Cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền Trung
29/10/2024TN&MTMưa lớn kéo dài khiến mô hình độ ẩm đất tại các địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đã đạt bão hòa trên 85%, cần nhanh chóng có phương án ứng phó, đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong 24 giờ qua (từ 07 giờ ngày 28/10 đến 07 giờ ngày 29/10), khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã có mưa to, có nơi mưa rất to như: Hồ Kim Sơn 161mm (Hà Tĩnh); Lâm Thủy 156,2mm (Quảng Bình); Tà Long 290,8mm (Quảng Trị); Hồng Trung 172,2mm (Thừa Thiên Huế); ... Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Trong 03-06 giờ tới, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến như sau: Hà Tĩnh từ 20-40mm, có nơi trên 60mm; Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế từ 50-80mm, có nơi trên 100mm.
Cần đề phòng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh miền Trung
Trong 06 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Kỳ Anh, TX.Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch, TP.Đồng Hới, Tuyên Hóa, TX.Ba Đồn (Quảng Bình); Cam Lộ, Đa Krông, Gio Linh, Hải Lăng, Hướng Hóa, TP.Đông Hà, Triệu Phong, TX.Quảng Trị, Vĩnh Linh (Quảng Trị); A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, TP.Huế, TX.Hương Thủy, TX.Hương Trà (Thừa Thiên – Huế). Vì vậy, các địa phương cần lưu ý rà soát các điểm nghẽn ròng, các vị trí xung yếu trên địa bàn để có biện pháp phòng tránh ứng phó.
Để chủ động ứng phó với mưa lũ và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ở khu vực Trung Bộ chủ động tổ chức theo dõi sát, cập nhật thông tin dự báo và tình hình mưa, lũ để kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” theo chức năng, nhiệm vụ được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ.
Mưa lớn gây ngập lụt tại Quảng Bình
Trong đợt mưa lũ này, tỉnh Quảng Bình là địa phương đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh QUảng Bình, tính đến 5 giờ ngày 29/10, toàn tỉnh đã có hơn 32.700 nhà dân bị ngập lụt, 58 thôn, bản bị chia cắt; các tuyến đường giao thông bị ngập tại 76 điểm, sạt lở 13 điểm, 3 tàu cá bị chìm, sạt lở 1,5km kè biển… Mưa lũ đã làm cho 1 người chết tại huyện Lệ Thủy và 1 người mất tích tại huyện Quảng Ninh; hơn 230ha hoa màu, 4.000 con gia cầm, gần 400ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
Toàn tỉnh đã di dời 1.249 hộ dân với 3.681 nhân khẩu. Trong đó, huyện Lệ Thủy di dời 99 hộ với 373 nhân khẩu; huyện Bố Trạch di dời 13 hộ, 53 nhân khẩu; huyện Quảng Ninh di dời 1.105 hộ, 3.125 nhânkhẩu; huyện Tuyên Hóa di dời 2 hộ, 9 nhân khẩu; TP. Đồng Hới di dời 30 hộ, 121 nhân khẩu. Ngoài ra, các địa phương cũng sơ tán tại chỗ 9.123 hộ, trong đó, huyện Lệ Thủy 8.018 hộ, huyện Quảng Ninh 1.105 hộ.
Hoàng Anh