"Chùa xanh" là chương trình được Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức thường xuyên tại các chùa trên mọi miền đất nước. Với thông điệp "Vì một Việt Nam xanh", chương trình thu hút sự quan tâm, chung tay của xã hội trong việc tham gia trồng cây xanh tại các chùa, đền, địa điểm di tích văn hóa; góp phần tạo cảnh quan môi trường, không gian văn hóa xanh, sạch, đẹp cho các khu di tích, đền, chùa… đồng thời mang lại bầu không khí trong lành, thanh tịnh cho nhân dân, phật tử, du khách tham quan…
TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT, Trưởng ban tổ chức chương trình cho biết, "Chùa xanh" là dự án cộng đồng nhằm hưởng ứng chương trình "Trồng 1 tỷ cây xanh" của Thủ tướng Chính phủ và Bộ TN&MT. Theo TS. Đào Xuân Hưng, việc trồng cây xanh không chỉ là truyền thống và nét đẹp văn hoá của người dân Việt Nam, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu, tăng cường màu xanh cho đất nước.
Hình ảnh trồng cây chương trình "Chùa xanh" do Tạp chí TN&MT tổ chức trước đây
Mới đây, Tạp chí TN&MT tổ chức chương trình "Chùa xanh" tại chùa Hộ Quốc (xã Dương Tơ, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), Tham dự chương trình có: TS. Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội khoá 14, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội; Thượng tọa Thích Trúc Thông Kiên, Trụ trì chùa Hộ Quốc; TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT cùng các vị chư tôn thiền đức, đại đức, tăng ni, quý đại biểu, khách quý, quý phật tử và nhân dân trên đảo Phú Quốc; đại diện Công ty Cổ phần Truyền thông King Land đồng hành cùng chương trình.
Tại đây, ban tổ chức tiến hành trồng mới 139 cây gồm: Chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, xoài… Theo kế hoạch, chương trình sẽ tiếp tục triển khai trồng cây xanh tại các chùa, đền, khu di tích văn hóa tiếp theo. Đây là một chương trình mang ý nghĩa giá trị nhân văn sâu sắc và lan tỏa về tình yêu thiên nhiên, yêu môi trường, mang lại ý nghĩa thiết thực cho môi trường và cộng đồng.
Tham gia chương trình trồng cây "Chùa xanh" tại Phú Quốc, TS. Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội chia sẻ ông đã nhiều lần đến Phú Quốc, mỗi lần tâm thế luôn suy nghĩ và trăn trở làm thế nào để nơi đây mãi xanh, xứng đáng là thiên đường biển đảo bậc nhất Việt Nam. Theo ông, Phú Quốc được ưu ái gọi tên là đảo Ngọc vì tiềm ẩn sức hấp dẫn kỳ lạ, một thiên đường rực nắng giữa hàng cây nhiệt đới xanh mát; làn nước trong lành, thiên nhiên hoang sơ chính là điểm hấp dẫn của Phú Quốc.
TS. Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ, chương trình trồng cây “Chùa xanh” tại chùa Hộ Quốc do Tạp chí TN&MT cùng các đơn vị đồng hành tổ chức là việc làm rất có ý nghĩa, tính nhân văn cao, mang đến hiệu ứng tích cực nhằm hưởng ứng Đề án 524 của Thủ tướng Chính phủ. TS. Lưu Bình Nhưỡng hy vọng mô hình này được lan toả và nhân rộng, sẽ có nhiều chủ thể khác đến đây, phát tâm trong sáng của mình để đóng góp vào việc gìn giữ và phát triển môi trường, phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ quốc phòng an ninh ở nơi có vị trí vô cùng xung yếu và quan trọng này. Đồng thời bày tỏ sự xúc động và hoan nghênh Tạp chí TN&MT tổ chức trồng cây tại đây. TS. Lưu Bình Nhưỡng hy vọng rằng, mô hình này sẽ được tích cực vận động, tuyên truyền để lan toả, nhân rộng ra toàn xã hội.
Ban Tổ chức trao tặng cây xanh cho chùa Hộ Quốc (xã Dương Tơ, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang)
Thượng tọa Thích Trúc Thông Kiên, Trụ trì chùa Hộ Quốc (xã Dương Tơ, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) cho biết, đạo Phật từ xa xưa đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt, nơi nào có cuộc sống sinh tồn thì nơi đó có chùa chiền và tượng Phật. Trải qua gần 2000 năm có mặt tại Việt Nam, qua bao thăng trầm lịch sử, Phật giáo luôn gắn bó với đời sống tâm linh của người Việt.
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông
Thượng tọa Thích Trúc Thông Kiên cho biết thêm, nhà Lý và nhà Trần là hai triều đại vô cùng thịnh trị của nước ta. Phật giáo thời nhà Lý được xem là giai đoạn phát triển hưng thịnh nhất trong các triều đại phong kiến, tạo nên những nền tảng cơ bản về cả giáo lý, kiến trúc, văn hoá, đi sâu vào đời sống nhân dân. Vị vua đầu tiên của nhà Lý, vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) là con nuôi Sư Lý Khánh Vân, là học trò của Sư Vạn Hạnh, nên ông cũng là một phật tử thuần thành thấm nhuần giáo lý Phật. Lý Công Uẩn lên ngôi lập nên triều Lý một phần nhờ Thiền Sư Vạn Hạnh. Vua Lý Công Uẩn đã vận dụng học thuật và tư tưởng Phật giáo vận dụng vào việc cai trị đất nước. Phật giáo thời kỳ này trở thành Quốc giáo.
Nhà Trần là một trong những triều đại phong kiến rực rỡ và nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam và là một trong những giai đoạn đạo Phật hoà nhập sâu rộng vào lòng dân tộc, thời kỳ này Phật giáo đã thích nghi với phong tục và văn hoá Việt Nam. Những vị vua đầu triều Trần như: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông đều là những Phật tử, trong đó vua Trần Nhân Tông đã xuất gia đi tu, khai sáng Thiền phái Trúc Lâm - niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam.
Thượng tọa Thích Trúc Thông Kiên bày tỏ sự vui mừng khi chương trình “Chùa xanh” được tổ chức tại chùa Hộ Quốc. Theo Thượng tọa, môi trường và con người có mối quan hệ mật thiết với nhau, con người huỷ diệt môi trường thì môi trường cũng sẽ huỷ diệt con người, đó là sự tương tác của cuộc sống. Thượng tọa cho biết thêm, mọi người dân nơi đây đều ý thức và đồng tâm đồng lòng trong việc bảo vệ môi trường, tuy nhiên không có ai đứng ra tổ chức. Chương trình trồng cây “Chùa xanh” do Tạp chí TN&MT và các đơn vị đồng hành tổ chức thực sự rất có ý nghĩa. Thượng tọa mong rằng sẽ có thêm nhiều cây xanh được trồng, nhiều chùa trở thành “địa chỉ xanh” trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các chư tôn, phật tử.
Thầy Thích Trúc Thông Kiên mong rằng chương trình “Chùa xanh” được lan toả và gắn kết, tạo thành làn sóng tích cực để thức tỉnh cho mọi người thấy ý nghĩa của việc trồng cây. “Việc làm này chính là thành tựu tốt đẹp lưu giữ cho mai sau có được bóng mát, có được những vườn cây ăn trái, có được tất cả hoa thơm, quả ngọt của ông cha để lại”, thầy Kiên nhấn mạnh.
TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT, Trưởng ban tổ chức chương trình "Chùa xanh"
TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT, Trưởng ban tổ chức chương trình chia sẻ, "Chùa xanh" góp phần tuyên truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là sự chung tay của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể bằng những hành động thiết thực hiệu quả mang lại không gian xanh chốn tôn nghiêm.
“Thêm một cây xanh được trồng sẽ góp phần tuyên truyền giáo dục thế hệ trẻ hôm nay luôn thường trực ý thức trồng cây xanh, bảo vệ môi trường vì màu xanh của cuộc sống”. TS. Đào Xuân Hưng nhấn mạnh.
Với thông điệp “Vì môi trường xanh”, chương trình truyền tải và phát huy tinh thần chung tay của cộng đồng, cá nhân, tổ chức; huy động sức mạnh tổng hợp nhân rộng hoạt động trồng cây để ứng phó với tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường hiện nay. Qua đó, lan tỏa đến đông đảo các tăng ni, phật tử, nhân dân trong việc cải thiện môi trường sinh thái, phòng, chống thiên tai, điều hòa khí hậu, mang lại một cuộc sống trong lành và khỏe mạnh cho nhân dân.
Mục tiêu của chương trình không chỉ là ở số lượng cây được trồng, mà chính là công tác chăm sóc cho cây xanh phát triển, sinh sôi nảy nở và đơm hoa kết trái, nên rất cần có sự đồng hành phối hợp triển khai chương trình của các các phật tử, tổ chức, doanh nhân, doanh nghiệp và các đơn vị.
Đến nay, chương trình “Chùa xanh” đã trồng được 10.160 cây xanh tại các chùa, đền: Chùa Thắng Phúc (Hải Phòng), chùa Đại Tuệ (Nghệ An), chùa Đồng (Thanh Hóa), chùa Kim Dung (Hà Tĩnh), đền Sóc Sơn (Hà Nội), chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh), chùa Phúc Lạc (Hà Nam), chùa Núi Một (Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu), chùa Phước Vân (Đắk Lắk), chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc (Cao Bằng); chùa Linh Quang (Điện Biên) và chùa Hộ Quốc (TP. Phú Quốc, Kiên Giang). Chương trình sẽ được tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Tú Quyên