Đánh giá hiện trạng quản lý môi trường tại Bệnh viện Đa khoa Phố Nối, tỉnh Hưng Yên
26/02/2024TN&MTKinh tế phát triển khiến nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tăng, cùng với đó là yêu cầu về môi trường khám chữa bệnh cũng được nâng lên. Số lượng bệnh nhân gia tăng kéo theo lượng chất thải rắn và nước thải ở các cơ sở khám chữa bệnh cũng tăng theo, và đặt ra vấn đề về xử lý chất thải của cơ sở khám chữa bệnh.
Đặt vấn đề
Hưng Yên là một tỉnh thuộc Đồng bằng Bắc Bộ, phía Đông Nam giáp TP. Hà Nội. Với gần 1,3 triệu dân toàn tỉnh, áp lực đối với các cơ sở khám chữa bệnh tại đây là không hề nhỏ. Bệnh viện Đa khoa Phố Nối là bệnh viện hạng II tuyến tỉnh của Hưng Yên. Tác giả đã thực hiện nghiên cứu đánh giá hiện trạng quản lý môi trường tại Bệnh viện Đa khoa Phố Nối để thấy được hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở y tế công lập tỉnh Hưng Yên.
Phạm vi và phương pháp nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Hoạt động quản lý môi trường tại Bệnh viện Đa khoa Phố Nối, tỉnh Hưng Yên.
Địa điểm nghiên cứu: Bệnh viện Đa khoa Phố Nối, phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Phạm vi nghiên cứu: Hoạt động quản lý môi trường tại Bệnh viện Đa khoa Phố Nối, hoạt động này chỉ xem xét ở quản lý nội vi bệnh viện.
Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp kế thừa số liệu thứ cấp, phương pháp lấy mẫu phân tích chất lượng môi trường, phương pháp đánh giá và so sánh. Phương pháp kế thừa số liệu thứ cấp được sử dụng để thu thập khai thác các số liệu về đặc điểm hành chính của bệnh viện, các số liệu về nhân lực, các số liệu về số lượt khám chữa bệnh và các thủ thuật thực hiện tại bệnh viện nhằm xác định các nguồn ô nhiễm từ hoạt động khám chữa bệnh. Phương pháp lấy mẫu và phân tích thực hiện thu thấp và phân tích thành phần khí thải, nước thải trước và sau khi xử lý trong khu vực bệnh viện theo các tiêu chuẩn và quy chuẩn hiện nay. Kết quả phân tích sẽ được so sánh và đánh giá với các quy chuẩn.
Bảng 2.1 thể hiện vị trí lấy mẫu nước thải và khí thải, thời gian lấy mẫu 25/3/2021.
Bảng 2.1. Vị trí lấy mẫu nước thải và khí thải tại bệnh viện Đa khoa Phố Nối
Kết quả nghiên cứu
Hiện trạng phát sinh chất thải tại Bệnh viện Đa khoa Phố Nối
Bệnh viện Đa khoa Phố Nối bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 11 năm 2006, là bệnh viện đa khoa hạng II và là cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh của Hưng Yên với quy mô 450 giường bệnh, 06 phòng chức năng, 24 khoa lâm sàng và cận lâm sàng. 24 khoa lâm sàng và cận lâm sàng bao gồm: Khoa Y học cổ truyền, Khoa Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng, Khoa Thần kinh Nội tiết, Khoa Nội tổng hợp, Khoa Tim mạch Lão khoa, Khoa Giải phẫu bệnh, Khoa Nhi, Khoa Truyền nhiễm, Khoa Ngoại tổng hợp, Khoa Chấn thương – Chỉnh hình & Bỏng, Khoa Ung bướu, Khoa Phẫu thuật – Gây mệ hồi sức, Khoa xét nghiệm, Khoa Dược, Khoa Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Khoa khám bệnh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Khoa Thận tiết niệu và Lọc máu, Khoa Da liễu, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Khoa Chuyên khoa, Khoa Phụ sản.
Kết quả phân tích mẫu không khí xung quanh của Bệnh viện Đa khoa Phố Nối được thể hiện trong bảng 3.1.
Bảng 3.1 cho thấy, không khí xung quanh bệnh viện với các chỉ tiêu phân tích gồm độ ồn, SO2, CO đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 05:2013/BTNMT - QCKTQG về chất lượng không khí xung quanh và QCVN 26:2010/BTNMT - QCKTQG về tiếng ồn. Các chỉ số bụi và NO2 đang cao hơn giới hạn cho phép, điều này là do vị trí lấy mẫu ở khu xử lý nước thải và chất thải rắn. Các khu vực này nằm tách biệt và xa khu vực khám chữa bệnh nên không ảnh hưởng nhiều.
Kết quả phân tích mẫu nước thải tại bệnh viện Đa khoa Phố Nối được thể hiện trong Bảng 3.2.
Bảng 3.1. Kết quả quan trắc chất lượng không khí xung quanh tại Bệnh viện Đa khoa Phố Nối
Bảng 3.2. Kết quả quan trắc nước thải trước và sau xử lý tại Bệnh viện Đa khoa Phố Nối
Kết quả phân tích mẫu nước thải NT02 và NT02-L sau khi xử lý cho các chỉ tiêu phân tích đều đạt yêu cầu, chứng tỏ hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện đã xử lý tốt trước khi nước thải vào hệ thống chung.
Đánh giá hoạt động quản lý môi trường tại Bệnh viện Đa khoa Phố Nối
Bệnh viện Đa khoa Phố Nối hiện có 450 giường bệnh. Theo quyết định số 3959/QĐ-BYT ban hành năm 2015 của Bộ Y tế về “định mức nhân lực và thời gian làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh” thì với bệnh viện loại II, cứ 01 giường nội trú cần 1,12 nhân lực phục vụ, vậy yêu cầu nhân lực tối thiểu cho bệnh viện là 504 người. Thực tế, bệnh viện hiện có 470 viên chức trong biên chế, đạt 93% nhu cầu về nhân lực. Khối gián tiếp, quản lý hiện có 78 người, chiếm hơn 15% nhu cầu nhân lực tối thiểu của bệnh viện. Việc quản lý môi trường bệnh viện do Phòng Hành chính quản trị phụ trách nhưng hiện chưa có tổ/bộ phận chuyên trách mà chỉ có cán bộ kiêm nhiệm. Do vấn đề nhân lực nên việc vận hành lò đốt chất thải rắn chưa phù hợp với lượng rác thực tế, khiến cho một số chỉ tiêu về khí thải quanh khu vực đốt rác chưa đạt yêu cầu. Hiện nay bệnh viện chưa hoàn tất quá trình xây dựng (có 3 tòa nhà đang chờ xây) và cần đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại nên chưa thể dành nhiều ngân sách cho việc xử lý chất thải. Thêm vào đó, vì là cơ sở y tế công lập nên nguồn thu từ phí khám chữa bệnh thấp, chưa tỉnh đủ các chi phí cho việc xử lý chất thải y tế. Dù còn nhiều khó khăn nhưng bệnh viện Đa khoa Phố Nối cũng đã xây dựng và vận hành tốt trạm xử lý nước thải của bệnh viện và giảm tối đa ảnh hưởng môi trường của chất thải rắn, khí thải đến khu vực khám chữa bệnh.
Kết luận
Là một bệnh viện công hạng II tuyến tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Phố Nối hàng ngày đón tiếp một lượng lớn bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Dự kiến sau khi hoàn tất xây dựng, bệnh viện sẽ tăng từ 450 giường hiện nay lên 600 giường, tăng 33,33%. Do đó, việc đầu tư trang thiết bị thu gom và xử lý chất thải cũng như có thêm cán bộ chuyên trách môi trường trong bệnh viện là rất cấp thiết.
Tài liệu tham khảo
1. Quyết định số 3959/QĐ-BYT 2015 của Bộ Y tế về “định mức nhân lực và thời gian làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh;
2. Sổ tay hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong Bệnh viện (Ban hành kèm theo Quyết định số 105/QĐ-MT ngày 03/7/2014 của Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế);
3. Thông tư sô 20/2021/TT-BYT quy định về quản lý chất thải y tế trong khuôn viên cơ sở y tế;
4. Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT – Thông tư về quản lý chất thải y tế.
NGUYỄN THỊ BÌNH MINH
Khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 22 (Kỳ 2 tháng 11) năm 2023