Đánh giá các nghiên cứu về hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất
07/12/2024TN&MTLũ quét và sạt lở đất là hai loại hình thiên tai rất nguy hiểm thường để lại hậu quả nặng nề về người và của. Việc dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất hiện vẫn là bài toán khó đối với khoa học dự báo Khí tượng Thuỷ văn không chỉ trong nước mà cả trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sớm hoàn thiện hệ thống bản đồ cảnh báo quốc gia để nâng cao năng lực ứng phó, phòng chống sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế-xã hội
Hiện nay, thiên tai, biến đổi khí hậu ngày một khốc liệt, nhiều hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất trên thế giới đã được xây dựng. Các hệ thống nhìn chung đều có các chức năng: Thu thập dữ liệu, phân tích, giám sát dữ liệu, thiết lập các ngưỡng cảnh báo và thực hiện các quyết định cảnh báo, truyền tin cảnh báo. Tuy nhiên, việc tiếp nhận các thông tin hiện trạng lũ quét, sạt lở đất từ người sử dụng hầu như không có. Các thông tin chỉ diễn ra một chiều, cảnh báo từ hệ thống, từ các cơ quan chuyên môn, quản lý tới người dùng.
Bài toán cảnh báo lũ quét gắn liền với việc xác định các ngưỡng giới hạn về mưa, dòng chảy hình thành hiện tượng thiên tai này. Hiện nay, theo nhiều hướng tiếp cận nghiên cứu khác nhau, nhiều nhà khoa học đã đưa ra các phương pháp khác nhau để tính toán các ngưỡng này. Nguồn dữ liệu quan trắc đầy đủ tại các cửa ra của các tiểu lưu vực nhỏ (trung bình 20 km2) hầu như không có, hoặc rất ít, phổ biến chỉ có dữ liệu quan trắc lưu lượng trên các dòng chính, nhánh phụ lưu với diện tích lớn hơn nhiều lần. Ngoài ra, để kiểm định ngưỡng mưa sinh lũ quét, ngưỡng lưu lưu lượng tràn bờ có độ tin cậy cao cần có nhiều dữ liệu chi tiết về mưa, thời gian xảy ra sự kiện lũ quét, dòng chảy... Hiện nay, nguồn dữ liệu này chưa có nhiều, chưa được lưu trữ một cách đầy đủ. Do đó, việc tính toán và áp dụng thử nghiệm các ngưỡng mưa sinh lũ quét còn có những khoảng trống chưa hoàn toàn có thể phản ánh được hết mức độ, ngưỡng nguy cơ lũ quét của lưu vực.
Ảnh minh hoạ
Ở nước ta, hệ thống quan trắc các trạm mưa tự ghi không đủ dày (đặc biệt thiếu trạm đo tại các vùng có nguy cơ lũ quét cao). Hầu hết các kết quả nghiên cứu trong các dự án, đề án, đề tài vẫn đang được triển khai độc lập, tính kế thừa kết quả, cơ sở thông tin, dữ liệu giữa các nhiệm vụ còn rất hạn chế, đặc biệt việc thúc đẩy và triển khai các thỏa thuận chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan liên quan chủ chốt tại Việt Nam còn nhiều bất cập. Về cơ bản, hệ thống cơ sở dữ liệu chưa đáp ứng được yêu cầu cảnh báo, dự báo thiên tai lũ quét, sạt lở đất. Gần đây nhất, hệ thống định hướng cảnh báo lũ quét FFG trong Dự án Hệ thống cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á (SEAFFGS) đã được Tổ chức Khí tượng Thế giới chuyển giao sử dụng trong công tác cảnh báo lũ quét, sạt lở đất có tích hợp nhiều nguồn dữ liệu địa phương. Trong điều kiện số liệu quan trắc còn hạn chế, các phương pháp đơn giản như phương pháp tính ngưỡng mưa định hướng sinh lũ quét và ngưỡng lưu lượng tràn bờ trong hệ thống định hướng sinh lũ quét FFGS, dễ sử dụng vẫn là ưu tiên trong việc lựa chọn ứng dụng trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, cộng đồng tiếp nhận các thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất từ các cấp quản lý (từ Trung ương tới đại phương) theo quy định và qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tại các vùng xa xôi hẻo lánh, cộng đồng thường hạn chế công nghệ thông tin, họ tiếp nhận thông tin trực tiếp từ trưởng thôn, trưởng bản,…
Trong những năm gần đây, hình thức truyền tin cảnh báo khá đa dạng sử dụng công nghệ kỹ thuật công nghệ thông tin hiện đại qua internet: các trang thông tin điện từ, email, mạng xã hội. Tuy nhiên, các kênh thông tin chính thức để tiếp nhận các phản hồi của cộng đồng, của các cơ quan về thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất còn rất ít. Bên cạnh đó, trên thực tế hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới việc cung cấp thông tin từ người dân, các phản hồi chia sẻ là chưa có. Việc cung cấp thông tin về lũ quét, sạt lở đất chủ yếu thực hiện nhỏ lẻ, tự phát trên nhiều kênh thông tin, mạng xã hội và được thu thập bởi các kênh truyền thông, cơ quan chính quyền địa phương.
Các thông tin chủ yếu được phản hồi thông qua mạng xã hội như Facebook, zalo, không mang tính chất chính thức và còn chưa được kiểm chứng. Độ chính xác của các thông tin còn chưa hoàn toàn chính xác, và chưa có đơn vị chịu trách nhiệm trong việc giám định các thông tin này. Các thông tin hầu hết chưa được đưa đến cho các cơ quan đơn vị quản lý, các cơ quan làm công tác cảnh báo lũ quét, sạt lở đất hoặc chỉ đưa đến sau khi sự kiện đã xảy ra. Do đó, trên cở sở kế thừa phương pháp nghiên cứu và phát triển nhằmphù hợp, tiện ích hơn trong công tác cảnh báo lũ quét và sạt lở đất, việc nghiên cứu thiết lập hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất có sự kết nối với cộng đồng là cần thiết.
Minh Huyền