Đắk Nông: Công an huyện Cư Jút tổ chức tọa đàm hỗ trợ người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng
27/09/2024TN&MTVới mong muốn tháo gỡ khó khăn, tạo "điểm tựa" cho người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng, vượt qua mặc cảm, tích cực lao động sản xuất, góp phần ổn định kinh tế gia đình và có ích cho xã hội, Công an huyện Cư Jút (Đắk Nông) đã tổ chức buổi tọa đàm, đối thoại với các cá nhân đã chấp hành xong án phạt tù.
Sáng ngày 26/9/2024, tại hội trường Công an huyện Cư Jút, đã diễn ra buổi gặp mặt, đối thoại nhằm tháo gỡ những khó khăn trong công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với những người hoàn lương. Tham dự buổi lễ có Thượng tá Nguyễn Trung Hữu, Trưởng Công an huyện Cư Jút; đồng chí Hoàng Văn Hùng, Phó Trưởng Công an huyện phụ trách công tác thi hành án hình sự, tái hòa nhập cộng đồng; bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách huyện; ông Nguyễn Hữu Ánh, đại diện Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội; ông Cao Văn Lạc, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên, cùng một số lãnh đạo các phòng, ban khác.
Đồng chí Thượng tá Nguyễn Trung Hữu, Trưởng Công an huyện Cư Jút, phát biểu khai mạc tại buổi lễ
Phát biểu khai mạc, Thượng tá Nguyễn Trung Hữu đánh giá cao ý thức rèn luyện của các công dân trong quá trình chấp hành án và khao khát sửa chữa lỗi lầm, mong muốn tái hòa nhập cộng đồng.
Tại buổi tọa đảm, Thượng tá Nguyễn Trung Hữu nhấn mạnh, những người hoàn lương không chỉ là những cá nhân tích cực trong cuộc sống mà còn có thể trở thành "những mắt xích" đồng hành với Công an huyện trong việc nhận biết và đẩy lùi các loại tội phạm trên địa bàn.
Để hỗ trợ những người tái hòa nhập gặp khó khăn về việc làm, Thượng tá Nguyễn Trung Hữu đã từng trực tiếp bảo lãnh và giới thiệu các doanh nghiệp tuyển dụng, phối hợp với Ngân hàng Chính sách giúp họ tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đồng thời tư vấn, giám sát động viên các công dân này đẩy lùi các rào cản mặc cảm trong cuộc sống.
Một số hình ảnh tại buổi đối thoại
Tại buổi đối thoại, lãnh đạo cán bộ các ban, ngành đã lắng nghe tâm tư nguyện vọng của những người đã chấp hành án xong. Đa số các công dân khi hoàn lương đều gặp khó khăn khi tìm việc làm cũng như muốn làm kinh tế nhưng không tiếp cận được nguồn vốn.
Rất nhiều ý kiến mong muốn nhà nước tạo điều kiện giúp đỡ những công dân này để có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Anh Hà Văn Khánh, xã Nam Dong, chia sẻ sau khi chấp hành xong án vào năm 2023, anh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và mong muốn được vay 100 triệu đồng để mở xưởng sản xuất đồ nhựa, vừa phục vụ nhu cầu địa phương, vừa tạo thu nhập cho gia đình.
Anh Phạm Văn Tuân, xã Ea Pô, nhờ sự hỗ trợ từ Công an huyện và Ngân hàng Chính sách, đã vay vốn để trồng cà phê, tiêu, sầu riêng, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Nhiều người khác cũng bày tỏ nguyện vọng tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế và tái hòa nhập cuộc sống.
Đồng chí Hoàng Văn Hùng, Phó Trưởng Công an huyện Cư Jút, điều hành đối thoại
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Trung Hữu, hiện nay huyện đang có mô hình tạo công ăn việc làm cho khoảng 200 người là dân tộc thiểu số và những người đã chấp hành án xong với mức lương từ 7 đến 15 triệu đồng mỗi tháng, thậm chí có người 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, Thượng tá Nguyễn Trung Hữu đã ân cần chia sẻ, hướng dẫn người dân về các thủ tục với phòng lao động thương binh xã hội để được làm việc và ghi nhận nhiều ý kiến, hoàn cảnh khó khăn của những người sau khi chấp hành án.
Đồng chí Hoàng Văn Hùng cho biết, Công an huyện đã ghi nhận 28 ý kiến, trong đó 23 ý kiến mong muốn tiếp cận nguồn vốn và 5 ý kiến xin được đào tạo nghề. Công an huyện sẽ phối hợp với các ban, ngành liên quan để giải quyết nguyện vọng của người dân, đảm bảo quyền lợi và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư Jút chia sẻ
Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội đã chia sẻ các chính sách hỗ trợ cho người hoàn lương, bao gồm các khoản vay tối đa 100 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh. Bà cũng cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Công an và chính quyền địa phương để tư vấn và hỗ trợ người hoàn lương tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Người chấp hành xong án phạt tù bao gồm: Người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù quy định tại Luật Thi hành án hình sự và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá.
Đối với vay vốn để đào tạo nghề: mức vốn cho vay tối đa là 04 triệu đồng/tháng đối với người đã chấp hành án phạt tù. Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm: Mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng một người và tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ. Người chấp hành xong án phạt tù vay vốn để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.
Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm: Thời hạn cho vay tối đa 120 tháng. Thời hạn cho vay cụ thể do ngân hàng chính sách xã hội nơi cho vay xem xét, quyết định trên cơ sở căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của người đứng tên vay vốn/cơ sở sản xuất kinh doanh để thỏa thuận. Phối hợp Công an địa phương xem xét hướng dẫn người chấp hành xong án phạt tù đăng ký thủ tục đúng quy định Pháp luật.
Ông Nguyễn Hữu Ánh, đại diện Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, phát biểu tại buổi lễ
Ông Nguyễn Hữu Ánh, đại diện Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, việc hàng năm Công an huyện Cư Jút tổ chức gặp mặt đối thoại với các trường hợp đã chấp hành xong án phạt tù là hoạt động rất nhân văn và có ý nghĩa. Thực hiện chính sách của Đảng, hàng năm tỉnh Đắk Nông, huyện Cư Jút đều ban hành kế hoạch, chủ trương nhằm mục đích hỗ trợ cho vay vốn đối với các trường hợp đã chấp hành xong án phạt tù. Ông Nguyễn Hữu Ánh cũng động viên người hoàn lương vượt qua mặc cảm, ổn định cuộc sống và khuyến khích họ thực hiện đúng các quy định của pháp luật để hưởng các chính sách hỗ trợ.
Tập thể lãnh đạo, cán bộ Công an huyện Cư Jút tặng quà động viên các thành viên tái hoà nhập cộng đồng
Kết thúc buổi tọa đàm, Thượng tá Nguyễn Trung Hữu đánh giá cao chất lượng buổi đối thoại và khẳng định Công an huyện sẽ tiếp tục đồng hành cùng chính quyền và người dân trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt là phòng, chống tội phạm ma túy. Đồng thời, kêu gọi những người hoàn lương hợp tác với lực lượng công an trong việc xây dựng huyện Cư Jút an toàn, lành mạnh.
Mô hình chăn nuôi của anh Lương Thế Vũ
Phóng viên cùng đoàn Công an xã Ea Pô, do đồng chí Trung tá Trịnh Minh Đức, Trưởng Công an xã dẫn đầu, tham quan mô hình chăn nuôi heo nái của anh Lương Thế Vũ tại thôn 3 tầng, xã Ea Pô. Anh Vũ chia sẻ, sau khi tái hòa nhập cộng đồng, anh gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng mạnh dạn đầu tư chăn nuôi heo giống. Nhờ sự động viên của gia đình và chính quyền, công việc của anh đã dần ổn định. Được biết, nhà nước có chính sách đãi ngộ cho những người tái hòa nhập cộng đồng, anh mong muốn được vay 100 triệu đồng để mở rộng mô hình chăn nuôi và đầu tư vào mô hình xử lý chất thải từ chăn nuôi nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và hướng đến là tình nguyện viên làm kinh tế giỏi, vận động mọi người xung quanh bảo vệ và gìn giữ môi trường.
Hồng Hải