Cần lắm, mức phụ cấp chế độ ưu đãi nghề điều tra tài nguyên môi trường biển
14/08/2023TN&MTĐể khuyến khích người lao động điều tra tài nguyên môi trường biển gắn bó, phục vụ lâu dài, phù hợp với ảnh hưởng của điều kiện làm việc cao hơn bình thường trong thời gian dài, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên - môi trường biển khu vực phía Bắc đề nghị Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép các đơn vị hiện đang tham gia công tác điều tra tài nguyên môi trường biển thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường được hưởng chế độ ưu đãi nghề.
Nhiệm vụ đặc thù, nhưng chế độ bỏ ngỏ
Ngày 09/02/2007 Ban Chấp hành Trung ương khoá X đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, đến nay là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với mục tiêu tổng quán đến năm 2030 “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng”. Trong đó, có mục tiêu cụ thể “Về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng: Đánh giá được tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng. Tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỉ lệ bản đồ 1: 500.000 và điều tra tỉ lệ lớn ở một số vùng trọng điểm. Thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số hoá về biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật”. Để thực hiện được các mục tiêu trên đòi hỏi các đơn vị đang thực hiện công tác điều tra tài nguyên môi trường biển phải xây dựng được đội ngũ cán bộ kỹ thuật, người lao động gắn kết, yêu nghề.
So với điều kiện lao động của người lao động của một số lĩnh vực khác như: Giao thông, vận tải biển, dầu khí, khí tượng thuỷ văn,… trên cùng địa bàn công tác thì điều kiện làm việc của người lao động điều tra tài nguyên môi trường biển có phần khó khăn, vất vả tương đương (công việc nặng nhọc, nguy hiểm, thường xuyên làm việc trên biển, chịu tác động của sóng, gió, ồn cao, rung mạnh); đây là một công việc được phân loại là công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (loại V) và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (loại VI) tại Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 22/11/2020 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (tương đương mức độ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của công tác khí tượng thủy văn quy định tại Thông tư nêu trên).
Tuy nhiên, cho đến nay trong ngành tài nguyên môi trường chỉ có lĩnh vực khí tượng thuỷ văn được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề từ 15% đến 30%, còn người lao động điều tra tài nguyên môi trường biển chưa được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề nên tạo ra sự bất cập trong thực hiện chính sách. Do vậy, không khuyến khích, thu hút được nguồn nhân lực cho lĩnh vực biển hải đảo nói chung và công tác điều tra tài nguyên môi trường biển nói riêng.
Một nghề đặc thù, nặng nhọc
Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên - môi trường biển khu vực phía Bắc là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục Biển và Hải đảo Việt Nam là một trong những đơn vị chịu tác động trực tiếp do không duy trì giữ chân cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn, cũng như không thu hút được nguồn nhân lực từ ngành nghề khác, từ nguồn sinh viên được đào tạo trong lĩnh vực này để phục vụ cho công tác điều tra tài nguyên môi trường biển do chế độ chính sách, thu nhập của người lao động không phù hợp với mức độ công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của nghề; thực tế từ năm 2018 đến nay đã có nhiều cán bộ, viên chức, người lao động xin chuyển công tác, thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc.
Công việc âm thầm và lặng lẽ
Hiện nay, các chế độ cho người lao động tham gia điều tra, khảo sát trên biển hiện hưởng bao gồm chế độ: Bồi dưỡng đi biển, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp lưu động, phụ cấp độc hại, nguy hiểm, nước ngọt. Trong đó, chế độ phụ cấp khu vực và phụ cấp đặc biệt đối với người lao động trực tiếp trên biển chưa được quy định rõ ràng do các phụ cấp trên chủ yếu được quy định theo địa giới hành chính (xã, huyện, tỉnh), vị trí cụ thể (ví dụ: đồn biên phòng, trạm đèn biển, DKI) hoặc trên các đảo, quần đảo; chưa đề cập rõ ràng việc áp dụng các phụ cấp này đối với người lao động làm việc trên vùng biển quanh đảo, quanh nhà giàn DKI. Mặt khác, địa giới trên biển hiện nay chưa được xác định đầy đủ, đặc biệt là ở các khu vực xa bờ nên việc vận dụng, áp dụng cho cán bộ, viên chức, người lao động thực hiện công tác điều tra trên biển gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ đối với người lao động.
Một số đề xuất
Để khuyến khích người lao động điều tra tài nguyên môi trường biển gắn bó, phục vụ lâu dài, phù hợp với ảnh hưởng của điều kiện làm việc cao hơn bình thường trong thời gian dài, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên - môi trường biển khu vực phía Bắc đề nghị Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép các đơn vị hiện đang tham gia công tác điều tra tài nguyên môi trường biển thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường được hưởng chế độ ưu đãi nghề.
Thực hiện công tác điều tra, khảo sát, thu thập số liệu, lấy mẫu trên biển
Ông Nguyễn Văn Ngọc - Chánh văn phòng Trung tâm cho biết, đã nhiều năm nay, cán bộ, viên chức, người lao động làm công tác nghiên cứu, điều tra, khảo sát tài nguyên, môi trường biển và hải đảo rất thiệt thòi, mặc dù Ban lãnh đạo đã có nhiều đề xuất, kiến nghị lên các cấp, ban ngành nhưng vẫn chưa được quan tâm, điều chỉnh, vì vậy việc giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao khiến Ban lãnh đạo Trung tâm rất áp lực.
Về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề, đây là loại chế độ áp dụng cho các cán bộ, công chức, viên chức người lao động làm những nghề hoặc công việc có điều kiện lao động cao hơn bình thường, cần được ưu đãi mà chưa được xác định trong mức lương, chủ yếu với mục đích để tạo sự yên tâm, gắn bó với nghề, hiện nay mới chỉ áp dụng cho một số lĩnh vực sự nghiệp như: Y tế (từ 15% đến 70%), thống kê (từ 10% đến 25%), thanh tra và văn hoá (từ 15% đến 20%), khí tượng thuỷ văn (từ 10% đến 20%), tìm kiếm cứu nạn hàng hải (từ 15% đến 50%), Giáo dục (từ 25% đến 70%), Kiểm lâm (từ 10% đến 50%).
Như vậy, việc thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước còn có sự chưa thống nhất giữa các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các đối tượng làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu, điều tra, khảo sát tài nguyên, môi trường biển và hải đảo như nghiên cứu viên, kỹ sư, các chức danh thuyền viên làm việc trên các tàu nghiên cứu, tham gia điều tra, khảo sát tài nguyên, môi trường biển đảo; Trắc địa biển, Địa chất khoáng sản biển, viên chức thu thập, xử lý, quản lý thông tin tư liệu, dữ liệu về biển, hải đảo liên quan đến các yếu tố bảo đảm quốc phòng, an ninh.
So sánh với thu nhập của viên chức và người lao động làm việc trên các tàu vận tải biển hay viên chức làm việc trong các ngành Y tế, Thống kê, Văn hoá và tìm kiếm cứu nạn hàng hải, Khí tượng thuỷ văn (đều đã có chế độ phụ cấp ưu đãi nghề riêng) thì viên chức và ngưới lao động làm trong lĩnh vực nghiên cứu, điều tra, khảo sát tài nguyên, môi trường biển, hải đảo tuy yêu cầu trách nhiệm, mức độ nặng nhọc không kém, thậm trí có mức độ nguy hiểm hơn, nhưng lại có thu nhập thấp hơn. Vì mức thu nhập thấp, nên trong thời gian vừa qua đã có nhiều công chức, viên chức và các chức danh thuyền viên xin nghỉ thôi việc hoặc chuyển sang ngành khác mà có mức thu nhập cao hơn. Ngoài ra, việc tuyển dụng và đào tạo mới cán bộ đáp ứng được tiều chuẩn làm việc rất tốn kém cả về thời gian và kinh phí. Vấn đề thu hút viên chức có trình độ chuyên môn cao vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp đang trở nên rất bức xúc.
Cất dấu những nỗi niềm, tâm tư, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao sau mỗi chuyến công tác ngoài khơi xa
Ngày 03/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP về Phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, nhấn mạnh nội dung “Xây dựng và thực hiện đồng bộ các chính sách đãi ngộ, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút đội ngũ các nhà khoa học, các chuyên gia, cán bộ có chuyên môn, có kinh nghiệm vào làm việc trong các lĩnh vực nghiên cứu, điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong quản lý tổng hợp và thống nhất biển. Nghiên cứu áp dụng các cơ chế ưu tiên, đãi ngộ đặc biệt, bù đắp xứng đáng đối với các cán bộ thường xuyên hoặc phần lớn thời gian phải hoạt động trên biển, ngoài các đảo, đặc biệt là các đảo xa, gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển.”- Đây chính là cơ sở quan trọng, căn cứ để Bộ Tài nguyên và Môi trường hiệp y cùng các Bộ, ban, ngành có liên quan bàn bạc, thống nhất, vào cuộc giải quyết công tâm để người lao động làm điều tra cơ bản ngoài biển được đãi ngộ một cách xứng đáng.
Ngọc Hương