Chung tay bảo vệ môi trường biển
25/12/2022TN&MTUBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch truyền thông về biển và đại dương trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Mục tiêu của kế hoạch là huy động sự vào cuộc của cộng đồng để bảo vệ môi trường (BVMT) biển và đại dương, hướng đến phát triển bền vững trong tương lai.
Công nhân VESCO thu gom rác thải đại dương trên bãi biển Vũng Tàu.
Rác đại dương ngày càng nhiều
Những ngày đầu tháng 12 vừa qua, hàng chục tấn rác thải đại dương lại trôi dạt vào khu vực biển Bãi Sau, TP.Vũng Tàu. Gần 200 cán bộ, công nhân Công ty CP Dịch vụ môi trường và Công trình đô thị Vũng Tàu (VESCO), lực lượng vũ trang, phụ nữ, đoàn thanh niên các phường đã được huy động thu gom rác trên bãi biển nhưng vẫn không xuể.
“Chưa có năm nào tình trạng rác đại dương lại nhiều và kéo dài đến tận gần 7 tháng như năm nay. Có ngày công nhân và người dân địa phương phải thu gom khoảng 10 tấn rác với đủ loại từ khắp nơi trôi dạt về”, ông Nguyễn Xuân Hậu, Phó Tổng giám đốc VESCO chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN-MT nhận định, những năm gần đây, rác đại dương trôi dạt vào bãi biển tỉnh nhiều, khối lượng ngày càng lớn gây khó khăn trong thu gom, xử lý. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là người dân làm nghề biển chưa có ý thức, trách nhiệm thu gom rác thải để đưa vào bờ xử lý, vẫn có thói quen vứt bỏ những dụng cụ hư hỏng, vật dụng khó tiêu hủy như: thùng xốp, nhựa, túi ni lông xuống biển.
Ngoài ra, việc khai thác chưa hợp lý các nguồn tài nguyên trên khu vực đã làm cho môi trường, các nguồn lợi biển rơi vào tình trạng ngày càng suy giảm và biến đổi phức tạp. Các hoạt động hàng hải trên hệ thống cảng; nước thải từ khu công nghiệp, chế biến thủy sản; tốc độ đô thị hóa... không tuân thủ quy định về BVMT gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng như: ô nhiễm môi trường nước và trầm tích tại các vùng ven biển, cửa sông.
Tình trạng chặt phá rừng ngập mặn ven biển cũng là nguyên nhân phổ biến gây phá vỡ thế cân bằng tự nhiên. Việc lấn biển xây dựng nhiều công trình kiến trúc, du lịch, dịch vụ, sản xuất kinh doanh ven biển không theo quy hoạch ở nhiều nơi đã gây ra sự biến đổi địa hình, thay đổi dòng chảy và ngập nước, gây bồi lắng và xói lở vùng cửa sông, cửa biển ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Huy động sức mạnh của người dân
Để huy động sức mạnh của người dân tham gia BVMT và tài nguyên biển, cuối tháng 11/2022, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch 201/KH-UBND truyền thông về biển và đại dương trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030. Mục tiêu của kế hoạch nhằm thực hiện hiệu quả quan điểm, mục tiêu công tác truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; phát triển bền vững kinh tế biển của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030. Từ đó, tạo sự đồng thuận, huy động sự tham gia của các cấp, ngành, người dân trong công cuộc bảo vệ biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển.
Theo Sở TN-MT, đơn vị đã chủ động kiểm soát, giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư vào khu vực ven biển có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; phòng ngừa sự cố gây ô nhiễm môi trường biển; hướng dẫn các địa phương tổ chức thu gom và xử lý chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt theo quy chuẩn môi trường.
Ngoài ra, Sở TN-MT đã tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch liên quan đến biển, đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, đảo; bảo đảm sự gắn kết hài hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển vùng đất liền, vùng ven bờ, biển và hải đảo của tỉnh. Cùng với đó, Sở tổ chức quan trắc, theo dõi ô nhiễm môi trường biển; phát động chiến dịch “Làm sạch biển”, mô hình “Ngày thứ bảy xanh” nhằm kêu gọi người dân cùng chung tay vào công tác bảo vệ môi trường biển tại địa phương.
Theo baobariavungtau.vn