
Cần thống nhất khái niệm “Tài nguyên nước” trước khi xác định tên và đối tượng điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước
15/03/2023TN&MTNghị quyết số 50/2022 ngày 13/6/2022 của Quốc hội có đề cập về bổ sung Luật Tài nguyên nước vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022. Theo đó, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 5 và dự kiến thông qua vào kỳ họp 6 năm 2023.
Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội theo Tờ trình số 37/2023 ngày 17/2/2023 gồm 10 chương và 88 điều, cơ bản vẫn giữ nguyên số chương như Luật Tài nguyên nước năm 2012; cụ thể giữ nguyên 10 điều, sửa đổi, bổ sung 62 điều, bổ sung mới 16 điều và bãi bỏ 8 điều.
Theo Đại biểu Nguyễn Quang Huân- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Cần thống nhất khái niệm “Tài nguyên nước” và nên đổi Luật Tài nguyên nước thành Luật Quản lý nguồn nước để sát với thực tế chi phối của Luật hơn.
Lý do ĐBQH Nguyễn Quang Huân đề xuất vì, Tài nguyên nước là một khái niệm rất rộng, nó tác động và xuất hiện ở mọi mặt đời sống xã hội và các ngành nghề kinh tế với các công dụng khác nhau như đã nói ở trên. Vì thế, không có một bộ, ngành nào có thể quản lý được hết tất cả các lĩnh vực mà nước mang lại hay tham dự vào quá trình sản xuất, mà mỗi bộ, ngành chỉ quản lý lĩnh vực mình phụ trách. Ví dụ, Bộ NN&PTNT quản lý thủy lợi tưới tiêu, trong khi Bộ Xây dựng quản lý phần nước sử dụng cho sinh hoạt,… Các lĩnh vực này bị chi phối bởi các luật chuyên ngành khác nhau.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân
Cũng theo ĐBQH Nguyễn Quang Huân, xuyên suốt các điều của Luật này chủ yếu đề cập đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ tài nguyên nước ở khâu đầu tiên, nghĩa là nguồn nước ngoài tự nhiên mà không chi phối các hoạt động cụ thể của các ngành khác. Ví dụ, Luật này đảm bảo nguồn nước hợp vệ sinh cấp cho sinh hoạt, sau đó yêu cầu sau khi sử dụng thì nguồn nước ấy trước khi thải ra môi trường phải đảm bảo sạch trở lại (tái tạo). Như vậy, Luật này chỉ đảm bảo quản lý tốt nguồn nước ngoài tự nhiên như sông suối, kênh rạch, tầng nước dưới đất…, đúng như tên gọi ở mục 2 Điều 3 của Dự thảo Luật. Vì vậy, gọi là Luật Quản lý nguồn nước là sát nghĩa nhất.
Bảo Trâm