Đánh giá hiện trạng cấp nước sạch nông thôn ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang
29/05/2024TN&MTĐề tài nghiên cứu hiện trạng cấp nước sạch và đánh giá chất lượng nước cấp của các trạm cấp nước ở nông thôn giai đoạn năm 2018 - 2022 tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Kết quả nghiên cứu cho thấy có 26 trạm cấp nước trên địa bàn, lượng nước cấp tăng dần theo hằng năm, đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của người dân, đạt chỉ tiêu nông thôn mới về sử dụng nước sạch (tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch tăng từ 90,12% năm 2018 lên 95,36% năm 2022). Kết quả giám sát chất lượng nước ở các trạm cấp nước đều đạt QCVN 01-1:2018/BYT ngoại trừ chỉ tiêu về độ đục, amoni. Có tới 96,67% hộ dân được khảo sát có như cầu được cấp nước sạch để phục vụ cho các mục đích sinh hoạt khác nhau.
Giới thiệu
Huyện Chợ Mới (Huyện) là một huyện cù lao của tỉnh An Giang, nằm ở hạ nguồn sông Mekong, vùng được bao bọc bởi hai con sông chính là sông Tiền và sông Hậu, có nguồn nước mặt rất dồi dào, cung cấp cho canh tác nông nghiệp, sản xuất và sinh hoạt của người dân. Do huyện đã xây dựng các công trình đê bao khép kín để phát triển mô hình sản xuất lúa vụ ba, góp phần phát triển kinh tế xã hội, mang lại thu nhập cao, cải thiện đời sống cho người dân. Tuy nhiên, việc bao đê triệt để canh tác lúa vụ ba đã gây ra không ít bất cập cho việc khai thác và sử dụng nguồn nước mặt (đặc biệt là vùng lõi của đê bao), nguồn nước bị ô nhiễm làm ảnh hưởng đến việc sản xuất, sinh hoạt của người dân, vì vậy một số hộ gia đình, hộ kinh doanh đã và đang sử dụng nước sạch để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau.
Theo khảo sát thực tế về hiện trạng cấp nước sạch trên địa bàn huyện, có thể thấy một số tồn tại:
Diện tích địa bàn huyện khá rộng lớn nên việc quản lý cấp nước và sử dụng không được chặt chẽ và gặp khó khăn. Hiện trạng công tác quản lý cấp nước sạch chủ yếu dựa vào thông tin khảo sát của các xã cung cấp trên tên chủ hộ, không xác định được vị trí cụ thể và mục đích sử dụng.
Khoảng cách từ trạm cấp nước đến các hộ dân khá lớn nên chi phí hệ thống đường ống chuyển tải nước sạch phục vụ người dân còn cao.
Dân số tăng nên chỉ tiêu nông thôn mới về tỷ lệ hộ được sử dụng nước theo quy chuẩn phải đạt, vì vậy việc đẩy mạnh hệ thống đầu tư mang tính cấp thiết để đáp ứng nhu cầu người dân sử dụng.
Theo Phòng TN&MT huyện Chợ Mới, hiện nay tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn còn ở mức thấp, nhiều vùng dân cư còn gặp nhiều khó khăn về nước sạch. Chất lượng nước cấp sinh hoạt nông thôn (SHNT) nhiều nơi không đảm bảo quy chuẩn quy định, đòi hỏi phải có đánh giá tổng thể về hiện trạng cấp nước cũng như chất lượng nước sạch nông thôn, từ đó đề xuất các giải pháp phát triển cấp nước, chất lượng nước sạch nhằm đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân.
Mục tiêu và nội dung nghiên cứu
Mục tiêu
Khảo sát hiện trạng cấp nước sạch và nhu cầu sử dụng nước sạch nông thôn ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022.
Nội dung nghiên cứu
Khảo sát về lượng cấp nước của các trạm ở nông thôn trên địa bàn huyện từ 2018 - 2022
Thu thập số liệu thứ cấp về hiện trạng cấp nước theo giai đoạn 5 năm từ năm 2018 - 2022; tổng hợp số liệu thứ cấp theo dạng bảng, biểu đồ; khảo sát thực địa các trạm cấp nước trên địa bàn các xã nông thôn; thực hiện phỏng vấn cán bộ trạm cấp nước để thu thập các số liệu liên quan đến trạm cấp nước bao gồm: Quy mô, công suất, quy trình công nghệ, chất lượng nước cấp, nguồn cung cấp nước, đơn giá, hồ sơ môi trường,… Thiết lập bản đồ phân bố các trạm cấp nước trên địa bàn.
Đánh giá chất lượng nước cấp của các trạm cấp nước ở khu vực nghiên cứu.
Thu thập số liệu thứ cấp về chất lượng nước ở các trạm cấp nước.
Trao đổi cán bộ quản lý trạm về hiện trạng vận hành hệ thống cấp nước.
So sánh quy chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT về chất lượng nước cấp.
Khảo sát nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt ở các xã trên địa bàn huyện.
Chọn hộ phỏng vấn về nhu cầu sử dụng sạch trên địa bàn xã nông thôn.
Thiết kế bảng phỏng vấn phù hợp với khả năng nhu cầu sử dụng các hộ.
Phỏng vấn trực tiếp các hộ đã chọn.
Thống kê và xử lý số liệu của các hộ dân theo bảng kết quả phỏng vấn.
Đánh giá nhu cầu sử dụng của các hộ dân dựa trên số liệu thống kê phỏng vấn.
Kết quả và thảo luận
Hiện trạng phân bố các trạm cấp nước ở các xã nông thôn
Huyện có 26 công trình cấp nước sạch với thiết kế, quy mô khác nhau, phân bố ở 16 xã (hình 1) và đã thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường. Công ty cổ phần Điện nước An Giang quản lý 13 trạm (chiếm tỷ lệ 50%); Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn An Giang quản lý 9 trạm (chiếm tỷ lệ 34%) và cá nhân đầu tư quản lý 4 trạm (chiếm tỷ lệ 16%) tính theo số lượng trạm.
Các cơ sở cấp nước phân bố khá đồng đều trên địa bàn huyện đã góp phần giảm áp lực cho Xí nghiệp điện nước huyện Chợ Mới, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cung cấp đầy đủ và lâu dài nguồn nước sạch cho người dân, góp phần phát triển kinh tế cho người dân trên địa bàn huyện. Trung bình mỗi trạm cấp nước sạch nông thôn đã xử lý, cấp nước sạch cho 1-2 xã; công suất trung bình mỗi trạm 400-900 m3/ngày đêm. Công suất lớn nhất là nhà máy nước Chợ Mới thuộc Công ty cổ phần Điện nước An Giang có công suất 6000 m3/ngày đêm, cấp cho địa bàn thị trấn Chợ Mới và xã Long Điền A. Công suất thấp nhất là trạm cấp nước Nguyễn Văn Triệu thuộc cá nhân đầu tư, có công suất 50 m3/ngày đêm, cấp cho địa bàn xã Hoà An. Các trạm, nhà máy đều đã được cấp phép khai thác nước mặt của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền. Các công trình khai thác nước mặt theo đúng quy định kỹ thuật hiện hành.
Giai đoạn năm 2018, hầu hết các xã có tỷ lệ cấp nước sạch nông thôn vượt trên 85%, đạt tiêu chí nông thôn mới về chỉ tiêu sử dụng nước sạch, ngoại trừ 2 xã An Thạnh Trung và Hoà Bình. Tỷ lệ cấp nước cao nhất là ở xã Long Điền A đạt 97,46%, thấp nhất là ở xã An Thạnh Trung 80,81%.
Tỷ lệ cấp nước qua các năm được tăng dần, đến năm 2022 tất cả các xã đều đạt tỷ lệ trên 90%. Tỷ lệ cao nhất là ở xã Long Điền A đạt 100%, thấp nhất là ở xã An Thạnh Trung 90,50%. Tất cả các xã đều đạt tiêu chí nông thôn mới về chỉ tiêu sử dụng nước sạch.
Chất lượng nước cấp của các trạm cấp nước
Theo TT 15/2006/TT-BYT, các trạm cấp nước phải được lấy mẫu kiểm tra chất lượng nước định kỳ ít nhất 1 lần/năm, thời gian lấy mẫu phụ thuộc vào lần kiểm tra trước đó và trong thời điểm trạm đang tiến hành cấp nước bình thường.
Kết quả phân tích các thông số được so sánh với QCVN 01-1:2018/BYT, các chỉ số: pH dao động trong khoảng (6,7 - 7,17), Clo dư (0.2 - 0.96), độ cứng (81 - 94,5mg/l), Cl- (46 - 49.6mg/l), pemanganat, chỉ tiêu màu, mùi vị, Coliforms, E.coli, Fe, Florua, độ đục, amoni của các trạm cấp nước đa số đều nằm trong giới hạn cho phép so với QCVN. Tuy nhiên, độ đục ở trạm cấp nước Hoà Bình vượt ngưỡng cho phép (2.15 NTU ), trong nước cao có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của người sử dụng. Ngoài ra, nước có độ đục cao làm giảm hiệu xuất xử lý, đặc biệt là ở công đoạn lọc và khử trùng nước, trạm cấp nước Hội An có hàm lượng vượt ngưỡng cho phép (0,32 mg/l).
Hiện trạng về nhu cầu sử dụng nước sạch của các hộ dân
Theo số liệu phỏng vấn 48 hộ dân: Có 80% người dân không nắm bắt được các thông tin về hiện trạng cấp nước cũng như về đơn vị cấp nước, 20% số người dân còn lại có nắm được thông tin về trạm cấp nước cũng như về hiện trạng cấp ở các tuyến trên đại bàn. Đối với nhu cầu sử dụng nước cấp, kết quả phỏng vấn có 58 hộ dân có chiếm 96.67% hộ dân có nhu cầu sử dụng và có chiếm 3,33% người dân không có nhu cầu sử dụng:
Về nhu cầu sử dụng nguồn nước, các hộ dân cho rằng nước sông Chưng Đùn không bảo đảm an toàn do các yếu tố ảnh hưởng từ hoạt động nông nghiệp, hoạt động xả thải từ sinh hoạt,... Khi sử dụng nước sông, người dân cũng chỉ xử lý sơ bộ, gây khó khăn khi giặt giũ, vệ sinh hằng ngày.
Về mục đích sử dụng, các hộ dân có nhu cầu sử dụng nước cấp chỉ dành cho sinh hoạt, không dùng cho hoạt động nông nghiệp (tưới tiêu, chăn nuôi,...).
Về giá thành, hầu hết các hộ dân đồng ý với giá thành theo quy định giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh An Giang.
Với số hộ không có nhu cầu sử dụng nước cấp, nguyên nhân là do hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện lắp đặt đồng hồ nước, chi phí còn hạn chế,...
Kết luận
Có 26 công trình cấp nước tại 16 xã trên địa bàn huyện, với quy mô công suất khác nhau. Tỷ lệ cấp nước cho các hộ dân tăng dần từ năm 2018 đến 2022. Đến cuối năm 2022 đã cung cấp nước sạch 95,36% số hộ dân, đạt tiêu chí nông thôn mới về chỉ tiêu sử dụng nước sạch.
Chất lượng nước cấp của các trạm cấp nước trên địa bàn trong năm 2022, hầu hết các chỉ tiêu là nằm trong QCVN 01-1:2018/BYT.
Có 96,67% hộ là có nhu cầu sử dụng nước sạch, các hộ dân này cho rằng nước sông Chưng Đùn không bảo đảm an toàn do các yếu tố ảnh hưởng từ hoạt động nông nghiệp, hoạt động xả thải từ sinh hoạt... Hầu hết các hộ dân đồng ý với giá thành theo quy định giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh An Giang.
Định hướng trong thời gian tới, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn An Giang đã có quy hoạch phát triển các công trình nước sạch nông thôn, trong đó có ưu tiên đầu tư thệ thống ống phân phối tuyến An Khánh - An Bình - An Tịnh, tuyến An Phú - An Hưng cho các hộ có nhu cầu sử dụng nước cấp cũng như nhằm mục tiêu đạt tiêu chí xã nông thôn mới.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Tài chính, (2013), Quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung;
2. Bộ Y Tế, (2018), QCVN 01:1/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt;
3. Bộ Y Tế, (2006), Số 15/2006/TT-BYT Thông tư hướng dẫn việc kiểm tra vệ sinh nước sạch, nước ăn uống và nhà tiêu hộ gia đình;
4. Bùi Hữu Hạnh, (2006), Giáo trình hệ thống cấp nước. Nhà xuất bản Đại học Thuỷ Lợi;
5. Cục thống kê tỉnh An Giang, (2018), Niên giám thống kê tỉnh An Giang;
6. Cục thống kê tỉnh An Giang (2019), Tổng kết và công bố kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở An Giang;
7. Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, (2021). Báo cáo Kết quả cập nhật Bộ chỉ số theo dõi - Đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn;
8. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, (2017), Quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch cấp nước sạch nông thôn tỉnh An Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trong điều kiện biến đổi khí hậu;
9. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, (2022), Quyết định về việc quy định giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh An Giang.
ThS. NGUYỄN VĂN TUẤN
Trường Đại học An Giang - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 8 năm 2024