Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường tổ chức Cuộc họp kỹ thuật: Góp ý cho Đề án giám sát kháng thuốc trong môi trường
04/12/2024TN&MTThực hiện Quyết định số 1121/QĐ-TTg, trên cơ sở được giao đầu mối tham mưu xây dựng Đề án giám sát kháng thuốc trong môi trường, được sự hỗ trợ nguồn lực hỗ trợ từ Fleming Fund, Tổ chức FHI 360 và các chuyên gia, nhà khoa học, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường tổ chức Cuộc họp kỹ thuật góp ý (lần đầu) cho Dự thảo Đề án giám sát kháng thuốc trong môi trường.
Bà Nguyễn Hoàng Ánh phát biểu tại Cuộc họp
Ngày 04/12/2024 tại Hà Nội, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Cuộc họp kỹ thuật góp ý cho Đề án giám sát kháng thuốc trong môi trường”. Được sự Uỷ quyền của Lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT), Bà Nguyễn Hoàng Ánh, Quyền Trưởng phòng Phòng Quản lý chất lượng môi trường chủ trì Cuộc họp. Đến dự và cùng tham gia góp ý có ông Nguyễn Hữu Thắng, PGĐ Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc; PGS.TS. Nguyễn Thị Hà, Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội); ông Nguyễn Quốc Cường - Trưởng Nhóm kỹ thuât, Dự án Fleming, FHI 360; cùng các các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đến từ ĐH Melbourne, đại diện của AMROH SEA, Quỹ Fleming; Tổ chức The One Health Partnership (OHP) và một số chuyên gia tư vấn, hỗ trợ xây dựng Đề án.
Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã xếp kháng thuốc vào danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Tình trạng kháng thuốc không chỉ ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực sức khỏe mà còn tác động sâu rộng tới toàn xã hội, vượt qua ranh giới của bất kỳ quốc gia nào.
Tại cuộc họp, Bà Nguyễn Hoàng Ánh đã cảm ơn tất cả các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đã đồng hành, hỗ trợ các Bộ, ngành tại Việt Nam trong việc nỗ lực đưa ra những khuyến nghị về kháng thuốc. Hội thảo hôm nay như một cuộc họp ở phạm vi nhỏ, nhưng đây là sự khởi đầu tốt đẹp, tại cuộc họp này chúng ta sẽ cùng nhau đưa ra những vấn đề cơ bản của Đề án, cùng nhau đồng hành để đưa ra những chỉ số kháng thuốc và đánh giá cho giai đoạn 5 năm tiếp theo.
"Nâng cao năng lực phải bắt đầu từ nhận thức, sau đó đến trang bị kiến thức, hành động và có sự liên kết. Những bước này đã được đưa vào Đề án của Bộ TN&MT"- Bà Nguyễn Hoàng Ánh cho biết!
Trong nhiều thập kỷ qua, việc lạm dụng và sử dụng không hợp lý, thiếu kiểm soát kháng sinh trong y tế, nông nghiệp, và chăn nuôi đã tạo ra áp lực chọn lọc làm gia tăng sự phát triển và lan truyền của các vi khuẩn kháng thuốc. Kháng kháng sinh, kháng thuốc (AMR) đã và đang là một trong những mối đe dọa toàn cầu lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng, an ninh y tế, và sự phát triển bền vững, trong đó có Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hà, Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại Cuộc họp
Những tác động của kháng thuốc đã cho thấy thể hiện rủi ro đa chiều, không chỉ là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng mà còn đe doạ sự phát triển bền vững của đất nước. AMR không chỉ giới hạn trong hệ thống y tế, nông nghiệp mà còn là vấn đề liên ngành, trong đó môi trường ngày càng được nhận ra có vai trò quan trọng trong việc phát tán, lưu trữ và tái lan truyền vi khuẩn kháng thuốc. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, vấn đề AMR trong môi trường vẫn chưa được chú trọng đúng mức và thiếu các chiến lược cụ thể để giải quyết. Vì vậy, ngày 25/09/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1121/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh cách tiếp cận Một sức khỏe và tầm quan trọng của việc sử dụng kháng sinh hợp lý và có trách nhiệm ở người, động vật, thực vật và môi trường. Chiến lược này phù hợp với cách tiếp cận "Một sức khỏe" trên phạm vi toàn cầu, tập trung vào sức khỏe con người, sức khỏe động vật và quản lý môi trường để hạn chế quá trình lây lan của vi khuẩn kháng thuốc.
Đại diện nhóm chuyên gia, nhà khoa học trong nước tham gia góp ý tại cuộc họp
Chiến lược đặt ra bốn mục tiêu cụ thể: (1) Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và hiểu biết của nhân viên y tế, thú y và người dân về phòng, chống kháng thuốc; (2) Củng cố hệ thống giám sát kháng thuốc để cảnh báo kịp thời về sự xuất hiện, lan truyền, mức độ và xu hướng kháng thuốc của các vi sinh vật; (3) Giảm sự lan truyền của vi sinh vật và bệnh truyền nhiễm; (4) Sử dụng thuốc kháng vi sinh vật ở người và động vật hợp lý, an toàn và có trách nhiệm. Tại Chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ đã giao rõ trách nhiệm cho 03 Bộ (Y tế, NN&PTNT và Bộ TN&MT), phải xây dựng các đề án trọng điểm, trong đó, Bộ TN&MT “xây dựng và triển khai Đề án giám sát kháng thuốc trong môi trường giai đoạn 2024-2030”.
Các Giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đến từ ĐH Melbourne, đại diện của AMROH SEA, Quỹ Fleming tham dự tại Cuộc họp
Để khẳng định thực hiện những hoạt động, phối hợp liên ngành cùng các cơ quan hành động về phòng, chống kháng thuốc, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các bộ, tổ chức quốc tế, một số Đại sứ quán đã ký kết Văn bản thỏa thuận cam kết đa ngành về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030. Đây là một dấu mốc, đánh dấu và khẳng định sự tham gia và tích hợp giá trị của ngành môi trường, trong chuỗi các hành động Một sức khoẻ, trong đó có hành động về phòng chống kháng thuốc (AMR).
Ngành Tài nguyên và Môi trường, từ Trung ương đến địa phương, gồm nhiều lĩnh vực, trong đó, với “phòng chống kháng thuốc”, có BA lĩnh vực chủ chốt, đấy là (i0 quản lý các nguồn thải có nguy cơ phát sinh thuốc chữa bệnh; (ii) quản lý các thành phần môi trường, nơi tiếp nhận các nguồn thải và có thể hình thành vi khuẩn kháng thuốc; (iii) quản lý các quần thể, hệ sinh thái động thực vật (đặc biệt là động thực vật tự nhiên) có tác động, ảnh hưởng do vi khuẩn kháng thuốc hoặc mang vi khuẩn kháng thuốc phát tán trong môi trường), trong bối cảnh của thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Trong chiều dài cùng sự phát triển của đất nước, hơn 30 năm qua, ngành TN&MT đã làm khá tốt vai trò của mình, trong quản lý các nguồn ô nhiễm, các tác nhân ô nhiễm, và các thành phần môi trường; đồng thời, cũng đã rất nỗ lực trong quản lý đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn các giống loại động vật hoang dã (cùng với Bộ NN&PTNT). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mối liên hệ giữa các ngành chưa thật sâu và chặt chẽ, còn nhiều khoảng trống và một số chồng chéo trong phương thức quản lý. Ví dụ, trong bộ thông số về chất lượng môi trường hay quản lý nước thải y tế, có các thông số vi khuẩn gây bệnh (Tổng coliforms; Salmonella; Shigella; Vibrio cholerae) nhưng chưa nhận định và bổ sung hoặc xây dựng mối liên kết với thông tin về vi khuẩn kháng thuốc (ví dụ về sự tồn tại của một số chủng E.coli kháng thuốc).
Để thực hiện hoạt động giám sát kháng thuốc trong môi trường còn có nhiều hạn chế, thách thức: (i) Sự phối hợp đa ngành, liên bộ, liên cơ quan chưa được chặt chẽ; việc tổng hợp thông tin, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung liên ngành và trong mạng lưới đang là ý tưởng bước đầu; (ii) Nhận thức về mối nguy hiểm của kháng thuốc đối với sức khỏe cộng đồng, người dân và tác động tới môi trường còn thiếu, hạn chế; các cấp lãnh đạo cũng đang tiếp cận dần và chưa quyết liệt trong giải quyết vấn nạn này; (iii) Năng lực thực hiện các chương trình giám sát, kỹ thuật phân tích, phân lập, định danh các vi khuẩn kháng thuốc trong môi trường nói chung đang được thực hiện bước đầu; (iv) Các nguồn lực, ngân sách được phân bổ cho các nghiên cứu, giám sát kháng sinh còn thiếu, chủ yếu là nhận được sự hỗ trợ từ nguồn lực quốc tế; (v) Nguồn nhân lực chuyên sâu, chuyên trách còn hạn chế, chủ yếu là kiêm nhiệm tại các cơ quan.
Chính vì vậy, trên cơ sở được giao đầu mối thực hiện Đề án giám sát kháng thuốc trong môi trường, dựa trên nguồn lực hỗ trợ từ Fleming Fund, Tổ chức FHI 360 và các chuyên gia, nhà khoa học, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường tổ chức Cuộc họp kỹ thuật góp ý cho Dự thảo Đề án giám sát kháng thuốc trong môi trường. Cuộc họp này là cuộc họp đầu tiên để góp ý cho Dự thảo Đề án, Ban tổ chức ghi nhận các kết quả tại cuộc họp, những định hướng, phương pháp chính, nguyên tắc trọng tâm sẽ đóng góp các phù hợp với Việt Nam để giúp Nhóm tư vấn từng bước hoàn thiện Dự thảo trong thời gian tới.
Mục tiêu thực hiện Đề án giám sát kháng thuốc trong môi trường giai đoạn 2025-2030:
Mục tiêu 1: Thúc đẩy xây dựng cơ chế phối hợp hành động liên ngành trong quản lý, giám sát phòng, chống kháng thuốc.
Mục tiêu 2: Nâng cao kiến thức, năng lực thực hiện giám sát về kháng thuốc trong môi trường cho đội ngũ cán bộ chuyên môn và mạng lưới quan trắc môi trường.
Mục tiêu 3: Bước đầu lựa chọn một số vi khuẩn kháng thuốc để thực hiện giám sát tình trạng kháng thuốc trong môi trường.
Mục tiêu 4: Xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu về giám sát tình trạng kháng thuốc trong môi trường.
Mục tiêu 5: Khuyến khích nghiên cứu, hợp tác và phát triển, huy động các nguồn lực hỗ trợ giám sát kháng thuốc trong môi trường.
Định hướng các hoạt động, nhiệm vụ trọng tâm sau 2030
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống giám sát Quốc gia về kháng thuốc trong lĩnh vực môi trường, đảm bảo năng lực thực hiện nhiệm vụ giám sát trong nước và hội nhập quốc tế.
Hoàn thiện cơ chế, thể chế, chính sách thực thi pháp luật liên quan đến giám sát kháng thuốc trong lĩnh vực môi trường, bao gồm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, tại Việt Nam trong thời gian qua chúng ta đã thể hiện được vai trò lãnh đạo trong khu vực về vấn đề kháng thuốc, trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á phát triển Kế hoạch Hành động Quốc gia phòng, chống kháng thuốc vào năm 2013. Ngày 25/09/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1121/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh cách tiếp cận Một sức khỏe và tầm quan trọng của việc sử dụng kháng sinh hợp lý và có trách nhiệm ở người, động vật, thực vật và môi trường và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án giám sát kháng thuốc trong môi trường giai đoạn đến năm 2030.
Diệp Anh