Đà Nẵng: Tăng cường hợp tác quốc tế xây dựng thành phố môi trường
26/07/2022TN&MTNhằm triển khai hiệu quả Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, thời gian qua, Thành phố Đà Nẵng đã tăng cường huy động nguồn lực từ các dự án hợp tác quốc tế về lĩnh vực môi trường để hỗ trợ các địa phương, hội, đoàn thể thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường và đạt được một số kết quả nổi bật.
Hợp tác quốc tế về môi trường là một trong những nội dung QLNN về BVMT được đề cập trong các điều Luật BVMT năm 2020 và là giải pháp quan trọng trong các chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia về môi trường. Có thể nói, Đà Nẵng là một trong những địa phương đang thu hút rất nhiều dự án hợp tác quốc tế về môi trường nhờ vào tầm nhìn và đinh hướng của thành phố trong việc phấn đấu trở thành “Thành phố môi trường” hướng đến “Đô thị sinh thái”.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, các chương trình, kế hoạch của Bộ TN&MT cũng như của TP. Đà Nằng về chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; thời gian qua, hoạt động hợp tác quốc tế về môi trường được thành phố đặc biệt chú trọng, đẩy mạnh; qua đó, đã huy động được nguồn lực từ dự án hợp tác quốc tế để hỗ trợ các địa phương, hội, đoàn thể thúc đẩy các hoạt động trong công tác BVMT và triển khai đề án “Xây dựng Đà Nằng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030.
Số lượng các tổ chức đã viện trợ và đang đề xuất viện trợ cho Đà Nẵng trong giai đoạn 2021 - 2024 là hơn 10 tổ chức với hơn 13 chương trình, dự án, hoạt động viện trợ, gồm: Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR); Chương trình “Thành phố Sạch - Đại dương Xanh” (CCBO); Tổ chức WINROCK Việt Nam; Trung tâm Bảo tồn Sinh vật Biển và Phát triển cộng đồng (MCD); Trung tâm Học tập Vì môi trường và Cộng đồng (Live&Learn); Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (Green Hub),... Trong đó, điển hình là thành phố đã xúc tiến 9 dự án hợp tác quốc tế hỗ trợ Đà Nằng về quản lý chất thải rắn, phân loại rác tại nguồn, quản lý rác thải nhựa,... với tổng kinh phí hơn 70 tỷ đồng. Đây là con số nói lên sự quan tâm của các tổ chức quốc tế đối với công tác quản lý chất thải rắn nói riêng và công tác BVMT của Đà Nẵng nói chung.
Có thể kể đến một số tổ chức quốc tế nổi bật, đóng góp tích cực cho thành phố như Tổ chức iDE (phi chính phủ) tại Việt Nam quyết định tài trợ dự án “Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn bền vững cho rác thải nhựa tại Việt Nam” và đề nghị thành phố phối hợp triển khai thực hiện dự án có kinh phí 10 triệu krone (Đan Mạch) tương đương 37,86 tỷ đồng, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA) tài trợ vào cuối tháng 12/2021. Mục tiêu của dự án tăng 25% lợi nhuận cho các thành phần kinh tế tham gia hệ sinh thái rác thải nhựa; thu gom, xử lý và tiêu thụ 3.500 tấn rác thải nhựa; nâng tỷ lệ thu hồi nhựa từ các loại rác thải nhựa lên 35%, đầu tư vào nền kinh tế rác thải nhựa tại thành phố khoảng 3 triệu Krone (khoảng 11.3 tỷ đồng). Với những mục tiêu và hoạt động nêu trên, dự án sẽ có đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thành công Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030.
Trước đó, tháng 11/2021, UBND thành phố đã phê duyệt tiếp nhận dự án “Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải (3R) tại TP. Đà Nẵng trong khuôn khổ chương trình hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm quản lý chất thải rắn đô thị của thành phố Yokohama (Nhật Bản) đến năm 2024” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ với tổng kinh phí 15,63 tỷ đồng.
Hiện nay, thành phố đang triển khai dự án “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước” và dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ; dự án “Xây dựng mô hình thí điểm về quản lý rác thải tổng hợp nhằm giảm lượng rác thải phát sinh và tối ưu hoạt động phân loại, tái chế tại nguồn trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang” với tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ,...
Ngoài ra, TP. Đà Nẵng còn nhận được sự quan tâm, mời gọi của các mạng lưới khu vực, toàn cầu như mạng lưới “Thỏa thuận toàn cầu của các thị trưởng trong lĩnh vực khí hậu và năng lượng” (GCoM) do Liên minh châu Âu tài trợ trong giai đoạn 2021 - 2023. Hiện nay, thành phố đã ký cam kết tham gia mạng lưới GCoM. Việc tham gia vào mạng lưới này sẽ tạo điều kiện để Đà Nẵng kết nối với các nguồn lực khác nhau nhằm thực hiện kế hoạch hành động BĐKH, thu hút nhiều dự án mới về thích ứng BĐKH, giúp tăng thêm nguồn lực BVMT cho thành phố. Bên cạnh đó, thành phố còn nhận được nhiều sự hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu, các chuyên gia kỹ thuật hàng đầu từ các tổ chức, đối tác trong và ngoài nước về lĩnh vực môi trường.
Có thể thấy, các dự án hợp tác quốc tế đã hỗ trợ nguồn lực rất lớn cho TP. Đà Nẵng cả về kinh phí lẫn kỹ thuật, kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu về công tác BVMT như quản lý chất thải rắn, cải thiện chất lượng môi trường, kiểm soát ô nhiễm, xử lý ô nhiễm hóa chất tồn lưu, quan trắc môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó BĐKH. Đặc biệt, những dự án mới mà UBND thành phố phê duyệt được xem như khép kín chu trình, hoàn thiện công đoạn mà thành phố đang thiếu, trong đó, có việc huy động các doanh nghiệp tham gia tiêu thụ, tái chế các loại rác tái chế, nhất là rác thải nhựa để thúc đẩy công tác BVMT phát triển sâu rộng, nhằm triển khai hiệu quả Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030.
VÕ NGUYÊN CHƯƠNG
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng