CBAM liệu có là động lực thúc đẩy “xanh hóa” ngành thép Việt?
27/06/2024TN&MTNgày 01/10/2024 sẽ là giai đoạn chuyển tiếp Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU sẽ có hiệu lực. CBAM liệu có phải là động lực thúc đẩy “xanh hóa” sản xuất Việt để phù hợp với mục tiêu “Net Zero” trong dài hạn không?
Sản xuất sắt thép là một trong những ngành phát thải nhiều carbon nhất. Trong đó, thép là sản phẩm thuộc một trong bốn nhóm hàng bao gồm sắt thép, nhôm, xi măng và phân bón của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ chịu ảnh hưởng cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) trong thời gian tới.
Trong bốn mặt hàng xuất khẩu sẽ chịu ảnh hưởng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đó, sản phẩm sắt thép sẽ chiếm khoảng 96 % giá trị. Do đó, để đón đầu các tiêu chí xanh hóa, giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất, các doanh nghiệp ngành thép đã có những chiến lược để nhằm sở hữu một sản lượng lớn điện năng lượng tái tạo cho sản xuất thép trong năm 2024.
Bà Phạm Ngọc Lan - Tổng Giám đốc Nam Phát Group
Chia sẻ với Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, bà Phạm Ngọc Lan - Tổng Giám đốc Nam Phát Group cho biết: trong xu hướng những năm tới, cùng với định hướng phát triển của Chính phủ, Nam Phát Group cũng đã tiến hành công cuộc thực hiện giảm khí thải carbon (CBAM).
Theo bà Lan, hiện nay, Nam Phát Group cũng đang tìm rất nhiều các giải pháp, trong đó có các giải pháp về điện năng lượng mặt trời, cũng đã tiến hành nghiên cứu và khảo sát giữa việc đầu tư và cùng Công ty CME Solar, Công ty VINCI E&C đã ký kết hợp tác đầu tư, phát triển dự án điện mặt trời mái nhà phục vụ mục tiêu sản xuất thép.
Đại diện doanh nghiệp nhận định: Đối với việc đầu tư vào điện năng lượng mặt trời, ngoài việc tiết kiệm được tiền điện cũng đảm bảo được vấn đề về môi trường xanh sạch tạo ra được môi trường cho người lao động được an toàn về sức khỏe.
Ngoài ra cũng đáp ứng được các yêu cầu trong quá trình xuất khẩu các sản phẩm sắt thép và inox của Nam Phát vào Châu Âu và trong tương lai là các thị trường Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác.
Thép là sản phẩm trong nhóm hàng xuất khẩu sang EU sẽ chịu thuế về CBAM trong thời gian tới
Nam Phát Group là công ty có thế mạnh trong ngành sản xuất sắt thép, inox, đóng tàu, vận tải biển và logistics, có các nhà máy trải dài từ Bắc vào Nam. Từ thực tế, đại diện doanh nghiệp nhận định: Việt Nam đang là quốc gia có lợi thế rất lớn khi đã có các hiệp định CPTPP đối với các sản phẩm sắt thép, inox. Trong năm 2024 và các năm tiếp theo, doanh nghiệp tập trung vào các thị trường trọng tâm như Châu Âu và Mỹ. Vì vậy các vấn đề về CBAM được đặc biệt quan tâm.
Hiện tại, Nam Phát cũng đã thực hiện tham gia vào lộ trình giảm phát thải carbon (CBAM) và có kế hoạch triển khai với các nhà máy tại miền Bắc và trong TP. Hồ Chí Minh khoảng 10 MW.
Với những cam kết hợp tác trong việc phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà sau khi đi vào hoạt động, Nam Phát sẽ mua lại sản lượng điện từ hệ thống này tạo ra theo hợp đồng trong vòng 15 năm 6 tháng để phục vụ cho nhu cầu sản xuất của Tập đoàn. Theo dự kiến, công suất lắp đặt từ hợp tác này lên tới 10 MW sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp không phải bỏ chi phí đầu tư mà còn được thực hiện mục tiêu giảm phát thải thông qua phương án sử dụng năng lượng xanh cho sản xuất.
Bài toán chuyển dịch năng lượng này còn giúp Tập đoàn giành lợi thế cạnh tranh vào các thị trường lớn, đồng thời giảm áp lực chịu thuế về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) trong giai đoạn tới và tiết kiệm được chi phí tiền điện hàng tháng từ 15-20%.
Ngành thép là một ngành công nghiệp quan trọng đối với cơ sở hạ tầng cần thiết để phát triển các ngành công nghiệp, bao gồm cả phương tiện di chuyển, điện tử và năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, ngành thép cũng là một ngành tiêu tốn nhiều năng lượng.
Nhằm hướng đến mục tiêu cam kết của Việt Nam đưa về trạng thái phát thải ròng bằng không (net-zero emission) cũng như lan tỏa được những giải pháp xanh hóa, Tổng Giám đốc Nam Phát Group mong muốn các cơ quan liên quan, Hiệp hội Thép, các doanh nghiệp trong ngành… sẽ cùng làm rõ hơn và thực tế hơn câu chuyện về năng lượng tái tạo trong thời gian tới. Theo bà Lan, mặc dù rất quan tâm đến vấn đề về giảm phát thải carbon và các doanh nghiệp trong ngành đều muốn thực hiện. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng còn nhiều thiếu sót về kiến thức trong lộ trình này.
Bảo Loan