Cần hạn chế tình trạng tái sạt lở ở vùng định cư phòng chống sạt lở
22/10/2024TN&MTNhững năm qua, các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, điểm định cư cho người dân vùng sạt lở. Bên cạnh những công trình bảo đảm an toàn thì nhiều công trình hạ tầng, điểm định cư phòng chống sạt lở nhưng vẫn tái diễn tình trạng sạt lở đe dọa tính mạng người dân và lãng phí trong đầu tư. Vì vậy, cần tìm giải pháp bền vững để bảo đảm an toàn cho người dân và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước.
Sau hai lần đầu tư 17 tỷ đồng, người dân dưới chân núi Van Cà Vãi vẫn bất an khi mùa mưa đến
Vẫn lo sợ sau nhiều lần khắc phục sạt lở
Dù đã vào mùa mưa nhưng huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi vẫn khẩn trương thi công công trình khẩn cấp khắc phục sạt lở khu dân cư Van Cà Vãi ở thị trấn Di Lăng. Các đơn vị tập trung san ủi, bạt mái ta-luy giảm tải trên đỉnh đồi, tường chắn rọ đá dưới chân núi, mương biên thu nước… Đây là lần thứ hai huyện Sơn Hà xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục sạt lở khu dân cư Van Cà Vãi.
Đầu năm 2021, núi Van Cà Vãi bị sạt lở, uy hiếp 5 nhà dân dưới chân núi. Hơn năm tháng sau, huyện Sơn Hà chi 3 tỷ đồng thi công khẩn cấp chống sạt lở và hoàn thành vào tháng 10/2022.
Tuy nhiên, gần một năm sau, đất, đá trên núi Van Cà Vãi tiếp tục đổ xuống nghiêm trọng hơn. Tiếp tục khẩn cấp khắc phục điểm sạt lở này, năm 2024, huyện Sơn Hà chi 14 tỷ đồng để gia cố khu vực núi Van Cà Vãi, với mục tiêu bảo đảm an toàn cho 5 hộ dân với 24 khẩu sinh sống dưới chân núi và tuyến đường ĐH77 huyện Sơn Hà.
“Dự án thực hiện trong năm 2024, đến tháng 10/2024 dự kiến hoàn thành 57% khối lượng. Khó khăn nhất là phạm vi thi công có địa hình độ dốc lớn, trên đỉnh núi có trụ điện 110kV, nhà người dân dưới chân núi nguy cơ sạt lở trong mùa mưa ảnh hưởng đến công tác thi công”, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Sơn Hà Nguyễn Xuân Hoàng cho biết.
Thi công tường chắn rọ đá dưới chân núi Van Cà Vãi
Sống nhiều năm dưới chân núi Van Cà Vãi, gia đình chị Đinh Thị Thẻo luôn thấp thỏm lo âu. Năm 2021, đất, đá từ trên núi cao bất ngờ đổ xuống tràn vào nhà bếp và chuồng nuôi bò của gia đình chị. Cả 5 thành viên nhà chị Thẻo phải tá túc tạm nhà cha mẹ. Sau khi chính quyền địa phương khắc phục khẩn cấp, hơn một năm sau, núi tiếp tục lở nghiêm trọng vùi lấp nhà bếp khiến gia đình chị Thẻo tiếp tục di tản tạm những ngày mưa lũ. “Bếp sạt nhiều lần, mưa là nước thấm vào phòng khách ở không được. Năm nào cũng chạy miết. Ở đây nguy hiểm mình không biết làm sao. Giờ nhà nước xây công trình chống sạt lở nếu an toàn thì ở, không thì mưa lại chạy. Cũng muốn dời đi nơi khác và mong nhà nước cấp đất, hỗ trợ ít tiền làm nhà chứ còn nghèo”, chị Đinh Thị Thẻo tha thiết.
Mẹ con chị Đinh Thị Thẻo vẫn lo lắng dù đã có công trình phòng, chống sạt lở
Vào mùa mưa, gia đình 6 nhân khẩu bà Đinh Thị Thọ nơm nớp lo sợ khi sống dưới chân núi Van Cà Vãi. Ba năm qua, đất, đá đổ liên tục nên mùa mưa gia đình bà luôn sẵn sàng chạy tránh núi lở.
Bà Thọ cho biết, nhiều lần chính quyền thị trấn Di Lăng vận động các gia đình di dời đến nơi ở an toàn nhưng do không đủ tiền làm nhà nơi ở mới nên một số hộ không thể di dời. “Cán bộ mời họp nhiều lần, mấy hộ ở đây chịu đi và yêu cầu bố trí tái định cư, hỗ trợ tiền làm nhà nhưng họ nói chỉ cấp 100m2 đất chứ không thêm gì nữa. Dân đây làm rẫy, lột keo thuê, làm thợ hồ không đủ tiền làm nhà biết làm sao. Đất bên dưới không có chân, nước chảy luồng dưới chân núi nên làm công trình vậy vẫn sợ”, bà Thọ lo lắng.
Tránh lãng phí khi đầu tư cơ sở hạ tầng, tái định cư vùng sạt lở
Tình trạng đầu tư, xây dựng công trình khẩn cấp phòng, chống sạt lở nhưng sau đó vẫn tái sạt lở ở núi Van Cà Vãi, huyện Sơn Hà không phải là duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi.
Tại huyện miền núi Sơn Tây, dù địa phương nhiều lần khắc phục khẩn cấp nhưng sạt lở kéo dài đe dọa tính mạng cán bộ, công chức làm việc ở các trụ sở cơ quan hành chính ngay chân núi trong nhiều năm qua.
Trong giai đoạn 2011-2016, huyện Sơn Tây đầu tư một số công trình trung tâm hành chính mới của huyện. Nhiều công trình, trụ sở hành chính được đầu tư như: Bảo hiểm xã hội, Phòng Tài chính-Kế hoạch, nhà công vụ huyện, trạm khuyến nông... với tổng vốn đầu tư gần 150 tỷ đồng. Sau khi đưa vào sử dụng, một số cơ quan hành chính huyện Sơn Tây đối diện với nguy hiểm sạt lở núi.
Ba năm qua, cứ đến mùa mưa, cán bộ, viên chức nhiều cơ quan, đơn vị khu hành chính huyện Sơn Tây lại lo lắng, bất an vì sạt lở núi. Đất, đá từ trên núi cao đổ xuống khu vực bốn trụ sở cơ quan, đơn vị hành chính huyện Sơn Tây gồm: Liên đoàn Lao động, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng Tài chính- kế hoạch và nhà công vụ; trong đó, khu vực trụ sở Liên đoàn Lao động huyện Sơn Tây bị sạt lở núi nghiêm trọng nhất, khi hàng trăm khối đất đá tràn trực tiếp vào khuôn viên cơ quan này.
Một số trụ sở cơ quan trên xây dựng mới từ năm 2016 ngay sát chân núi. Hơn một năm sau, hàng nghìn khối đất, đá tràn xuống lấn sâu bên trong khu nhà ở, phòng làm việc của một số đơn vị. Nhiều khu vực, vị trí sạt lở núi chỉ cách các cơ quan hành chính từ 50-100m; 500m bờ kè, ta-luy bảo vệ bị cuốn trôi, đất đá vùi lấp.
Đến năm 2018, huyện Sơn Tây chi 10 tỷ đồng khắc phục khẩn cấp, gia cố bằng biện pháp kè rọ đá để giữ chân núi, hạn chế sạt lở. Đồng thời, bạt mái ta-luy, hạ thấp độ cao ngọn núi để tránh đất đá đổ xuống khu hành chính, nhà công vụ. Tuy nhiên, đến nay tình trạng sạt lở núi vẫn xảy ra đe dọa tính mạng cán bộ, viên chức các đơn vị và người dân quanh khu vực này. “Huyện chưa tính đến việc làm kè tại khu vực trung tâm hành chính, chỉ vận động cơ quan nào bị ảnh hưởng thì di dời đến nơi an toàn khi có mưa bão diễn ra”, đại diện Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Sơn Tây cho biết.
Đầu tư hạ tầng, tái định cư đưa dân vùng sạt lở đến nơi an toàn được tỉnh Quảng Ngãi thực hiện trong nhiều năm qua. Chi phí đầu tư hạ tầng, định cư cho người dân vùng sạt lở hàng chục tỷ đồng, cao hơn so với đầu tư ở các vùng đồng bằng.
Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng lại không bảo đảm an toàn, tái diễn tình trạng sạt lở, hư hỏng công trình. Người dân, cán bộ, viên chức ở các khu dân cư, cơ quan đơn vị vẫn lo lắng, bất an vì nguy cơ tái sạt lở cao; trong khi đó, Nhà nước phải bố trí kinh phí khắc phục, sử dụng không hiệu quả, thậm chí bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực.
Kè rọ đá hạn chế sạt lở khu hành chính huyện Sơn Tây bị vùi lấp sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ năm 2021-2025, tỉnh Quảng Ngãi quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư hơn 400 hộ tại 5 huyện miền núi gồm Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Ba Tơ và Minh Long. 13 dự án với tổng mức đầu tư 149 tỷ đồng giúp cho người dân vùng núi ổn định nơi ở an toàn.
Đối với các vùng núi tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên xảy ra sạt lở, công tác khảo sát, chọn lựa vị trí, địa điểm xây dựng cơ sở hạ tầng, định cư gặp khó khăn. Tuy nhiên, cần có những giải pháp, phương án triển khai thận trọng, phù hợp để tránh gây lãng phí chi phí đầu tư, lãng phí nguồn lực Nhà nước. “Việc xây dựng các khu tái định cư, trụ sở cơ quan miền núi và sạt lở nhiều lần tỉnh sẽ đề nghị sở, ngành quan tâm đến việc quy hoạch, thiết kế, xây dựng phải lưu ý thêm để tránh làm xong lại sạt lở, không sử dụng được”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn khẳng định.
Theo nhandan.vn