Cây xanh đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, mang lại cảnh quan môi trường và đem tới cho chúng ta bầu không khí trong lành. Hưởng ứng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” và lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỉ cây xanh. Mới đây, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Công ty Truyền thông King Land tổ chức chương trình “Trường xanh” tại Khu Đô thị Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
"Trường xanh" là dự án cộng đồng nhằm góp phần tuyên truyền giáo dục thế hệ trẻ trồng cây xanh bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, mang thông điệp “Vì học đường xanh”, chương trình phát huy tinh thần yêu thiên nhiên môi trường của các học sinh, sinh viên và giáo viên tại các trường học trên cả nước; đồng thời lan tỏa tình yêu thiên nhiên, môi trường đến mọi tầng lớp nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp nhân rộng hoạt động trồng cây nhiều hơn nữa trong các trường học, góp phần quan trọng vào việc ứng phó biến đổi khí hậu, điều hòa khí hậu, mang lại môi trường trong lành và sức khỏe cho học sinh, sinh viên.
Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội PGS. TS Nguyễn Hoàng Hải, PGS. TS Nguyễn Hiệu; Tổng biên tập Tạp chí TN&MT Đào Xuân Hưng trao kỷ niệm chương trình "Trường xanh" cho các doanh nghiệp đồng hành cùng chương trình
Cây xanh luôn được coi là "lá phổi" của Trái đất. Trồng nhiều cây xanh giúp giảm khí độc hại, giúp không khí trở nên trong lành hơn. Theo PGS.TS. Nguyễn Hiệu, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường triển khai chương trình “Trường xanh” tại Đại học Quốc gia Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự chăm sóc hướng tới tương lai.
Theo PGS.TS. Nguyễn Hiệu, Xuân Quý Mão vừa qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức chương trình “Tết trồng cây”. Đây được coi là một trong những hoạt động rất ý nghĩa trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 30 năm ngày Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký quyết định thành lập Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
PGS.TS. Nguyễn Hiệu, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội
"Việc đưa Đại học Quốc gia Hà Nội lên Hòa Lạc, là cả quá trình cố gắng. Đại học Quốc gia Hà Nội đã có kế hoạch 300 ngày liên tiếp, mất rất nhiều công sức để bắt đầu hoạt động từ ngày 1/6/2022”, PSG.TS. Nguyễn Hiệu chia sẻ. “Để làm được việc đó cần sự hỗ trợ quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan; sự quyết tâm chính trị của toàn thể tập thể lãnh đạo, cũng như sự nỗ lực không ngừng của cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Bên cạnh đó, còn có sự giúp đỡ và hỗ trợ đồng hành của các nhà tài trợ, các doanh nghiệp, đặc biệt là các cựu sinh viên của trường đã giúp thực hiện ước mơ phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội”.
Với mục đích môi trường giáo dục toàn diện “xanh - sạch - đẹp”, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có kế hoạch trồng 10.000 cây xanh trong 100 ngày đầu tiên của Xuân Quý Mão. Theo đó, lượng cây trồng chủ yếu là cây thân gỗ lâu năm, đảm bảo nguyên tắc trồng cây có tầm nhìn lâu dài, có giá trị kinh tế, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp với hoa, trái theo mùa, tận dụng tối đa nước mưa và giảm chi phí chăm sóc thường xuyên; các khu vực trồng cây theo quy hoạch và dự án được duyệt; tạo các vườn ươm trên các khu đất dự trữ để không ảnh hưởng đến các công trình chuẩn bị xây dựng; trồng cây đa tầng tại các tuyến đường…
Theo PGS.TS. Nguyễn Hiệu, kế hoạch trồng 10.000 cây xanh tại Khu Đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội là kế hoạch tâm huyết của GS.TS. Lê Quân - Đại biểu Quốc hội khoá XV, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. “Chúng tôi thường nói vui với thầy Lê Quân là Chủ tịch Hội cây cảnh của Trường. Thầy rất tâm huyết với hoạt động trồng cây, quyết tâm rất cao trong việc trồng và phủ xanh Hòa Lạc. Trồng 10.000 cây xanh đảm bảo cho Hòa Lạc xanh, là nơi quanh năm 4 mùa đều có hoa trái - đó là tâm huyết của thầy giám đốc”.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Nội thất ViNai trao tặng tủ sách "Trường xanh" cho Trung tâm Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội
Là người xây dựng ý tưởng và tổ chức chương trình “Trường xanh”, TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban Tổ chức chương trình “Trường xanh” cho biết, đây là một chương trình có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tuyên truyền các em học sinh, sinh viên lan tỏa tình yêu thiên nhiên, trồng cây xanh và bảo vệ môi trường. Đồng thời, chương trình cũng nhằm thu hút sự quan tâm, chung tay của cộng đồng tham gia trồng cây xanh tại các trường học, góp phần tạo cảnh quan môi trường, không gian văn hoá xanh, sạch, đẹp, mang lại bầu không khí trong lành cho học sinh, sinh viên.
Đây cũng là hoạt động thường xuyên của Tạp chí TN&MT nhằm hưởng ứng tinh thần và thuấn nhuần tư tưởng của Bác Hồ “Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” và hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ trồng 1 tỷ cây xanh và Bộ TN&MT vì Việt Nam xanh.
Biến đổi khí hậu đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc trồng cây xanh thể hiện tinh thần vì màu xanh, vì mục tiêu cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 là giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Ngoài chương trình “Trường xanh”, Tạp chí TN&MT còn thường xuyên tổ chức các chương trình thường niên như: “Chùa xanh”, “Xuân ấm mầm xanh”… Đến nay, chương trình “Chùa xanh” do Tạp chí TN&MT khởi xướng, đã trồng được khoảng 7.249 cây xanh ở các chùa, đền: Chùa Thắng Phúc, Hải Phòng; chùa Đại Tuệ, Nghệ An; chùa Đồng, Thanh Hoá; chùa Kim Dung, Hà Tĩnh; đền Sóc Sơn, Hà Nội; chùa Quỳnh Lâm, Quảng Ninh; chùa Phúc Lạc, Hà Nam; chùa Núi Một, Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu; chùa Phước Vân, Đắk Lắk và được tiếp tục triển khai trong nhiều năm tiếp theo.
Chương trình "Trường xanh" được tổ chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội (Hòa Lạc, Thạch Thất, Hà Nội)
Vốn là cựu sinh viên báo chí của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, TS. Đào Xuân Hưng "Mong muốn tuyên truyền tình yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường sâu rộng hơn nữa trong phong trào trồng cây xanh, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu. Những hoạt động ý nghĩa như vậy sẽ tiếp tục được nhân rộng, thông qua chương trình góp phần tuyên truyền giáo dục thế hệ trẻ tích cực trồng mới, chăm sóc cây xanh và nâng cao nhận thức, hành động bảo vệ môi trường ngay khi còn là học sinh, sinh viên.
Trường học là những nơi ươm mầm xanh cho thế hệ tương lai, để phát triển tốt những thế hệ về sau sẽ không thể thiếu đi những cây cảnh, cây gỗ quý lâu năm, cây bóng mát đô thị, cây ăn quả…. nhằm tạo không gian thiên nhiên thoáng đãng giúp các em sinh viên có một môi trường học tập lành mạnh”. TS. Đào Xuân Hưng nhấn mạnh.
PGS, TS. Trần Thị Thanh Tú, Trưởng ban xúc tiến đầu tư, Đại học Quốc gia Hà Nội trao kỷ niệm chương của Đại học Quốc gia Hà Nội cho TS. Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường
Tại chương trình, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường tiến hành trồng mới 3.000 cây xanh, trong đó có 400 cây sưa, 800 cây sao đen, 700 cây lát, 1100 cây giáng hương. TS. Đào Xuân Hưng hy vọng sau khi được trồng, cây sẽ sinh sôi nảy nở, phát triển tốt đơm hoa, kết trái góp phần vào màu xanh của một trong những ngôi trường lớn nhất Việt Nam - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT, mục đích của chương trình không chỉ là ở số lượng cây được trồng, mà chính là công tác chăm sóc cho cây xanh phát triển, sinh sôi nảy nở và đơm hoa kết trái, nên rất cần có sự đồng hành phối hợp triển khai chương trình của các thầy cô giáo, các em học sinh, sinh viên, Đoàn Thanh niên, các tổ chức, doanh nhân, doanh nghiệp. Qua hoạt động này, Ban tổ chức chương trình cũng kêu gọi của các cá nhân, doanh nhân, mạnh thường quân, nhà hảo tâm trao tặng cây xanh, học bổng, tủ sách học tập, thiết bị dạy học, đồ dùng học tập, đồng phục mới cho các trường học, em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng cao, vùng hải đảo.
TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường trao tặng tủ sách "Trường xanh" cho Trung tâm Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội
Thầy Nguyễn Công Nhàn, Chủ tịch Cựu giáo chức của trường, hoạt động trồng cây đầu năm có ý nghĩa rất lớn, cùng nhau tạo nên một môi trường “Xanh - sạch - đẹp” tại khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội, biến nơi đây thành nơi làm việc và nghỉ ngơi có bầu không khí trong lành nhất, mát mẻ nhất.
Đề án “Vì một Việt Nam xanh”, đến năm 2025 sẽ trồng được 1 tỷ cây xanh. Trong đó gần 700 triệu cây trồng phân tán tại các khu đô thị và vùng nông thôn, hơn 300 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc rựng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo thầy Nhàn, việc trồng cây xanh tại khuôn viên Khu Đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội của Tạp chí Tài nguyên và Môi trường hôm nay đã góp phần tích cực vào chủ trương của Chính phủ, cam kết Net Zero giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Không dừng lại ở việc trồng cây xanh, chương trình “Trường xanh” còn kêu gọi các cá nhân, doanh nhân, mạnh thường quân trao tặng học bổng, tủ sách học tập, thiết bị dạy học, đồ dùng học tập, đồng phục mới cho các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng cao, vùng hải đảo. Với việc trao tặng tủ sách và 50 thùng đựng rác, TS. Đào Xuân Hưng mong muốn chương trình được nhân rộng và lan toả tình yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường đến cộng đồng.
Tiếp theo, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức chương trình "Chùa xanh" trồng 1008 cây xanh tại Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Tú Quyên