Cục Viễn thám quốc gia: Hoàn thành xây dựng các thông tư chuyên ngành viễn thám
29/11/2024TN&MTThực hiện Chương trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Viễn thám quốc gia được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng dự thảo Thông tư “Quy định kỹ thuật thành lập bản đồ chuyên đề bằng công nghệ viễn thám” và Thông tư quy định kỹ thuật vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia. Đến nay, Cục đã hoàn thiện Dự thảo Thông tư và đang gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo dự thảo, Thông tư quy định kỹ thuật thành lập bản đồ chuyên đề bằng công nghệ viễn thám gồm 4 chương, 34 điều quy định kỹ thuật thành lập bản đồ chuyên đề các tỷ lệ sử dụng dữ liệu viễn thám quang học và Radar.
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, vận hành, duy trì, tích hợp dữ liệu và bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình vận hành, kết nối, chia sẻ CSDL viễn thám quốc gia.
Theo dự thảo Thông tư, Dữ liệu viễn thám quang học là thông tin, hình ảnh đối tượng địa lý được thu nhận từ vệ tinh viễn thám sử dụng bước sóng từ 0,4 - 15 µm.
Dữ liệu viễn thám Radar là thông tin, hình ảnh đối tượng địa lý được thu nhận từ vệ tinh viễn thám sử dụng sóng siêu cao tần có bước sóng từ 1 mm - 1 m.
Dữ liệu Radar SLCs (Single Look Complex) là dữ liệu Radar dạng phức một góc nhìn, bao gồm dữ liệu pha và biên độ của tín hiệu tán xạ ngược, phản xạ từ đối tượng trên bề mặt đất.
Dữ liệu GRD (Ground Range Detected) là dữ liệu biên độ tín hiệu phản hồi theo phạm vi mặt đất; được tập trung các tán xạ ngược, phản xạ trong không gian của đối tượng vào phạm vi của điểm ảnh; giảm nhiễu bằng phương pháp đa góc nhìn; tọa độ điểm ảnh được chiếu lên hệ tọa độ ê-líp-xô-ít trái đất và giá trị pha của tín hiệu phản hồi đã bị loại bỏ.
Thành lập bản đồ chuyên đề bằng công nghệ viễn thám
Nội dung bản đồ chuyên đề được quy định theo thiết kế kỹ thuật, bao gồm các lớp dữ liệu nền và lớp dữ liệu chuyên đề. Trong đó, các lớp dữ liệu nền được biên tập từ CSDL nền địa lý quốc gia hoặc bản đồ địa hình quốc gia cùng tỷ lệ hoặc lớn hơn; hoặc cập nhật, bổ sung bằng dữ liệu viễn thám được thu nhận mới nhất tại thời điểm thành lập. Các lớp dữ liệu chuyên đề được thành lập chủ yếu từ dữ liệu viễn thám theo yêu cầu nội dung chuyên đề.
Về quy định kỹ thuật thành lập bản đồ chuyên đề sử dụng dữ liệu viễn thám quang học, các nội dung công việc gồm: Công tác chuẩn bị, biên tập khoa học, thành lập bình đồ ảnh viễn thám quang học, xây dựng dữ liệu nền, đo phổ/lấy mẫu phổ, chiết xuất nội dung chuyên đề từ dữ liệu viễn thám quang học, điều tra bổ sung ngoại nghiệp, chuẩn hóa dữ liệu, tích hợp, phân tích, xử lý tổng hợp dữ liệu, xây dựng CSDL chuyên đề, biên tập, trình bày bản đồ chuyên đề, xây dựng báo cáo và phục vụ giao nộp sản phẩm.
Đối với quy định kỹ thuật thành lập bản đồ chuyên đề sử dụng dữ liệu viễn thám radar, các nội dung công việc gồm: Công tác chuẩn bị, biên tập khoa học, xử lý dữ liệu viễn thám Radar, xây dựng dữ liệu nền, chiết xuất nội dung chuyên đề từ dữ liệu viễn thám Radar, điều tra bổ sung ngoại nghiệp, chuẩn hóa dữ liệu, tích hợp, phân tích, xử lý tổng hợp dữ liệu, xây dựng CSDL chuyên đề, biên tập, trình bày bản đồ chuyên đề, xây dựng báo cáo và phục vụ giao nộp sản phẩm.
Dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia
Bên cạnh Thông tư Quy định kỹ thuật thành lập bản đồ chuyên đề bằng công nghệ viễn thám, Cục Viễn thám quốc gia đã hoàn thiện việc xây dựng dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật vận hành hệ thống CSDL viễn thám quốc gia và hiện nay đang được gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo dự thảo, Thông tư quy định kỹ thuật vận hành hệ thống CSDL viễn thám quốc gia, bao gồm việc quản lý, vận hành, duy trì, tích hợp dữ liệu và bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình vận hành, kết nối, chia sẻ CSDL viễn thám quốc gia. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, vận hành, duy trì, tích hợp dữ liệu và bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình vận hành, kết nối, chia sẻ CSDL viễn thám quốc gia.
Theo quy định, CSDL viễn thám quốc gia gồm 2 (hai) CSDL thành phần là CSDL siêu dữ liệu viễn thám quốc gia và CSDL ảnh viễn thám quốc gia.
Hệ thống CSDL viễn thám quốc gia là hệ thống bao gồm các thành phần: Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; CSDL viễn thám quốc gia; phần mềm ứng dụng; chính sách và quy định quản lý, cập nhật, vận hành, khai thác sử dụng hệ thống CSDL viễn thám quốc gia.
Đối với quy định kỹ thuật vận hành, duy trì, tích hợp hệ thống CSDL viễn thám quốc gia, việc vận hành hệ thống CSDL viễn thám quốc gia là công tác kiểm tra giám sát, ghi nhận sự cố, sao lưu phục hồi hệ thống thiết bị, phần mềm và CSDL để đàm bảo đáp ứng yêu cầu truy cập và sử dụng thông tin dữ liệu của CSDL viễn thám quốc gia.
Việc tích hợp dữ liệu viễn thám quốc gia là quá trình đồng bộ các dữ liệu đã được cập nhật vào CSDL viễn thám quốc gia dựa trên các kết quả giao nộp từ các cơ quan tổ chức về cơ quan quản lý CSDL viễn thám quốc gia.
Nội dung duy trì CSDL viễn thám quốc gia là tổ chức kiểm tra, đánh giá, duy trì dữ liệu trong CSDL viễn thám quốc gia; duy trì hoạt động, vận hành hệ thống thông tin CSDL quốc gia phục vụ hoạt động cập nhật, khai thác và sử dụng CSDL viễn thám quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng. Việc duy trì CSDL viễn thám quốc gia được thực hiện định kỳ trước ngày 30 của tháng cuối cùng hàng quý. Nội dung kiểm tra, đánh giá dữ liệu viễn thám bao gồm: Kiểm kê các hạng mục nội dung dữ liệu viễn thám; đánh giá sự tuân thủ các quy định của dữ liệu viễn thám; đánh giá dữ liệu; Sao lưu định kỳ CSDL viễn thám quốc gia.
Vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia
Cơ sở dữ liệu, siêu dữ liệu viễn thám quốc gia được kết nối, chia sẻ liên tục thông qua môi trường mạng internet theo hình thức mặc định và không hạn chế với người dùng.
Danh mục dữ liệu được chia sẻ là dữ liệu ảnh viễn thám, sản phẩm ảnh viễn thám trong CSDL viễn thám quốc gia được thực hiện khi các cơ quan, đơn vị có nhu cầu sử dụng dữ liệu viễn thám quốc gia gửi yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc gửi văn bản qua đường bưu điện với đơn vị chủ quản.
Dự thảo Thông tư cũng quy định trách nhiệm quản lý, vận hành hệ thống CSDL viễn thám quốc gia. Theo đó, cơ quan quản lý, vận hành hệ thống CSDL viễn thám quốc gia có trách nhiệm chủ trì xây dựng, vận hành hệ thống CSDL viễn thám quốc gia, cập nhật dữ liệu thuộc phạm vi quản lý vào CSDL viễn thám quốc gia và bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định, thông suốt đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật,...
Đơn vị vận hành hệ thống CSDL viễn thám quốc gia có trách nhiệm vận hành hạ tầng kỹ thuật, phần cứng, phần mềm, nền tảng, ứng dụng, hệ thống mạng để bảo đảm duy trì hoạt động bình thường của hệ thống CSDL viễn thám quốc gia phục vụ thu thập, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng CSDL viễn thám quốc gia; thực hiện trách nhiệm của đơn vị vận hành hệ thống theo quy định về bảo đảm an toàn hệ thống; trình cấp thẩm quyền bố trí kinh phí thường xuyên cho hoạt động thu thập thông tin, cập nhật, vận hành, duy trì hệ thống CSDL viễn thám quốc gia. Đồng thời, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong CSDLviễn thám quốc gia với các CSDL chuyên ngành, CSDL dùng chung thuộc phạm vi quản lý với CSDL quốc gia về TN&MT.
QUANG MINH
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 18 (Kỳ 2 tháng 9) năm 2024