Công nghệ bảo vệ đại dương
12/06/2024TN&MTĐại dương bao phủ hơn 70% hành tinh của chúng ta, điều hòa khí hậu toàn cầu, là nơi sinh sống của 80% sự sống trên Trái đất. Trong nỗ lực bảo vệ đại dương trước những mối đe dọa chưa từng có từ ô nhiễm, đánh bắt quá mức và biến đổi khí hậu…, phải kể đến vai trò quan trọng của các công nghệ mới.
DiveRay tạo bản đồ 3D của đáy đại dương
Công ty khởi nghiệp PlanBlue của Đức vừa chế tạo một vệ tinh dưới nước có tên DiveRay để lập bản đồ đáy biển. DiveRay được trang bị camera độ phân giải cao và cảm biến điều hướng. Thuật toán AI tự động xử lý dữ liệu được camera thu thập và biến nó thành bản đồ tương tác về mọi thứ, từ rạn san hô đến đồng cỏ biển. Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đã dần sử dụng công nghệ của PlanBlue để nghiên cứu tình trạng của hệ sinh thái dưới nước. Các nhà khoa học cũng sử dụng DiveRay để theo dõi tiến độ của các nỗ lực phục hồi, chẳng hạn như việc làm vườn san hô. Theo thenextweb.com, PlanBlue gần đây đã hợp tác với gã khổng lồ khảo sát Fugro của Hà Lan để làm cho DiveRay có thể quét các khu vực rộng lớn hơn.
Gần 90% trữ lượng cá biển trên thế giới hiện đã bị khai thác triệt để, thậm chí khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt. Công ty ABALOBI có trụ sở tại Cape Town, Nam Phi đã phát triển ứng dụng và nền tảng truy xuất nguồn gốc ABALOBI nhằm giải quyết vấn đề đánh bắt quá mức, đồng thời hỗ trợ ngư dân địa phương. Nền tảng này xoay quanh 3 ứng dụng. Tính năng đầu tiên cho phép ngư dân tải thông tin chi tiết về sản lượng đánh bắt hàng ngày của họ lên cơ sở dữ liệu được mã hóa. Chỉ những con cá được đánh bắt hợp pháp trong “giới hạn bền vững” mới có thể được tải lên. Sau đó, trên ứng dụng chợ, nhà hàng và khách lẻ có thể mua cá với mức giá hợp lý. Cuối cùng, phần lớn lợi nhuận được chuyển thẳng đến ngư dân đánh bắt cá.
Ông Serge Raemakers, người sáng lập ABALOBI, cho biết: “Công nghệ này cho phép ngư dân kết nối với các thị trường kỹ thuật số công bằng và minh bạch, đồng thời cải thiện sinh kế từ các loài cá có khả năng phục hồi sinh thái”. Công nghệ của ABALOBI hiện được các tổ chức đối tác ở 12 quốc gia khác sử dụng, trong đó có Chile, Madagascar, Croatia và Ireland.
Biến đổi khí hậu đang khiến đại dương ấm hơn, có tính axit hơn và đang gây thiệt hại cho một trong những môi trường sống quý giá nhất của đại dương là các rạn san hô. Trong 30 năm qua, một nửa số rạn san hô trên thế giới đã chết và biến mất. Coastruction, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Rotterdam, Hà Lan, đã sử dụng máy in 3D đặc biệt đổ bê tông từng lớp, tạo ra các hình dạng hình học phức tạp của các rạn san hô cho sinh vật biển bám vào.
Coastruction đã tham khảo ý kiến của các nhà khoa học biển để xác định thiết kế hoặc vật liệu phù hợp nhất, bắt chước các rạn san hô thật ở mức độ lớn nhất có thể cho một địa điểm cụ thể dưới nước. Các cấu trúc 3D sau đó được đặt dưới nước tại các vùng biển trên khắp thế giới, như Maldives hoặc Saudi Arabia. Theo thời gian, chúng trở thành môi trường sống cho cá, san hô mới và tảo. Với số lượng đủ lớn, chúng cũng có thể hoạt động như một rào cản bảo vệ các thành phố ven biển khỏi bão và xói mòn.
Các giải pháp công nghệ có thể là cách thiết thực trong tiếp cận các vấn đề môi trường. Mặc dù các công nghệ này vẫn chỉ là giọt nước trong đại dương so với các vấn nạn hiện tại, nhưng các tổ chức môi trường tin rằng, cùng nhau, những dự án như thế này có thể giúp lật ngược tình thế.
Theo sggp.org.vn