Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức
13/10/2022TN&MTChính phủ, Thủ tướng chính phủ luôn đồng hành, chia sẻ, lắng nghe doanh nghiệp để cùng vượt qua khó khăn, thách thức. Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong nhiều cuộc làm việc với cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua. Tinh thần này được người đứng đầu Chính phủ nhắc lại một lần nữa tại Hội nghị trực tuyến với các doanh nghiệp trên toàn quốc với chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững” diễn ra mới đây.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi động viên cán bộ, công nhân, người lao động Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1 (tháng 6 năm 2022).
Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ các yếu tố nền tảng cần duy trì và củng cố vững chắc, những nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn và cả lâu dài để cộng đồng doanh nghiệp vững bước vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động thích ứng, phát triển bền vững, ngày càng lớn mạnh, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Nhấn mạnh một số nội dung lớn mang tính chất nền tảng để nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát triển, Thủ tướng khẳng định điều đầu tiên đó là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tiếp đến đó là thúc đẩy các loại thị trường phát triển mạnh mẽ, an toàn, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch, như thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường lao động… Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, xây dựng nền kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số, công dân số. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổng rà soát lại các khó khăn, vướng mắc của tất cả các loại hình doanh nghiệp, đồng thời có kế hoạch xử lý, kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công (gồm vốn Trung ương và địa phương, vốn đầu tư công trung hạn, vốn từ chương trình phục hồi và phát triển, vốn tăng thu, tiết kiệm chi), dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn vốn trong xã hội, trong đó có nguồn vốn của doanh nghiệp. Đồng thời, làm tốt công tác nắm tình hình, nghiên cứu, dự báo chiến lược, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa các loại thị trường, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số….
Cũng vào thời điểm tháng 8.2021, cách đây 1 năm, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến hết sức phức tạp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương để lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Ngay sau hội nghị quan trọng đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã liên tiếp có các cuộc gặp lớn với các doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định thông điệp, Chính phủ Việt Nam luôn cầu thị lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp nước ngoài, thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp đang đối mặt.
Sau đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có hàng loạt các chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 như: Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến vận tải, lưu thông hàng hóa; hỗ trợ kết nối đầu ra cho nông sản đến vụ thu hoạch; xuất cấp lương thực, trang thiết bị cho các địa phương phòng, chống dịch...
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới
Đến nay, sau 2 năm chống dịch và 9 tháng đầu năm 2022, chúng ta đã thực hiện tốt nhiệm vụ lớn nhất là kiểm soát dịch bệnh. Trong bối cảnh thế giới có những bất định, phức tạp, dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng rõ nét thì kinh tế Việt Nam vẫn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Kết quả 9 tháng năm 2022, tăng trưởng kinh tế nước ta đạt mức 8,83%, lạm phát bình quân được kiểm soát ở mức 2,73%, các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao.
Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - phân tích, sau làn sóng thứ tư của dịch bệnh COVID-19, với các chính sách, giải pháp và chỉ đạo của Chính phủ, sự nỗ lực, linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi và phát triển. Nhiều tổ chức quốc tế cũng đánh giá Việt Nam là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đạt 52,7 điểm trong tháng 8.2022, đánh dấu tháng thứ 11 liên tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh và tuyển dụng lao động, việc làm tăng trưởng tích cực.
Điều kiện kinh doanh được cải thiện, trong 9 tháng đầu năm 2022 cả nước đã có 112.791 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với doanh nghiệp thành lập mới, trong 9 tháng đầu năm 2022 còn có 50.509 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên 163,3 nghìn doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm các giải pháp vượt qua khó khăn về: giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao; tình trạng thiếu hụt lao động; khó khăn về vốn; thiếu hụt linh kiện; các rào cản pháp lý.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, với các chính sách, giải pháp hiệu quả, sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt khó vươn lên. Có những doanh nghiệp thua lỗ, rút lui nhưng cơ bản các doanh nghiệp phát triển được trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, đạt nhiều kết quả rất đáng trân trọng.
Trong bối cảnh khó khăn, dù ngân sách nhà nước đang rất eo hẹp nhưng Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động từ COVID-19. Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có thể gộp thành 3 gói hỗ trợ lớn về: Chính sách tài khóa (miễn, cắt, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất...); chính sách hỗ trợ tín dụng như hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay để phát triển sản xuất (gói tín dụng 250.000 tỉ đồng); chính sách an sinh xã hội (gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng)… Những chính sách này đã tiếp thêm nguồn lực cho cộng đồng doanh nghiệp, vượt qua khó khăn, thử thách để có những đóng góp to lớn cho nền kinh tế nước nhà phục hồi và phát triển.
Theo laodong.vn