Cấp bách chuyển đổi sang năng lượng xanh
05/07/2024TN&MTMột báo cáo mới của Cơ quan Điều hành thị trường năng lượng Australia (AEMO) cho hay, mặc dù quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch diễn ra tốt đẹp, Australia vẫn đang bị tụt lại phía sau trong việc phát triển năng lượng tái tạo.
Lắp đặt các tấm pin năng lượng Mặt trời trên mái một ngôi nhà ở TP Sydney, Australia
Báo cáo của AEMO đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về việc Australia phát triển năng lượng xanh chưa đủ nhanh, trong khi các nhà máy điện đốt than sẽ ngừng hoạt động vào năm 2040.
“Trong quá trình xây dựng năng lượng tái tạo - nguồn năng lượng mới có chi phí thấp nhất, Australia cần duy trì và tốt hơn là tăng nguồn ngân sách đầu tư vào năng lượng xanh trong thập niên tới để đảm bảo người dân có nguồn cung điện ổn định với mức giá thấp nhất”, ông Daniel Westerman, Giám đốc AEMO, nhấn mạnh.
Theo báo cáo của AEMO, đến năm 2050, các trang trại điện Mặt trời và điện gió ở nước này sẽ cần tăng gấp 6 lần, trong khi số lượng tấm pin Mặt trời lắp trên mái nhà phải tăng 5 lần, thì mới có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm này. Khí đốt cũng sẽ cần tăng nhẹ để hoạt động như một nguồn năng lượng dự trữ, kể cả khi không được sử dụng.
Ông Andrew Bray, Giám đốc quốc gia của nhóm vận động phi lợi nhuận Re-Alliance, cho biết, còn rất nhiều việc phải làm để có thể khử carbon. “Có 4.000km đường dây truyền tải điện cần được xây dựng vào năm 2030, để kết nối các máy phát điện gió và Mặt trời mới, trong đó 2.500km đang được tiến hành. Truyền tải điện thực sự là một mắt xích quan trọng còn thiếu mà Australia cần phải tập trung thực hiện”, ông Andrew Bray nói.
Năm 2023, năng lượng tái tạo đã cung cấp gần 40% điện năng trên thị trường điện Australia. Giới chức hy vọng con số này sẽ tăng lên 82% vào năm 2030. Điều đó đồng nghĩa với việc cần lắp đặt thêm nhiều tấm pin Mặt trời trên mái nhà.
Ông Greg Borne, làm việc tại Hội đồng Khí hậu, cho biết, nhiệt độ tăng cao trên khắp thế giới là bằng chứng cho thấy tình hình cần phải thay đổi. Năm 2023 là năm nóng nhất mà thế giới từng ghi nhận và năm 2024 được dự báo sẽ xô đổ kỷ lục này. “Australia đã tụt hậu rất xa. Cần phải tăng tốc thật nhanh, không thể chậm trễ thêm nữa”, ông Greg Borne cảnh báo.
Trong bối cảnh các nhà máy điện đốt than sẽ ngừng hoạt động vào năm 2040, một cuộc tranh cãi về việc có cần năng lượng hạt nhân để đạt được mục tiêu trung hòa carbon đã nổ ra tại Australia. Bà Sussan Ley, một lãnh đạo của đảng Tự do đối lập ủng hộ điện hạt nhân, chỉ trích: “Những gì Chính phủ Australia muốn là năng lượng tái tạo, nhưng họ không thể chứng minh được cách họ sẽ ổn định lưới điện và giải pháp để có được nguồn điện căn bản an toàn”.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Hội đồng Khí hậu đã chỉ ra rằng, tiến trình chuyển đổi sang năng lượng hạt nhân có thể mất tối thiểu 15 năm. Điều này chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Australia.
Trước sự cấp bách của việc chuyển đổi sang năng lượng sạch, ông Andrew Bray cho rằng, các thành viên cộng đồng nên tham gia những quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống. Hay nói cách khác, người dân nên là một phần của tiến trình chuyển đổi.
Lộ trình chỉ ra rằng đây không còn là vấn đề liên quan đến điện mà điều thực sự quan trọng là phải tạo dựng được niềm tin với cộng đồng địa phương. Hiện mới chỉ có một kế hoạch kêu gọi người dân Australia thực hiện vai trò có giá trị của mình trong việc chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Theo sggp.org.vn