Chuyên gia cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ tàn phá nặng nề Trung Đông và Đông Địa Trung Hải
07/09/2022TN&MTMột nhóm các nhà khoa học quốc tế cảnh báo, biến đổi khí hậu có thể tàn phá cuộc sống của hàng triệu người ở Đông Địa Trung Hải và Trung Đông, nơi nhiệt độ đang tăng nhanh gần gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu.
Một người đàn ông đi dọc theo bờ biển ở thành phố Alexandria, Ai Cập. TP Alexandria có 4 triệu dân, lớn thứ hai Ai Cập và cũng là một trong những TP của Trung Đông có nguy cơ cao nhất mực nước biển dâng cao do hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Báo cáo do Viện Cyprus chuẩn bị cho biết, theo kịch bản, khu vực này có thể chứng kiến sự nóng lên tổng thể lên tới 5 độ C hoặc hơn vào cuối thế kỷ.
Theo báo cáo, nhiệt độ tăng đột biến đó gần như gấp đôi so với dự đoán ở các khu vực khác trên hành tinh và nhanh hơn bất kỳ khu vực có người sinh sống nào trên thế giới.
Báo cáo được chuẩn bị dưới sự bảo trợ của Viện Hóa học Max Planck và Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu và Khí quyển thuộc Viện Cyprus, sẽ được đệ trình tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc (COP27) diễn ra tại Ai Cập vào tháng 11 tới.
Một chuyên gia cho biết, sự kết hợp giữa lượng mưa giảm và thời tiết ấm lên sẽ góp phần gây ra hạn hán nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh nước và lương thực, khiến nhiều quốc gia không chuẩn bị cho tình trạng nước biển dâng cao.
Tiến sĩ George Zittis thuộc Viện Cyprus, tác giả của báo cáo cho biết: "(Kịch bản) này sẽ bao hàm những thách thức nghiêm trọng đối với cơ sở hạ tầng và nông nghiệp ven biển, đồng thời có thể dẫn đến sự nhiễm mặn của các tầng chứa nước ven biển, bao gồm cả đồng bằng sông Nile đông dân cư và canh tác" .
Việc đáp ứng các mục tiêu chính của Thỏa thuận Paris có thể ổn định mức tăng nhiệt độ hàng năm lên khoảng 2 độ C.
Các nhà khoa học khuyến nghị nên nhanh chóng thực hiện các hành động khử cacbon, đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực năng lượng và giao thông vận tải.
Giáo sư Jos Lelieveld, Giám đốc Viện Hóa học Max Planck, Viện Cyprus, điều phối viên của cuộc đánh giá cho biết: “Vì nhiều hệ quả của biến đổi khí hậu là xuyên biên giới, nên sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các quốc gia là không thể thiếu để đối phó với những tác động bất lợi dự kiến".
Theo nhandan.vn