
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác bảo vệ môi trường qua câu chuyện Tết trồng cây
30/09/2021TN&MTĐể góp phần to lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và thể hiện rõ quan điểm, tư tưởng lớn của vị lãnh đạo vĩ đại của dân tộc về chiến lược phát triển KT-XH và sự nghiệp về BVMT, ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Pháp lệnh trồng rừng trong cả nước.
Trong Pháp lệnh, Người khuyên nhân dân cả nước nên tích cực trồng rừng, Người nói: “Trồng rừng vừa không tốn kém, lại mang về lợi ích lâu dài cho đất nước”. Mùa xuân năm 1960, Người ra lời kêu gọi toàn dân thực hiện “Tết trồng cây” với mong muốn: Trong mười năm thực hiện, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều này sẽ góp phần quan trọng vào cải thiện đời sống của nhân dân. Vượt qua thời gian, đến nay, lời kêu gọi Tết trồng cây của Người được quần chúng nhân dân cả nước hưởng ứng, phát huy rộng rãi, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống trong những ngày Xuân khi đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Trong quá trình sống và công tác dù là hoàn cảnh nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn gắn bó cuộc sống của mình với môi trường thiên nhiên. Với Người, thiên nhiên không chỉ là nơi cung cấp các điều kiện sống và phục vụ cho công tác mà thiên nhiên còn là người bạn, là người cổ vũ, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Vì thế, các yếu tố của thiên nhiên như: Sông, núi, trăng, sao, cỏ cây, hoa lá,... thường xuất hiện trong thơ của Người. Với vai trò to lớn của môi trường, sinh thời, Người đã có chủ trương sống hài hòa với môi trường tự nhiên từ rất sớm. Người luôn căn dặn cán bộ và nhân dân phải chọn những nơi ở đảm bảo các điều kiện tốt cho sức khỏe. Người nói: “Trên có núi, dưới có sông, có đất ta trồng, có bãi ta vui,... việc làm nhà là phải thoáng, ráo, kín, mát”. Khi về Hà Nội, trong khu nhà ở đơn sơ, Người đã tạo ra một vườn thiên nhiên tuyệt đẹp, Người trồng nhiều cây xanh, chăm sóc ao cá cẩn thận, không cho ai xua đuổi hoặc bắn chim trong vườn. Người nói: “Chim là của quý từ thiên nhiên, phải bảo vệ chúng”. Đồng thời, Người luôn quan tâm đến việc xây dựng môi trường sống trong lành, sạch, đẹp. Từ những việc làm thiết thực của Người, liên hệ từ thời điểm giữa Thế kỷ XX, khi các vấn đề về môi trường còn chưa đặt ra cấp bách như hiện nay và trong hoàn cảnh đất nước đang trải qua hai cuộc kháng chiến gian khổ để bảo vệ độc lập dân tộc, thì chúng ta mới thấy được tầm nhìn sâu sắc và lâu dài của Người về chiến lược phát triển bền vững của đất nước. Từ những công việc đời thường hàng ngày đến những quyết sách lớn, Người đã thể hiện mong muốn để xây dựng một môi trường sống trong lành cho thế hệ mai sau.
Với Người, trồng cây không chỉ để có bóng mát, trái ngọt cho hôm nay mà còn góp phần để lại thành quả cho ngày mai. Dù ở đâu, trong thời gian dài hay ngắn, Người đều tự tay trồng cây, làm xanh tươi những nơi mình đi qua. Nhân dân địa phương gọi những cây xanh được Người trồng bằng những tên gọi với tình cảm trìu mến như “Cây đa Bác Hồ,...”, Người luôn mong muốn tạo ra một môi trường sống trong lành cho đồng bào cả nước. Chính vì thế, Người đã phát động phong trào trồng cây rộng lớn trong toàn thể nhân dân, từ các em thiếu nhi, thanh niên cho đến các cụ phụ lão.
Tết trồng cây đầu tiên được Người phát động vào những ngày đầu mùa Xuân năm 1960, tại công trường Công viên Thống Nhất, khi hàng ngàn người từ các đơn vị ở Thủ đô Hà Nội đang hăng hái thi đua lao động xã hội chủ nghĩa, xây dựng công viên xanh, sạch, đẹp, trong lúc tiếng nói cười, tiếng cuốc xẻng đang vang cả một vùng. Bỗng có tiếng reo lên: Bác Hồ! Bác Hồ đến! Mọi người đều đổ dồn ánh mắt về phía cổng vào, Bác trong bộ quần áo màu nâu sẫm giản dị, nhanh nhẹn xuống xe đi vào công viên, tươi cười vẫy tay chào mọi người. Như có một sự lôi cuốn kỳ lạ, không ai bảo ai, mọi người trong công viên đều chạy ùa về phía Bác để đón chào. Đi đến bên một hố đất, Người đặt xuống hố một cây đa nhỏ, Bác xắn tay áo, xúc từng xẻng đất vun vào gốc cây trong tiếng vỗ tay hoan hô của người dân. Trồng cây xong, Bác ngồi xuống bên gốc cây vừa trồng, nhìn Bác giản dị và gần gũi. Kể từ đó, Người luôn cố gắng để đưa “Tết trồng cây” trở thành một truyền thống tốt đẹp của đồng bào ta mỗi khi Tết đến, Xuân về. Khi đến thăm các địa phương hay trường học, Người đều chú ý nhắc nhở về công tác vệ sinh môi trường và động viên mọi người tích cực trồng cây. Trong những dịp nói chuyện với thiếu nhi, thanh niên, Người không quên nhắc nhở, động viên các cháu trồng cây. Khi nói chuyện với thiếu niên, nhi đồng trong dịp Tết Trung thu năm 1960, Người căn dặn: “Các cháu tiếp tục trồng cây nhiều hơn nữa. Ở thành thị cũng như ở nông thôn, các cháu nên thành lập những đội nhi đồng chăm nom cây cối để giúp đồng bào trồng cây nào sống cây đó, tốt cây đó”. Với những địa phương có thành tích về trồng cây, Người đã có lời khen ngợi, nêu gương.
Mùa Xuân năm Kỷ Dậu, ngày 16/2/1969, khi sức khỏe của Bác yếu đi, việc bố trí để Bác trồng cây ở một địa phương là vấn đề khó khăn. Những người phục vụ Bác lo lắng nên nhiều lần đề nghị Bác hoãn lại việc trồng cây. Nhưng Bác rất kiên quyết, Người nói: “Đây là dịp kỷ niệm 10 năm Ngày phát động Tết trồng cây nên các chú phải bố trí cho Bác trồng cây ở một địa phương nào đó có nhiều thành tích,...” Sau đó, Bác gợi ý chọn xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây, đây là nơi có phong trào trồng cây tốt trong thời gian qua. Theo kế hoạch, Bác đến địa điểm trồng cây đúng giờ, khi đó đại biểu và nhân dân đã có mặt đông đủ tại các đồi trồng cây đón chờ Bác. Bác trực tiếp trồng thêm một cây đa, nhìn những xẻng đất, bình nước Bác tưới cho cây, mọi người ai cũng xúc động nghẹn ngào. Trồng cây xong, Bác cùng mọi người quây quần dưới tán bạch đàn, thân mật hỏi chuyện đầu năm và chúc Tết, Bác nói: “Đất nước này là của chúng ta nên phải ra sức thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi,...”. Khi Mặt trời đầu Xuân ấm áp đã lên tới đỉnh cao, mọi người bùi ngùi lưu luyến chia tay Bác ra về, tất cả mọi người có mặt trong buổi Bác trồng cây năm ấy không ai nghĩ đó là mùa xuân cuối cùng và cũng là cái Tết trồng cây cuối cùng của Bác.
Đến ngày hôm nay, chúng ta có được những rừng thông, rừng phi lao bát ngát, xanh rờn dọc chiều dài bờ biển, những con đường lớn, đường nhỏ được viền cây xanh tươi, những ngọn đồi được phủ xanh bóng mát,... Tất cả những khung cảnh này đã được Người sớm hình dung và ra sức gây dựng từ những “Tết trồng cây” đầy ý nghĩa. Từ những lợi ích thiết thực và tính nhân văn tốt đẹp của phong trào trồng cây mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công gây dựng, khi Người đã ra đi, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tiếp tục kế thừa và phát huy giá trị tốt đẹp đó. Cứ mỗi độ mùa xuân, Tết đến, đại diện cho lãnh đạo nhà nước, Chủ tịch nước ra lời kêu gọi đồng bào hăng hái tham gia trồng cây, kế hoạch “Tết trồng cây” được triển khai thực hiện rộng khắp từ trung ương đến các địa phương, từ các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức xã hội và trong toàn thể nhân dân. Phong trào Tết trồng cây đã và đang được nhân dân cả nước hưởng ứng với tinh thần trách nhiệm cao cả, tự giác.
ThS. HOÀNG VĂN SAO
Đại học Cảnh sát nhân dân
TRỊNH THÙY DƯƠNG
Bộ Tài nguyên và Môi trường