Chuyện kể ở Trạm Khí tượng Bãi Cháy, Quảng Ninh
26/09/2024TN&MTDòng tin nhắn vội vàng, ẩn sâu trong đó là sự lo lắng, hốt hoảng trước những cơn gió mạnh đang gầm rít thổi từ biển vào và sự lo lắng khi Trạm khí tượng bị tốc mái, bật tung cửa. Mưa xối xả, trạm quan trắc rung bật trước gió bão nhưng không làm cản trở công việc của những kỹ thuật viên quan trắc làm nhiệm vụ,…
"Báo cáo hiện Trạm khí tượng Bãi Cháy (Quảng Ninh) còn một gian nhà chưa bị tốc mái, anh em đang tạm ở và làm việc trong gian nhà này. Anh em quyết tâm bám trụ để quan trắc, hiện anh em vẫn đang an toàn. Khi nào không thể quan trắc được thì anh em sẽ di dời", tin nhắn được chị Vũ Thị Trường, Trạm trưởng chuyển về Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn trưa 7/9/2024 khi tâm bão Yagi (bão số 3) vào đất liền Quảng Ninh, sức gió đo được tại trạm khí tượng này cấp 14, giật trên cấp 17, một trong những cơn bão có sức gió giật cao nhất từng ghi nhận trên lãnh thổ Việt Nam.
Quang cảnh Trạm khí tưởng tan hoang sau cơn bão số 3 đi qua
Trạm khí tượng là một ngôi nhà cấp 4 có 02 gian rộng với hơn 70 m2, nằm trên đỉnh một ngọn đồi ở Bãi Cháy là nơi 5 cán bộ khí tượng gồm 1 nam, 4 nữ làm việc. Trưa 7/9/2024, gió bão ập đến, nổi lên, mái tôn từ các hướng bay vèo vèo qua trạm, chỉ trong ít phút phần mái gian bên phải của trạm khí tượng cũng chịu chung số phận, mảnh vỡ văng khắp nơi, nước mưa dội vào trong nhà như ngoài trời, 5 dự báo viên khí tượng cùng phải sang gian phòng còn lại để trú ngụ.
24 năm công tác trong ngành khí tượng, từng làm việc ở tuyến đầu tại huyện đảo Cô Tô nhưng đây là lần đầu tiên nữ Trạm trưởng Vũ Thị trường cùng các đồng nghiệp rơi vào hoàn cảnh kinh hồn bạt vía đến vậy. Hai dự báo viên nữ nấp dưới gầm bàn để soạn tin gửi đến Ban lãnh đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn, những người còn lại lấy thân mình chặn không có cánh cửa nối hai gian nhà bị hất tung.
“Tim đập loạn nhịp, mọi người ai cũng sợ hãi vì nếu cánh cửa này bị bung ra hay mái bị thổi tung thì gió, đồ vật từ bên ngoài sẽ bay vào trong”, chị Trường nhớ lại và cho biết, bản thân cùng các đồng nghiệp cùng động viên nhau cố gắng vượt qua để ghi lại số liệu chính xác phục vụ cho công tác dự báo cũng như là tài liệu nghiên cứu với một cơn bão mạnh hiếm thấy như thế này.
Trạm thu phát cũng bị gẫy đổ
Những diễn biến xảy ra ở Quảng Ninh cũng như toàn miền Bắc đã được nhận định từ 5 ngày trước, khi Yagi còn là một vùng thấp hình thành ngoài khơi Philippines. Lúc này, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia đánh giá đây là một cơn bão rất mạnh, cường độ có thể mạnh lên cấp 12-16 khi di chuyển vào Biển Đông. Nhận định này được chuyển ngay đến Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cũng như nhắn tin cho các cấp lãnh đạo để đưa ra phương án ứng phó kịp thời.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cũng chuyển sang trạng thái báo động đỏ từ thời điểm này, hơn 100 người gồm lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Cục khí tượng Thuỷ văn, hàng trăm quan trắc viên các các trạm dọc ven biển Quảng Ninh - Thanh Hoá và dự báo viên tại Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn túc trực 24/24.
Bão càng đi về phía đất liền Việt Nam, tần suất quan trắc cũng được tăng lên, với các cơn bão thông thường quan trắc viên sẽ quan trắc 3 tiếng một lần, nhưng với Yagi công việc này được đẩy lên một tiếng một lần, rồi khi bão bắt đầu ảnh hưởng đến Vịnh Bắc Bộ là 30 phút một lần để kịp tiến độ cho các bản tin dự báo được phát dày đặc trên trang điện tử của đơn vị này.
"Mỗi bản tin bão nhanh được xuất bản là các quan trắc viên phải đi bộ hàng trăm mét giữa gió bão ra trạm để đo, ghi nhận kết quả rồi trở về trạm để truyền thông tin về trung ương. Công việc này lặp lại hàng trăm lần trong giờ phút bão vào như thế", ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia nói về những đồng nghiệp tuyến đầu của mình.
Hiện tại đường điện vẫn chưa được sửa chữa xong nên mọi thông tin được xử lý bằng hình thức thủ công
Bão đổ bộ vào các tỉnh khu vực phía Bắc, quật đổ nhiều cây, Hà Nội nhiều nơi mất điện, khung cảnh xung quanh một màu tối om, chỉ có đèn điện của cả tầng 12 trụ sở Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn quốc gia trên phố Pháo Đài Láng vẫn luôn sáng, ở đó có những cán bộ và dự báo viên không ngưng nghỉ nhiệm vụ theo dõi đường đi của cơn bão. Tại cơ quan đầu não phát đi các bản tin dự báo, hơn 70 cán bộ trong ca trực làm việc liên tục khi thông tin từ hệ thống quan trắc cũng như dự báo viên gửi về.
Các cuộc thảo luận, trao đổi, họp diễn ra liên miên cả ngày lẫn đêm mà theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia là nhiều nhất trong 5 năm kể từ khi ông đảm nhận vị trí này. Để thông tin được truyền tải nhanh nhất đến người dân, một “trung tâm báo chí” được đặt ngay tại tầng hai của tòa nhà. Sau mỗi diễn biến của bão, đại diện cơ quan khí tượng lại xuống cung cấp cũng như phát đi thông điệp cảnh báo.
Cùng với đó, tần suất trao đổi với các đài khí tượng quốc tế cũng được tăng lên. Khi bão vào Biển Đông, thông thường cơ quan khí tượng Việt Nam sẽ trao đổi với các đài khí tượng quốc tế 1-2 lần. Nhưng với Yagi, trước yêu cầu cấp bách, đã có 5 cuộc trao đổi với quốc tế được thực hiện, trong đó hai lần với cơ quan khí tượng Trung Quốc khi bão vào gần đảo Hải Nam và ba lần với cơ quan khí tượng Nhật Bản khi bão vào gần Biển Đông.
"Khi bão ở xa, dữ liệu chúng ta có chủ yếu từ vệ tinh nên việc phối hợp với các đơn vị bạn nơi bão đang gần nhất là rất quan trọng để có thể đưa ra dự báo ảnh hưởng sắp tới cho mình. Có những thời điểm các chuyên gia phải cân nhắc từng kilomet gió một vì mỗi bản tin được đưa ra sẽ kèm theo đó là quyết định ứng phó ảnh hưởng tới cả vạn người." - ông Mai Văn Khiêm cho biết!.
Bão vào Vịnh Bắc Bộ, ngoài sức gió những lo ngại đầu tiên về mưa lớn với lượng cục bộ có nơi trên 500 mm kích hoạt lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất cũng được phát đi. Tổng cục Khí tượng thuỷ văn Quốc gia yêu cầu, ngoài bản tin của Trung tâm, các đài dự báo tỉnh, khu vực phải chi tiết hóa đến từng xã để gửi ngay cho đơn vị phòng chống thiên tai địa phương kịp thời thông báo đến người dân.
Từ đầu dây bên kia, Bà Vũ Thị Trường, Trạm khí tượng Bãi Cháy (Quảng Ninh) nhớ và kể lại: Hôm đó, rất may là còn duy nhất một ô cửa không bị gió bão bật tung, nếu bật chắc chắn cả 5 anh chị em dự báo viên của Trạm chắc bị cuốn theo mây gió trong đêm.
Cũng qua Trạm trưởng Vũ Thị Trường, hiện những dự báo viên nơi đây vẫn làm việc bình thường nhưng đến thời điểm này vẫn bị cắt điện nên các thiết bị quan trắc chưa được kết nối, các dự báo viên phải khắc phục và làm việc, nhập số liệu bằng phương pháp thủ công.
Những thông tin về sự cố sau cơn bão cũng đã được Trưởng trạm báo cáo lên Tổng cục Khí tượng thủy văn Quốc gia và các cơ quan chức năng sở tại đang gấp rút để khắc phục thiệt hại này.
Câu chuyện và những khó khăn, vất vả của các kỹ thuật viên dự báo khí tượng thủy văn nói chung đã vất vả, nhưng những người đang công tác ở các trạm khí tượng địa phương, vùng sâu vùng xa còn vất vả hơn gấp bội lần, hiểm nguy luôn rình rập. Ở đâu đó trong mỗi chúng ta đều cảm thông, yêu mến, trân trọng. Khi chúng ta trú ẩn trong nhà, thì ngoài kia bão tố, rông lốc...họ vẫn phải đảm nhận nhiệm vụ để thông tin nhanh và chính xác.
Bảo Trâm