Chuyển đổi số trong ứng phó hạn mặn
25/06/2022TN&MTNgày 20/6, tại Trà Vinh, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Tập đoàn Mỹ Lan tổ chức hội thảo Chuyển đổi số trong ứng phó hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Các đại biểu chủ trì phần thảo luận tại hội thảo.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, những năm gần đây, Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên bị tác động biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập nội đồng vào mùa khô ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của nông dân trong khu vực.
Trong bối cảnh hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long phải tận dụng lợi thế của cuộc Cách mạnh công nghiệp lần thứ tư để tạo ra những giá trị mới ngoài giá trị truyền thống nhằm giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, giúp nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân. Vì vậy, chuyển đổi số trong ứng phó hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long là việc làm cần thiết hiện nay.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp được bắt đầu từ đầu vào, đến quá trình sản xuất, thu mua, chế biến, vận chuyển, sau đó ra thị trường và đến khách hàng. Chuyển đối số phải thay đổi tổng thể và toàn diện cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số.
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã đánh giá, phân tích và đưa ra nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong ứng phó hạn mặn; giải pháp tối ưu hóa diện tích canh tác nông nghiệp; đánh giá mặn và trữ lượng nước dưới đất bằng phương pháp GIS và mô hình số; ứng dụng công nghệ internet vạn vật trong nông nghiệp; viễn thám ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long…
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mỹ Lan đã giới thiệu đến hội thảo về hệ sinh thái nông nghiệp số kết hợp ứng dụng điện thoại di động thông minh giúp quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp số do đơn vị mình phát minh. Đây là ứng dụng được các nhà khoa học, ngành chuyên môn đánh giá cao.
Các đại biểu tìm hiểu các thiết bị sản xuất nông nghiệp thông minh tại hội thảo.
Theo đó, quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp gồm 3 bước. Bước 1, số hóa dữ liệu, là chuyển đổi văn bản, hình ảnh hoặc âm thanh sang định dạng kỹ thuật số để có thể xử lý bằng máy tính.
Bước 2, số hóa quy trình, tích hợp các thiết bị kết nối internet vào tất cả mọi hoạt động để có thể thu thập dữ liệu tự động. Bước 3, quản lý số, là quản lý tất cả mọi hoạt động với công cụ số, như ứng dụng di động, các phần mềm…
Bên cạnh đó, Tập đoàn Mỹ Lan đã nghiên cứu, phát minh nhiều phần mềm ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, hiện đã được sử dụng tại nhiều tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, như trạm giám sát sâu rầy thông minh, phao quan trắc xâm nhập mặn tự động kết nối internet…
Thông qua chiếc điện thoại di động thông minh, nông dân ngồi ở nhà cũng có thể giám sát sâu rầy trên đồng ruộng, quan trắc độ mặn trong nước… Việc chuyển đổi số còn được đơn vị áp dụng trong sản xuất phân bón thông minh giúp nông dân giảm đáng kể chi phí nhân công; nuôi tôm siêu thâm canh giàu oxy công nghệ số; sản xuất máy cho tôm ăn thông minh…
"Để tạo điều kiện cho nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp cận công nghệ số trong canh tác, Tập đoàn Mỹ Lan sẵn sàng hỗ trợ theo hình thức đầu tư trả chậm", ông Nguyễn Thanh Mỹ chia sẻ.
Ông Trần Trọng Khiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho rằng, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là vấn đề tất yếu. Các ngành liên quan, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp để dần thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân.
Với vai trò là đại diện của cơ quan quản lý nhà nước làm cầu nối giữa nông dân và các nhà khoa học, ông Khiêm mong muốn thời gian tới, các nhà khoa học có những nghiên cứu giúp nông dân dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ sử dụng hơn, đặc biệt hạn chế dùng nhiều từ ngữ chuyên ngành.
Theo bnews.vn