệp hỗ trợ.
Theo đề xuất của đề án “Điều tra, khảo sát, thống kê lấy mẫu, phân tích đánh giá mức độ ô nhiễm, khả năng chịu tải và tự làm sạch của sông Vàm Cỏ Đông, trên cơ sở đó đề xuất tiêu chuẩn xả thải”, và mục tiêu hướng đến phát triển bền vững của tỉnh Tây Ninh, các nhà máy sản xuất có công đoạn nhuộm trong phân khu dệt may và công nghiệp hỗ trợ nói riêng, cũng như các nhà máy hoạt động trong các KCN trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nói chung, sẽ xử lý nước thải đạt QCVN 40:2011/BTNMT – Cột A hoặc các QCVN tương đương, bằng công trình xử lý nước thải của nhà máy hoặc công trình xử lý nước thải tập trung của KCN trước khi thải ra nguồn tiếp nhận cho việc tính toán, dự báo tải lượng chất ô nhiễm cho các nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong tương lai. Theo kết quả tính toán cho thấy, tất cả các chỉ tiêu thu và phân tích đều có nồng độ, tải lượng nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 13-MT:2015/ BTNMT và QCVN 40:2011/BTNMT.
Đánh giá khả năng chịu tải ô nhiễm của nguồn tiếp nhận
Kết quả tính toán tải lượng của các chất ô nhiễm có trong nước thải sau xử lý của các nhà máy trước khi vào nguồn tiếp nhận, cho thấy Nước thải công nghiệp sau xử lý của các nhà máy có giá trị nồng độ nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 13-MT:2015/BTNMT. Do đó, khi xả nước thải sau xử lý đạt yêu cầu ra nguồn tiếp nhận, là suối Cầu Đúc, vừa có tác dụng pha loãng nồng độ chất ô nhiễm sẵn có trong nguồn nước, đồng thời làm tăng khả năng tiếp nhận các thông số ô nhiễm của suối Cầu Đúc, điển hình như: TSS, amoni và photphat.
Đề xuất các giải pháp quản lý khi có sự cố xảy ra
Khi xảy ra sự cố thì người phát hiện ra sự cố phải cáo báo ngay cho cán bộ quản lý và ban lãnh đạo của công ty, ban quản lý KCN. Cán bộ quản lý được phân công có trách nhiệm trực tiếp chỉ huy xử lý sự cố.
Ngưng hoạt động xả thải, nước thải được đưa về hồ dự phòng sự cố, rà soát, kiểm tra lại các khâu xử lý nước thải, tìm ra nguyên nhân dẫn đến việc nước thải không được xử lý đạt yêu cầu. Khi phát hiện sự cố ở khâu nào trong quy trình xử lý nước thải phải tiến hành công tác sửa chữa, thay thế ngay.
Trường hợp sự cố nằm trong khả năng giải quyết của nhà máy, nhà máy sẽ tự thay thế thiết bị, máy móc hư hỏng bằng các máy móc, thiết bị đã mua dự phòng cho sự cố.
Trường hợp sự cố nằm ngoài khả năng xử lý của nhà máy, nhà máy sẽ báo ngay cho đơn vị nhà thầu thiết kế, lắp đặt HTXLNT về tình hình sự cố của hệ thống, để có phương án xử lý sự cố tại chỗ, hướng dẫn cho nhân viên vận hành hệ thống xử lý vấn đề hoặc xử lý tạm thời trong thời gian chờ nhà thầu cho người đến khắc phục sự cố.
Sau khi khắc phục xong sự cố, nước thải từ hồ sự cố được đưa về HTXL để xử lý lại đạt quy chuẩn hiện hành trước khi xả thải ra nguồn tiếp nhận.
Gửi công văn đến các cơ quan quản lý để thông báo tình hình xử lý nước thải của nhà máy. Đề nghị sự hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.
Trường hợp đã xả thải nước thải xử lý chưa đạt yêu cầu vào nguồn tiếp nhận, công ty sẽ lên kế hoạch khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường; Tiến hành đền bù đối với các cơ sở, hộ dân chịu ảnh hưởng do sự cố xả nước thải của nhà máy gây ra; Thực hiện các biện pháp theo yêu cầu của cơ quan chức năng quản lý nhà nước về môi trường và nộp phạt đầy đủ theo quy định hiện hành.
KẾT LUẬN
Nghiên cứu đã tiến hành tổng hợp thông tin về tình hình đầu tư, hoạt động, công suất sản xuất, nhu cầu xả thải ở giai đoạn lập dự án và khi xả thải theo lưu lượng đăng ký trong báo cáo ĐTM của các doanh nghiệp sản xuất có công đoạn dệt nhuộm trong KCN.
Nghiên cứu còn tiến hành tổng hợp thông tin về hiện trạng thu gom và xử lý nước thải của các doanh nghiệp sản xuất có công đoạn nhuộm tại KCN. Nước thải sau xử lý của các HTXLNT vừa nêu đều có nồng độ các thông số nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 13-MT:2015/ BTNMT – cột A và QCVN 40:2011/ BTNMT – cột A.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] UBND tỉnh Tây Ninh, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Tây Ninh (2011), Báo cáo tình hình phát triển và thu hút đầu tư các khu công nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2011.
[2] Kiều Công Minh (2017), CÁC KCN, KKT TỈNH TÂY NINH: Hoạt động ổn định và tăng trưởng; http://khucongnghiep.com.vn/ kinhnghiem/tabid/68/articleType/ArticleView/articleId/1972/CC-KCN-KKT-TNH-TY-NINH-Hot-ng-n-nh-v-tng-trng.aspx
[3] Hoàng Văn Huệ, Trần Đức Hạ (2002). Thoát nước - Tập II: Xử lý nước thải, Chương 5. Xử lý nước thải một số ngành công nghiệp, phần 15.4. Xử lý nước thải ngành công nghiệp dệt nhuộm. Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, trang 485 – 494.
[4] QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.
[5] QCVN 08-MT:2015/ BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt;
[6] QCVN 13-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp dệt nhuộm.
[7]. Trần Văn Nhân, Hồ Thị Nga (2005), Giáo trình công nghệ xử lí nước thải, NXB Khoa học và kĩ thuật, Hà Nội.
[8]. Đặng Trần Phòng, Trần Hiếu Nhuệ (2005), Xử lí nước cấp và nước thải dệt nhuộm, NXB Khoa học và kĩ thuật, Hà Nội.
[9]. Đỗ Đình Răng, Đặng Đình Bạch, Lê Thị Anh Đào, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Thị Thanh Phong (2006), Hóa học hữu cơ 3, NXB Giáo Dục, Hà Nội.
[10]. Đặng Xuân Việt (2007), Nghiên cứu phương pháp thích hợp để khử màu thuốc nhuộm họat tính trong nước thải dệt nhuộm, luận án tiến sĩ kỹ thuật, Hà Nội.
[11]. Mas Rosemal H.Mas Haris and Kathiresan Sathasivam (2007), The removal of methyl red from aqueous solutions using banana Pseudostem Fibers, Amarican Journal of applied sciences 6(9): 1690-1700, ISSN 1546-9237.
[12]. T.Santhi, Smanonmani, T.Ssmitha (2010), Removal of methyl red from aqueous solution by activated carbon prepared from the annoma squmosa seed by adsorption, Chemical Engineering Research Bulletin 14, 11-18.
[13]. PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, TS. Nguyễn Thế Tiến.Giáo trình “Quy hoạch môi trường”, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, năm 2013
Sổ tay hướng dẫn Kiểm định chất lượng môi trường TP.New York(CEQR Technical Manual),
HÀ THỊ THANH AN, LÊ HÙNG ANH
Trường Đại Học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh
NGUYỄN ĐỨC ĐẠT ĐỨC
Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh
NGUYỄN THANH QUANG
Trường Đại học Thủ Dầu Một