Công cụ quan trọng để cụ thể hóa “Quy hoạch tổng thể quốc gia”
14/09/2023TN&MTQuy hoạch không gian biển quốc gia là quy hoạch đa ngành nhằm phân định, sắp xếp không gian biển hợp lý cho các ngành, lĩnh vực khác nhau trên cơ sở tích hợp các quy hoạch ngành liên quan đến biển. Từ đó, định hướng, thiết lập phương án sử dụng không gian biển và giải quyết các chồng lấn, mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển.
Ảnh minh họa
Tầm nhìn chiến lược
Vùng ven biển Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển, nhất là lĩnh vực hàng hải, hải sản, các lĩnh vực công nghiệp, dầu khí, du lịch và năng lượng tái tạo. Diễn biến mới ngày càng gia tăng ở các vùng biển và hải đảo đã, đang đe dọa đến sức khỏe và sự phát triển của các hệ sinh thái ven biển và biển. BĐKH, nước biển dâng, ô nhiễm nhựa đại dương, suy thoái hệ sinh thái và đa dạng sinh học,… là những thách thức lớn đối với phát triển bền vững của biển và đại dương.
Việc xây dựng Quy hoạch không gian biển (QHKGB) quốc gia sẽ thúc đẩy phát triển các ngành mới giúp tăng thu nhập và tạo công ăn việc làm. Đặc biệt, quy hoạch vùng bờ và QHKGB mở cơ hội khai thác tiềm năng to lớn về năng lượng gió biển như một nguồn năng lượng tái tạo quan trọng để đạt mục tiêu về khí hậu của Việt Nam. Quy hoạch vùng bờ cũng sẽ giúp đảm bảo phát triển tối ưu và hài hòa giữa các ngành trong khai thác, sử dụng tài nguyên ven biển của Việt Nam, cũng như đảm bảo bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, giữ gìn các giá trị văn hóa, lịch sử, nâng cao khả năng chống chịu với BĐKH.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, QHKGB là công cụ quan trọng để cụ thể hóa “Quy hoạch tổng thể quốc gia” và tạo lập cơ sở cho quản lý các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên, BVMT, bảo tồn các hệ sinh thái biển một cách hiệu quả; góp phần hình thành các ngành kinh tế biển vững mạnh, tạo thêm nhiều sinh kế cho người dân; bảo đảm QP-AN, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân mong muốn đến năm 2050, toàn bộ các vùng biển Việt Nam được quản lý hiệu quả và sử dụng bền vững theo không gian, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và QP-AN, phù hợp với điều kiện tự nhiên, KT-XH, sức chống chịu, sức tải môi trường. Bộ TN&MT đã công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược hướng tới việc bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, công bằng tài nguyên trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích KT-XH, BVMT và QP-AN trên các vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
Quy hoạch không gian biển Việt Nam đang được Bộ TN&MT xây dựng và gấp rút hoàn thiện với kỳ vọng đảo ngược xu thế ô nhiễm, tạo lập một nền kinh tế biển phát triển bền vững. Theo đó, quy hoạch này xây dựng trên nguyên tắc phân vùng để thực hiện các mục tiêu khác nhau. Việc phân vùng sử dụng đất ven biển được thực hiện theo quy hoạch 4 vùng phát triển kinh tế được xác định tại Nghị quyết số 36/NQ-TW; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 và các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh có liên quan.
Phạm vi, nguyên tắc lập quy hoạch phạm vi không gian: Bao gồm vùng đất ven biển là các đơn vị hành chính cấp huyện giáp biển thuộc 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
Phạm vi thời gian: QHKGB quốc gia được lập cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với tầm nhìn của Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Phạm vi các ngành kinh tế biển: Theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.
Mục tiêu đến năm 2030: Bảo đảm việc quản lý, sử dụng hiệu quả không gian biển; tạo nền tảng cho việc đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế biển và liên quan đến biển theo hướng tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái biển; phát triển văn hóa, xã hội, các giá trị tự nhiên, lịch sử; bảo đảm QP-AN, đối ngoại và hợp tác quốc tế, bảo vệ chủ 19 quyền, quyền và lợi ích quốc gia trên biển, hải đảo; đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn.
Tầm nhìn đến năm 2050: Hoàn thiện việc phân bổ không gian biển nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả cao, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước dựa trên điều kiện tự nhiên, KT-XH, môi trường, hệ sinh thái biển và hải đảo, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được sử dụng hiệu quả, bảo đảm cân đối được yêu cầu về phát triển bền vững kinh tế biển, mục tiêu thiên niên kỷ về biển, văn hóa, QP-AN; bảo đảm cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên; đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, CNH-HĐH; hoàn thành mục tiêu Việt Nam là quốc gia giàu mạnh về biển.
Cần sự đồng thuận trong toàn xã hội
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân, QHKGB quốc gia phải tạo được sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Lập QHKGB quốc gia là một nhiệm vụ khó và phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Do vậy, việc tham vấn ý kiến của các cơ quan liên quan, chuyên gia trong và ngoài nước, nhà khoa học, quản lý được xem là việc mở đường tháo gỡ những vướng mắc, để quy hoạch được đảm bảo chất lượng.
Dự thảo được lập trên cơ sở sử dụng tối đa thông tin, dữ liệu hiện có, thiết kế theo hướng mở và sẽ được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển của đất nước. Quy hoạch dựa trên quan điểm xuyên suốt là phân vùng không gian biển dựa vào hệ sinh thái, tạo cơ sở và không gian liên thông cho phát triển KT-XH, kết nối đất liền với biển, gắn với bảo đảm QP-AN, đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Là một quốc gia ven biển có bờ biển dài, nhiều đảo; đứng trước những thách thức về ô nhiễm môi trường, sự suy giảm nguồn lợi và tài nguyên biển và tác động của BĐKH, trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật phục vụ công tác QLNN về biển và hải đảo và tăng cường hợp tác quốc tế.
Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” là loại quy hoạch đa ngành, khó và phức tạp, lần đầu tiên được lập ở Việt Nam theo cách tiếp cận không gian, tổng hợp. Do vậy, Thứ trưởng Lê Minh Ngân mong muốn phải làm sáng tỏ hơn các nội dung của quy hoạch; vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan và các giải pháp để thu hút, thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện quy hoạch trên thực tế, cũng như việc quản lý và giám sát thực hiện quy hoạch sau này.
Không gian biển là hữu hạn, tiếp cận có kế hoạch sử dụng không gian biển đang trở nên cần thiết, vì vậy phân vùng sử dụng vùng bờ và biển hoàn toàn không đơn giản, trước hết bởi tính phức tạp của không gian biển. Bản chất lưu thông của nước biển và tính di biến động của các dạng tài nguyên sinh vật; tính đan xen của các yếu tố sinh thái, môi trường và tài nguyên biển theo không gian ba chiều. Bản chất chia sẻ, sử dụng đa ngành và thường cạnh tranh nhau của các hệ thống tài nguyên biển, sự tương tác giữa lục địa và biển ở vùng bờ đều là thách thức lớn.
Mặt khác, đời sống cư dân ven biển thường xuất phát điểm thấp và chưa phải là đối tượng được chú trọng đầu tư cả về nhận thức và khoa học kỹ thuật. Kế hoạch phân vùng sử dụng biển lâu dài, quy hoạch sử dụng đất ven biển hiện tại cũng như cơ chế chính sách và thể chế quản lý vùng bờ và biển hiện hành, do vậy không phải “một sớm, một chiều” có thể điều chỉnh ngay được.
Song việc xác định đúng vị trí pháp lý, tên gọi của QHKGB đang là một đòi hỏi thực tiễn khách quan cực kỳ cấp bách. Nó xuất phát từ cả nhu cầu phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền an ninh - điều mà các nước láng giềng phía bắc đã làm và thông qua phương án phân vùng chức năng biển. “Không thể để một quốc gia “ba phần tư tổ quốc là biển” mà lại thiếu công cụ quy hoạch để quản lý, khai thác và sử dụng.
Với ý thức rằng, không gian biển là hữu hạn, thì một cách tiếp cận có kế hoạch sử dụng không gian biển đang trở nên cần thiết. Mục tiêu và khác biệt của QHKGB so với quy hoạch các ngành khác, là nó chú trọng đến phương thức giải quyết xung đột trong việc sử dụng không gian (ba chiều) của các ngành, trên một vùng biển cụ thể. Đồng thời tăng tính tương thích trong các hoạt động sử dụng TNMT. Để cách tiếp cận này thành công, cơ quan trung ương cần ban hành những quy định về hệ thống hóa sự phối hợp liên ngành và quy trình ra quyết định tổng hợp.
TRẦN NGUYÊN HÙNG
Cục Biển và Hải đảo Việt Nam
Trích: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 16 (Kỳ 2 tháng 8) năm 2023