Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem: Còn khó khăn trong xử lý chất thải
15/09/2022TN&MTNhững năm qua, Công ty CP DAP số 2 - Vinachem (Công ty) đã tích cực thực hiện các giải pháp nhằm quản lý tốt chất thải. Tuy nhiên vấn đề xử lý, tiêu thụ chất thải của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Việt Tiến, Tổng giám đốc Công ty xung quanh vấn đề này.
Ông Vũ Việt Tiến (người đứng phát biểu), Tổng giám đốc Công ty CP DAP số 2 – Vinachem
Xin ông đánh giá về công tác quản lý và xử lý chất thải của Công ty trong thời gian vừa qua?
Trong quá trình sản xuất DAP sẽ phát sinh các chất thải rắn gọi là gyps, trong đó thành phần chủ yếu là CaSO4 ngậm nước có lẫn khoảng dưới 0,1% là axit phốt pho rích là nguyên nhân khiến cho chất thải có độ PH ở khoảng trị số từ 2,3 đến 2,5.
Để quản lý chất thải gyps này, trong báo ĐTM được phê duyệt, Công ty được phép triển khai hai bãi đổ thải. Trong đó, bãi thải số 1 là có diện tích 10,5 ha với sức chứa là 5 năm sản xuất. Còn bãi số hai là có diện tích là 28 ha và sẽ chứa được 20 năm sản xuất.
Bãi đổ xỉ thải của Công ty
Với công suất của cả hai bãi đổ thải đảm bảo cho dự án hoạt động sản xuất của nhà máy trong 25 năm. Ở bãi đổ thải số 1 đang được sử dụng hiện nay lưu trữ đã đạt khoảng trên 1,3 triệu tấn gần đạt đến mức giới hạn sức chứa khiến cho hoạt động sản xuất gặp khó.
Mặc dù vậy, công tác đảm bảo an toàn về môi trường vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của Công ty. Kể từ năm 2022, kế hoạch sản xuất của DAP2 - Vinachem sẽ phải có những thay đổi khi sức chứa của bãi đổ thải số 1 hết.
Thưa ông đâu là những khó khăn trong quản lý, xử lý chất thải và đặc biệt là theo Quyết định 452 của Thủ tướng?
Sau khi có Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng, các doanh nghiệp phát sinh nguồn thải thì sẽ phải tự tái chế hoặc là phải liên kết đầu tư để tái chế ra các cái sản phẩm khác để có thể tiêu thụ hết các chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Đây là chỉ đạo rất kịp thời và đúng đắn đã được Thủ tướng ban hành.
Tuy nhiên, với thực tế Nhà máy sản xuất DAP số 2 hiện nay là rất khó khăn khi Bộ Xây dựng mới chỉ ban hành tiêu chuẩn để sản xuất thạch cao, xi măng. Công nghệ mà để tái chế thành thạch cao không khó nhưng vấn đề là để vận chuyển thành phẩm thạch cao từ đây về đến các cái Nhà máy xi măng là quãng đường rất là xa.
Trong khi cước vận tải rất lớn thậm chí còn cao hơn cả giá thạch cao mà các nhà máy đã nhập khẩu là nguyên nhân không hấp dẫn các nhà đầu tư nên Công ty chưa triển khai được theo định hướng của quy định.
Sản phẩm của Công ty
Các chất thải này còn có thể tái chế thành vật liệu xây dựng hoặc để san lấp mặt bằng cũng như các loại vật liệu khác sử dụng trong các công trình xây dựng. Tuy nhiên là để triển khai được điều đó thì nó phải có các yếu tố như công nghệ, nguồn vốn và thời gian, vì muốn xây được nhà máy như vậy thì cũng phải mất 4 đến 5 năm sản xuất.
Do đó, thực hiện theo yêu cầu của Quyết định 452 là phải chuyển đổi ngay lập tực là điều rất khó. Để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty đã có những kiến nghị, đề xuất với lại các Sở, Ban, Ngành, UBND tỉnh Lào Cai cũng như các Bộ, Ngành ở Trung ương cần có những phương án tháo gỡ khó khăn như cho phép sử dụng bãi đổ thải số 2 đã được phê duyệt trong ĐTM, tập kết chất thải trong thời gian triển khai nhà máy theo yêu cầu của Quyết định 452 của Thủ tướng.
Cùng với đó, chúng tôi cũng đang rất tích cực liên hệ với các đối tác có công nghệ và nguồn vốn cũng như có cả thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra để hấp thụ hết chất thải này thành vật liệu xây dựng như bê tông nhẹ, bê tông chịu nhiệt hay gạch không nung,… đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
Khi có các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, Công ty có thể liên kết với các nhà đầu tư để sử dụng chất thải này thành nguyên liệu đầu vào cho hoạt động san lấp mặt bằng để xây dựng các cái khu công nghiệp hay là khu dân cư.
Một dây truyền sản xuất của Công ty
Để hoạt động tái chế, sử dụng các chất thải hiệu quả, Nhà nước cần có thêm những chính sách gì để có thể triển khai Quyết định 452 vào thực tế nhanh hơn, thưa ông?
Để đẩy mạnh việc tái chế cần phải có công nghệ và phải có thị trường tiêu thụ sản phẩm sau khi tái chế. Trong đó, Nhà nước phải có những chính sách hỗ trợ đối với những doanh nghiệp xây dựng nhà máy tái chế về cơ chế chính sách như mặt bằng thuê đất, ưu đã thuế và các chính sách khác tạo sự hấp dẫn với các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó cần có sự hỗ trợ từ các chính sách trong chỉ đạo các địa phương ưu tiên sử dụng các sản phẩm sản xuất như gạch không nung, thạch cao được sản xuất trong nước. Tiếp nữa là việc sử dụng các sản phẩm trong các công trình của Nhà nước, công trình công cộng hay các công trình tại địa phương sẽ tạo ra nhu cầu lớn cho các sản phẩm như bê tông nhẹ, bê tông chịu nhiệt hay tấm thạch cao, tấm trần tại miền Bắc nói chung và các tỉnh miền núi nói riêng.
Tôi nghĩ nhu cầu này sẽ là rất lớn vì quá trình làm các công trình giao thông, xây dựng và phát triển hạ tầng vẫn liên tục được triển khai hiện nay cũng như trong tương lai thì các chính sách khuyến khích sẽ thu hút được sự quan tâm của chủ đầu tư.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Hùng thực hiện.