Chia sẻ kinh nghiệm về mô hình, giải pháp quản lý Vườn di sản ASEAN bền vững
31/10/2024TN&MTNgày 31/10, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Toạ đàm “Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình hiệu quả trong quản lý Vườn di sản ASEAN bền vững” tại Côn Đảo.
Toạ đàm nằm trong nhiệm vụ Kết nối các Vườn di sản ASEAN (AHP) của Việt Nam giai đoạn 2023 - 2025 theo chương trình hành động quốc gia về đa dạng sinh học, do Vụ Hợp tác Quốc tế chủ trì.
Nhiệm vụ nhằm liên kết, xây dựng mạng lưới, chia sẻ thông tin giữa các Vườn di sản ASEAN của Việt Nam và củng cố, tăng cường hệ thống di sản thiên nhiên đồng thời triển khai đồng bộ một số nội dung về đa dạng sinh học trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Nhiệm vụ "Kết nối các Vườn di sản ASEAN (AHP) của Việt Nam giai đoạn 2023 - 2025 theo chương trình hành động quốc gia về đa dạng sinh học" nhằm thúc đẩy việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong thập kỷ mới (2021- 2030), chia sẻ quyền và lợi ích của các bên liên quan trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học theo định hướng phát triển bền vững. Vụ Hợp tác quốc tế, thường trực Văn phòng Tổ chức quan chức cấp cao ASEAN về môi trường (ASOEN), được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ này.
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, ông Bùi Đức Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, cho biết: Chương trình Vườn di sản ASEAN (ASEAN Heritage Park - AHP) là một trong những sáng kiến hợp tác ASEAN về môi trường, bắt đầu thực hiện trên cơ sở Tuyên bố về các Vườn di sản của Bộ trưởng Môi trường các nước ASEAN từ năm 2003 với mục tiêu bảo tồn toàn diện các hệ sinh thái quan trọng, mang tính độc đáo đặc biệt của khu vực ASEAN.
Ông Bùi Đức Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, phát biểu tại toạ đàm
Các Vườn di sản ASEAN góp phần quan trọng trong bảo tồn nguồn gen, đảm bảo sử dụng bền vững các hệ sinh thái; duy trì các khu vực tự nhiên có giá trị văn hóa, giáo dục, nâng cao nhận thức đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học của người dân các nước ASEAN.
Phát biểu tại toạ đàm, TS. Nguyễn Thành Vĩnh, Trưởng phòng Phòng Quản lý di sản thiên nhiên, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã trình bày Báo cáo “Định hướng phát triển bền vững các Vườn di sản ASEAN (AHP) Việt Nam”.
Trong đó, TS. Nguyễn Thành Vĩnh đã xác định 11 định hướng và giải pháp phát triển bền vững các Vườn di sản ASEAN Việt Nam, bao gồm: Thành lập, vận hành hoạt động mạng lưới các khu AHP trên toàn quốc; Ban hành quy chế hoạt động của mạng lưới các khu AHP trên toàn quốc; Nâng cao năng lực cán bộ, quản lý, hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng tại các AHP; Nâng cao năng lực, cơ chế điều phối, thể chế chính sách về bảo tồn đa dạng sinh học trong và xung quanh các AHP được củng cố; Tăng cường hoạt động và sự hợp tác của các AHP với các tổ chức khu vực và quốc tế khác. Tăng cường sự hợp tác mạnh mẽ giữa các AHP trong khu vực thuộc mạng lưới AHP ASEAN.
Ngoài ra, cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo vệ và quản lý di sản thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học. Mô hình sinh kế bền vững, chia sẻ lợi ích cho cộng đồng địa phương sống trong và xung quanh các AHP.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Đồng thời, cần xúc tiến, kết nối du lịch, phát triển văn hóa đặc thù của các AHP. Mô hình phát triển du lịch sinh thái bền vững gắn với các hộ dân xung quanh AHP. Nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã vùng đệm, góp phần cải thiện thu nhập, sinh kế, giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên
Để đảm bảo hiệu quả bảo tồn bền vững, TS. Nguyễn Thành Vĩnh lưu ý cần Kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học một số AHP; Tăng cường thực thi pháp luật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật lâm nghiệp, thủy sản, đa dạng sinh học, đất đai, môi trường,...; Nâng cao hiệu quả hoạt động ban quản lý VQG.
Đặc biệt, trong nỗ lực triển khai nhiệm vụ kết nối các Vườn di sản ASEAN Việt Nam một cách hiệu quả, cần có sự đầu tư về khoa học kỹ thuật và tăng cường hợp tác quốc tế.
Các đại biểu tham gia chuyến thực địa tại Côn Đảo
Trong khuôn khổ toạ đàm, các đại biểu đã trao đổi về các định hướng phát triển bền vững các Vườn di sản ASEAN Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình hiệu quả trong quản lý Vườn di sản ASEAN bền vững của Vườn quốc gia Côn Đảo và Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.
Đây là hai vườn quốc gia đã được công nhận là Vườn di sản ASEAN (Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát đã được công nhận năm 2019 và Vườn quốc gia Côn Đảo mới được công nhận năm 2023). Đặc biệt, chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi và chia sẻ về phương pháp tiếp cận khoa học phục vụ bảo tồn, quản lý và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ chương trình hoạt động, các đại biểu đã tham gia chuyến thực địa tại Vườn Quốc gia Côn Đảo. Vườn Quốc gia Côn Đảo là một khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng nằm tại khu vực phía Bắc của huyện Côn Đảo, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập vào ngày 31/3/1993. Vườn Quốc gia Côn Đảo hiện được đánh giá thỏa mãn các tiêu chí của ASEAN trong bộ tiêu chí lựa chọn Vườn Di sản ASEAN. Vườn Quốc gia này được các quốc gia thành viên công nhận không chỉ vì sự đa dạng sinh học biển độc đáo mà còn cả những giá trị lịch sử - văn hóa của Việt Nam.
Theo baotainguyenmoitruong.vn