Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phát triển kinh tế số và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
03/11/2024TN&MTGia tăng đầu tư, đặc biệt là đầu tư công nhằm nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng và dịch vụ số thiết yếu và rộng khắp là giải pháp cần thiết để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp được sử dụng những tiện ích do kinh tế số mang lại.
Xây dựng các khu công nghiệp xanh để phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh
Tại báo cáo Kiến nghị Quý III/2024 về một số chủ đề quan trọng của nền kinh tế trong thời gian qua gửi đến Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đề cập đến 4 chủ đề chính. Trong đó có nội dung thúc đẩy phát triển kinh tế số và thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hoàn thiện về thể chế và cơ sở dữ liệu phát triển kinh tế số
Theo Giáo sư Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định, kinh tế số đạt tỷ trọng 20% GDP đến năm 2025 và 30% đến năm 2030.
Báo cáo Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045 của Tổ chức Data61 (Australia) cho thấy, GDP Việt Nam có thể tăng thêm hằng năm từ 0,38 đến 1,1% tùy vào các kịch bản khác nhau của chuyển đổi số.
Trong bối cảnh phát triển kinh tế số như hiện nay, Trường Đại học Kinh tế quốc dân kiến nghị Chính phủ cần chú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo khuôn khổ cho phát triển kinh tế số trên quy mô cả nước cũng như thể chế vùng kinh tế và địa bàn tỉnh, thành phố.
Hoàn thiện khung thể chế, cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo phù hợp với các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số, nhất là các mô hình và phương thức kinh doanh mới để kinh tế số sớm tăng quy mô và gia tăng tỷ trọng đóng góp trong tăng trưởng nói chung.
Theo đó, Chính phủ cần có chế khuyến khích đổi mới và đầu tư vào nền kinh tế số ở các bộ phận cấu thành như kinh tế số lõi, nền tảng và số hóa các ngành, tạo ra sân chơi bình đẳng cho các công ty mới và đã thành lập; thúc đẩy cạnh tranh, ngăn chặn các công ty thống trị tham gia vào các hành vi phản cạnh tranh và bảo đảm cạnh tranh là công bằng và cởi mở trong nền kinh tế số.
Cần gia tăng đầu tư, đặc biệt là đầu tư công nhằm nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng và dịch vụ số thiết yếu và rộng khắp, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp được sử dụng những tiện ích do kinh tế số mang lại; chuyển từ ứng dụng công nghệ, “bắt chước” trong công nghệ, sang phát triển công nghệ, và các doanh nghiệp số Việt Nam cần lĩnh trọng trách này trong phương thức tăng trưởng của những thập niên tới.
Đáng lưu ý, Trường Đại học Kinh tế quốc dân kiến nghị cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phát triển kinh tế số và các lĩnh vực liên quan đến trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh mới; dành nhiều nguồn lực hơn cho phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế số.
Theo đó, Nhà nước cần có chiến lược và kế hoạch cung cấp giáo dục và đào tạo để mọi người dân đều có được những kỹ năng và kiến thức cần thiết để tham gia vào nền kinh tế kỹ thuật số.
Thúc đẩy phát triển kỹ năng số; giải quyết tình trạng thiếu kỹ năng trong nền kinh tế kỹ thuật số bằng cách bảo đảm có đủ công nhân lành nghề và được đào tạo để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế kỹ thuật số.
Gỡ rào cản công nghệ trong ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn
Thông qua các hội thảo khoa học, Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, kinh tế tuần hoàn là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, cải thiện năng suất lao động, tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng mới, hiệu quả cao, hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với bảo vệ môi trường.
Qua đó góp phần thực hiện các cam kết về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, trung hòa các bon và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Hiện nay, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn kinh tế tuần hoàn được xây dựng và đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để có thể đưa các mục tiêu thực hiện kinh tế tuần hoàn vào cuộc sống, đầu tư cho đào tạo và nâng cao năng lực công nghệ thực hiện kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất cần thiết.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Đức Trường, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, kết quả khảo sát các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam về động lực và rào cản trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn được thực hiện tháng 6/2022 bởi Nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho thấy, nhu cầu số một của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay là hiểu rõ hơn về kinh tế tuần hoàn để có thể đưa ra quyết định thực hiện.
Ngoài ra, nhận thức và hiểu biết tốt hơn về kinh tế tuần hoàn cũng sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua rào cản về “văn hóa do dự” của các doanh nghiệp.
Do đó, cần nâng cao nhận thức và kiến thức của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông, tập huấn phổ biến kiến thức, pháp luật về kinh tế tuần hoàn.
Rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt trong quá trình thực hiện kinh tế tuần hoàn chính là công nghệ, thể hiện qua việc thiếu thông tin theo dõi và đánh giá tính tuần hoàn của các dự án quy mô lớn thành công, từ đó thiếu thông tin để giới thiệu các mô hình thực hành kinh tế tuần hoàn tốt nhất.
Để tháo gỡ rào cản này, cần xây dựng cơ chế nhằm khuyến khích đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp của Việt Nam.
Theo đó, Nhà nước cần rà soát lại hoạt động R&D của các doanh nghiệp để có các cơ chế “mồi” nhằm khuyến khích đẩy mạnh hoạt động R&D tại doanh nghiệp. Đồng thời cần xây dựng và phát triển các chương trình chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp lớn; khuyến khích và hỗ trợ số hóa các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Kết quả khảo sát của Nhóm nghiên cứu cũng cho thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu tìm kiếm các đối tác phù hợp để cùng phối hợp phát triển sản phẩm mang tính tuần hoàn. Do đó, cần xây dựng, vận hành nền tảng kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu về áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Đồng thời xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp tuần hoàn nhằm phát triển các mạng lưới cộng sinh công nghiệp.
Về lâu dài, cần thiết kế lộ trình xây dựng và áp dụng các quy định pháp lý về yêu cầu bắt buộc sử dụng nguyên liệu tái chế dựa trên nền tảng hợp tác liên ngành, nhằm cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng các hoạt động tuần hoàn trên toàn bộ chuỗi giá trị và ngành.
Theo nhandan.vn