Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên và môi trường
02/04/2024TN&MTVới phương thức làm việc trên môi trường “số hoá”, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng trong công tác triển khai thực hiện chuyển đổi số, góp phần cải cách hành chính, đáp ứng công tác quản lý nhà nước, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, phục vụ tốt cho nhân dân, cũng như cộng đồng doanh nghiệp.
Triển khai vận hành Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số
Trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định kỹ thuật, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2023/NĐ-CP ngày 12/5/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TN&MT (về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư và thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh). Ngoài ra, Bộ đã thực hiện cung cấp các dịch vụ công, các cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành, CSDL đất đai, CSDL quốc gia về dân cư được kết nối, chia sẻ trên môi trường điện tử cho các địa phương; hoàn thành các nhiệm vụ trong Đề án 06/CP.
Về hạ tầng số, nền tảng số, trung tâm dữ liệu được từng bước hiện đại hóa đáp ứng nhu cầu về chuyển đổi số của Bộ, ngành; công tác an toàn thông tin được quan tâm, không để xảy ra mất an toàn thông tin lớn, các sự cố nhỏ được phát hiện, khắc phục kịp thời; vận hành các hệ thống thông tin, CSDL kết nối, liên thông với hệ thống của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đáp ứng công tác chỉ đạo, điều hành, góp phần quan trọng để Bộ hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Các hệ thống thông tin, dịch vụ, ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, quản trị, làm việc của Bộ, các đơn vị thuộc Bộ, ngành TN&MT cơ bản đáp ứng làm việc trên môi trường điện tử. Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ điện tử đóng vai trò là hệ thống thông tin xương sống, kết nối, tích hợp với các hệ thống thông tin khác phục vụ toàn diện công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành xử lý văn bản hành chính (trừ văn bản mật), hồ sơ công việc được thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử với văn bản điện tử gắn với chữ ký số. Lãnh đạo Bộ, các đơn vị có thể xử lý các công việc, giao nhiệm vụ, ký số văn bản ở bất cứ nơi nào với thiết bị di động được xác thực và bảo mật,… đáp ứng hầu hết các yêu cầu quản lý, điều hành tại Bộ.
Các hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu khác: Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ điện tử; hệ thống thông tin báo cáo ngành TN&MT; hệ thống họp trực tuyến; Hệ thống tương tác trong chỉ đạo điều hành giữa Bộ với các Sở TN&MT các địa phương; hệ thống một cửa điện tử, Cổng Dịch vụ công trực tuyến; hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý khoa học và công nghệ; hệ thống hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết tranh chấp, khiếu nại tố cáo ngành TN&MT; Hệ thống quản lý tài liệu hội nghị; hệ thống tiếp nhận và trả lời ý kiến công dân; Hệ thống thư điện tử; Cổng thông tin điện tử,… kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin của Chính phủ, với các CSDL quốc gia, của các bộ, ngành qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ đang triển khai dự án “Xây dựng hệ thống quản lý điều hành thông minh tại Bộ TN&MT” phục vụ kết nối với Trung tâm điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nhằm hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành, ra quyết định dựa trên dữ liệu số theo thời gian thực; theo dõi, giám sát, đo lường, đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện các chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ được giao, từng bước hiện đại hóa nền hành chính.
Bộ TN&MT đã thực hiện bồi dưỡng cho cán bộ các kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu để đáp ứng yêu cầu làm việc trên môi trường số, đồng thời, đào tạo nâng cao năng lực phục vụ thực hiện CĐS trong công tác quy hoạch, điều tra và bảo vệ TNN trong khuôn khổ Dự án “Quản lý nước dưới đất và tai biến địa chất thích ứng với BĐKH”. Bên cạnh đó, Bộ đã triển khai vận hành Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số thông qua nâng cấp, quản lý tập trung tại các Trung tâm dữ liệu, sử dụng công nghệ điện toán đám mây, có khả năng mở rộng linh hoạt, khai thác sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, cung cấp tài nguyên lưu trữ, tính toán đáp ứng nhu cầu cho các đơn vụ thuộc Bộ, hỗ trợ các Sở TN&MT; triển khai chữ ký số, chứng thư số, chứng thực chữ kỹ số chuyên dùng Chính phủ.
Về xây dựng CSDL quốc gia chuyên ngành TN&MT, Bộ TN&MT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các Đề án xây dựng, hoàn thiện theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt về công tác CSDL đất đai Quốc gia, tất cả 63/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó đã có 450/705 đơn vị hành chính cấp huyện đưa cơ sở dữ liệu đất đai vào vận hành, khai thác, sử dụng ngay trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính về đất đai; 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với dữ liệu của 461/705 đơn vị hành chính cấp huyện, 6.198/10.599 đơn vị hành chính cấp xã, với tổng số hơn 26 triệu thửa đất. Bên cạnh đó, Bộ đã hoàn thành việc xây dựng CSDL nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:25.000, 1:100.000, 1:250.000, 1:500.000, 1:1.000.000 phần đất liền và CSDL nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:100.000, 1:250.000, 1:500.000, 1:1.000.000 trên vùng biển Việt Nam. Đến nay một số dịch vụ về CSDL nền địa lý quốc gia đã được kết nối chia sẻ với một số Bộ, cơ quan ngang Bộ thuộc Chính phủ để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và phát triển KT-XH.
Tiếp tục triển khai, vận hành các hệ thống thông tin, dịch vụ, ứng dụng Chính phủ điện tử phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, quản trị, làm việc của Bộ, các đơn vị thuộc Bộ, ngành TN&MT trên môi trường điện tử, trực tuyến; kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin của Chính phủ, với các CSDL quốc gia, của các bộ, ngành qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục vận hành Hệ thống thông tin báo cáo tổng hợp ngành TN&MT; cập nhật, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Trung tâm điều hành thông minh phục vụ chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Bộ, với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường
Để hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định kỹ thuật tạo cơ sở pháp lý thuận lợi, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phát triển hướng tới Chính phủ số ngành TN&MT, Bộ TN&MT đã đề ra trọng tâm thực hiện nhiệm vụ trong năm 2024, trong đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện, trình Bộ trưởng ban hành các văn bản, quy định kỹ thuật tạo môi trường cơ sở pháp lý thuận lợi, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số ngành TN&MT. Năm 2024 tập trung xây dựng ban hành các quy định kỹ thuật phục vụ xây dựng, hoàn thiện các CSDL về TN&MT.
Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung cụ thể của ngành TN&MT trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025; Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia; Chiến lược dữ liệu quốc gia,... Chương trình chuyển đổi số TN&MT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Triển khai các nhiệm vụ trong kế hoạch của Bộ TN&MT triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Tiếp tục vận hành, hoàn thiện, tích hợp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Thông tin một cửa quốc gia; phát triển, vận hành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính theo Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ; triển khai các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu nâng cao chỉ số Chính phủ điện tử Việt Nam theo đánh giá của Liên hợp quốc.
Triển khai xây dựng, hoàn thiện, kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu TN&MT với hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của Chính phủ, các địa phương, bộ ngành phục vụ tích hợp, phân tích, tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước, hoạch định chính sách, phát triển KT-XH, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh. Ưu tiên xây dựng, đưa vào vận hành Hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu (MPLIS), cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
Triển khai, hoàn thiện vận hành hạ tầng số, nền tảng số dùng chung đáp ứng yêu cầu của Bộ, ngành bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Triển khai, vận hành, hoàn thiện các hệ thống thông tin sử dụng chung phục vụ chỉ đạo, điều hành, chuyên môn nghiệp vụ trên môi trường điện tử. Nâng cấp Trung tâm dữ liệu phục vụ phát triển Chính phủ số tại Bộ, đáp ứng yêu cầu triển khai các công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cung cấp cơ sở hạ tầng, nền tảng và phần mềm ứng dụng dưới dạng dịch vụ cho các đơn vị thuộc Bộ.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hành động và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác bảo đảm an toàn thông tin; xây dựng nguồn nhân lực hoạt động về an toàn thông tin, an ninh mạng; bảo vệ hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, cơ sở hạ tầng không gian mạng, tạo lập niềm tin số trong ngành.
LÊ PHÚ HÀ
Cục trưởng Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu TNMT
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 1+2 năm 2024