Chuyển dịch năng lượng tái tạo có dấu hiệu chậm lại
02/06/2024TN&MTSự chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng tái tạo trong các lĩnh vực tiêu thụ năng lượng lớn đã chậm lại vào năm 2023 do bị cản trở bởi những lỗ hổng pháp lý, áp lực chính trị và việc không đặt ra mục tiêu rõ ràng.
Tuabin gió ở Frodsham, Vương quốc Anh
Đánh giá hàng năm của Mạng lưới chính sách REN21 có trụ sở tại Paris cho biết, đại dịch Covid-19 và xung đột vũ trang ở nhiều nơi trên thế giới đã giúp tham vọng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về an ninh năng lượng, nhưng các chính phủ đã không duy trì được đà phát triển.
REN21 cho biết, đến cuối năm ngoái chỉ có 13 quốc gia, trong đó có Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc thực hiện chính sách về năng lượng tái tạo trong các tòa nhà, ngành công nghiệp, giao thông và nông nghiệp, với chỉ 12,7% năng lượng mà các ngành tiêu thụ đến từ các nguồn sạch.
REN21 - tập hợp các tổ chức chính phủ, tổ chức nghiên cứu và tổ chức phi chính phủ để thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch cho biết, nhiều quốc gia thậm chí đã đi ngược lại tham vọng của mình: trong số 69 quốc gia đặt mục tiêu năng lượng tái tạo cho người dùng cuối, chỉ có 17 quốc gia gia hạn mục tiêu sau năm 2024.
Giám đốc điều hành của REN21 - Rana Adib cho biết: Các chính phủ về cơ bản đã rút lui khỏi tham vọng mà họ đặt ra và các lĩnh vực tiêu thụ năng lượng không còn động lực kinh tế nữa.
Báo cáo cảnh báo việc các nước chậm cải cách và hàng nghìn tỷ USD vẫn được trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là trong công nghiệp và nông nghiệp đã cản trở quá trình chuyển đổi năng lượng.
Bà Adib cho biết, giá nhiên liệu hóa thạch giảm vào năm 2023 cũng định hình việc hoạch định chính sách và tranh luận về chi phí chuyển đổi sang năng lượng sạch ngày càng gay gắt, đặc biệt là khi nhiều quốc gia tiến tới bầu cử.
Việc khử carbon trong ngành công nghiệp nặng vẫn là một thách thức lớn, trong đó, các lĩnh vực khó giảm bớt như xi măng và thép cho rằng, năng lượng tái tạo không thể tạo ra mức nhiệt cần thiết để lò nung và lò cao hoạt động. Nhưng theo bà Adib, mặc dù quá trình chuyển đổi trong công nghiệp có thể gặp nhiều thách thức hơn vận tải nhưng vẫn có các giải pháp, như việc sử dụng lò hồ quang điện để sản xuất thép.
Theo daidoanket.vn