Chuyển đổi số: Chìa khóa phát triển nông nghiệp xanh, bền vững
18/05/2024TN&MTNhững năm gần đây, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai chuyển đổi số (CĐS) mạnh mẽ, nhất là ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn như: trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa, truy xuất nguồn gốc nông sản...
Trang trại nuôi gà công nghiệp tại huyện Long Thành ứng dụng công nghệ tự động kiểm soát nhiệt độ, nước uống, thức ăn chăn nuôi
Mong muốn trong tương lai gần, ngành nông nghiệp sẽ có dữ liệu thông tin đầy đủ, chuẩn xác, cập nhật kịp thời, dễ hiểu, dễ áp dụng nhằm phục vụ cho nông dân, doanh nghiệp. Lĩnh vực nông nghiệp rộng, cơ sở dữ liệu lớn nên cần xác định thứ tự ưu tiên và phải làm tới nơi, tới chốn. Đây là nội dung Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp diễn ra vào chiều 14-5.
Nông dân là trung tâm, động lực phát triển
Việc ứng dụng CĐS vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đã giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Đến nay, có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành được đào tạo kỹ năng số, gần 50 ngàn sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử.
Đặc biệt, hàng chục vạn nông dân trên cả nước đã và đang ứng dụng có hiệu quả công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Việc thực hiện CĐS bước đầu đã được áp dụng trong ngành nông nghiệp ở các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp mang lại những kết quả hết sức khả quan. Nhiều chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại; tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, tỉnh đã ban hành Kế hoạch CĐS ngành nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thời gian qua, tỉnh tích cực triển khai nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp, vận hành 27 phần mềm. Đặc biệt, năm 2020, ngành nông nghiệp triển khai Dự án Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trang trại chăn nuôi thông qua phần mềm Te-food và Dự án Truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt có nguồn gốc từ động vật. Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; ứng dụng công nghệ cao như: nuôi tôm siêu thâm canh; sử dụng chíp điện tử theo dõi sức khỏe và thức ăn chăn nuôi heo giống; công nghệ tự động kiểm soát nhiệt độ, nước uống, thức ăn chăn nuôi gà công nghiệp…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) Lê Minh Hoan nhấn mạnh, tiếp cận và làm chủ công nghệ số sẽ là chìa khóa quan trọng để người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật vào toàn bộ quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Bộ đã tích cực làm việc với các bộ, ngành để đưa các ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực nông nghiệp như: công nghệ viễn thám, cổng truy xuất nguồn gốc nông sản trên nền tảng số; nhận diện, tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc trong chính sách hợp tác phát triển nghiên cứu, ứng dụng… Đặc biệt, với hợp tác xã, bà con nông dân, CĐS sẽ là các giải pháp đa dạng, đa kênh, đa tương tác về "tri thức hóa nông dân"; giới thiệu các nền tảng số, các kênh thương mại điện tử, các ứng dụng mạng xã hội, kết nối tiêu thụ nông sản nhằm: "đưa chợ về vườn", đưa thị trường về đến tận ao cá, vườn cây, thửa ruộng.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, CĐS, số hóa trong nông nghiệp giúp "giải quyết vấn đề ly nông, ly hương”. Nhờ vào sức mạnh của công nghệ, người dân có thể không làm nông, nhưng trên mảnh đất quê hương mình, vẫn có những cách thức mới, công cụ mới để làm giàu, thoát nghèo. Phát triển dựa trên công nghệ là hướng phát triển bền vững, phát triển xanh tại Việt Nam.
Hiến kế đẩy nhanh CĐS trong nông nghiệp
Thời gian qua, các đơn vị của Bộ NN-PTNT thường xuyên cập nhật và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai... với nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công cuộc số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương cũng đang đối mặt với không ít rào cản và thách thức như: nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số còn hạn chế; sự kết nối, chia sẻ, liên kết giữa các bên liên quan (cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp, doanh nghiệp công nghệ, hợp tác xã, người nông dân) còn chưa chặt chẽ…
Giám đốc Trung tâm CĐS và thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho hay: “Việt Nam cần thực hiện số hóa dữ liệu ngành bằng cách đẩy mạnh phát triển các nền tảng số, ứng dụng số, hệ thống dữ liệu lớn của ngành. Qua đó, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, trung tâm dữ liệu quốc gia một cách thống nhất, đồng bộ”.
Đại diện Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) Dương Trọng Hải góp ý, để ứng dụng, phát triển nông nghiệp số không phải là vấn đề đầu tư cho doanh nghiệp công nghệ, mà là đầu tư cho doanh nghiệp nông nghiệp đầu tàu sẵn sàng số hóa. Doanh nghiệp này sẽ dẫn dắt hợp tác xã, nông dân CĐS, khi đó sẽ tạo thành thị trường số. CĐS không phải là công nghệ, mà là dữ liệu số, chuyên môn hóa. Chính sách cần hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu chuỗi. Hiện có khoảng 20 ngàn hợp tác xã nông nghiệp, VNPT sẵn sàng chia sẻ khó khăn với các hợp tác xã.
Tại hội nghị, nhiều hiệp hội cũng ghi nhận những giá trị mà CĐS mang lại. Cụ thể, CĐS có thể giúp doanh nghiệp thủy sản giảm chi phí từ 7-25%. Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài chia sẻ, thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ và sắp tới là Quy định chống mất rừng (EUDR) của châu Âu, công nghệ số sẽ giúp ngành chứng minh điều đó. Khi Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, hàng hóa Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều cuộc điều tra về thuế, gỗ hợp pháp.... Nếu doanh nghiệp CĐS sớm vận hành sản xuất, quản lý sẽ vượt qua được các “hàng rào” của các thị trường.
Theo baodongnai.com.vn