Cần có chính sách ưu tiên, ưu đãi trong tích trữ nước
14/11/2023TN&MTTham gia ý kiến về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng cần có chính sách ưu tiên, ưu đãi trong tích trữ nước để có đủ nước phục vụ hoạt động kinh doanh, sản xuất và sinh hoạt của người dân, khi mà nguồn nước đang ngày càng khan hiếm, nhu cầu sử dụng thì ngày càng tăng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 14/11. (Ảnh: DUY LINH)
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình phiên họp giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Dự thảo Luật đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến ở hội trường tại Kỳ họp thứ 6 ngày 26/10 vừa qua, có 28 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, 3 đại biểu Quốc hội gửi ý kiến góp ý bằng văn bản.
Quy định việc tuần hoàn, tái sử dụng nước theo 3 cấp độ
Chủ nhiệm Lê Quang Huy cho biết, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các quy định mang tính kỹ thuật như: bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy; phòng, chống ô nhiễm nước biển; khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt; thu gom, xử lý nước đã qua sử dụng trong sản xuất công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản…
Đồng thời, bổ sung, chỉnh lý quy định về ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước, có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân các vùng khan hiếm nước; khuyến khích thực hiện các hoạt động tích trữ nước; phát triển hoạt động khoa học và công nghệ trong tích trữ nước; khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu giải pháp và thực hiện việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất…
Bên cạnh đó, dự thảo Luật được rà soát, chỉnh lý quy định chặt chẽ trách nhiệm trong khai thác nước cho sinh hoạt của các cơ quan; quan trắc, giám sát tài nguyên nước và giao Chính phủ quy định chi tiết việc quan trắc.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)
Về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, Chủ nhiệm Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị cần xác định tỷ lệ nước phải tuần hoàn, tái sử dụng cho từng dự án cụ thể để tăng cường trách nhiệm của chủ dự án khi lựa chọn áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và xử lý nước thải.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, dự thảo Luật đã quy định việc tuần hoàn, tái sử dụng nước theo 3 cấp độ.
Cụ thể, khuyến khích các dự án khai thác, sử dụng nước có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước thải; có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án tái sử dụng nước đối với các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước và các hình thức ưu đãi tương ứng theo quy định của pháp luật; bắt buộc áp dụng đối với các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải tại các khu vực có nguồn nước không còn khả năng chịu tải.
Đồng thời, dự thảo Luật quy định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án tái sử dụng nước đối với các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước và các hình thức ưu đãi theo quy định của pháp luật. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ xem xét, quyết định tỷ lệ nước phải tuần hoàn, tái sử dụng đối với từng dự án.
Việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm bảo đảm công bằng giữa các đối tượng khai thác, sử dụng nước, góp phần nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí tài nguyên nước.
Đối với đề nghị nghiên cứu bỏ quy định thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với hoạt động khai thác nước mặt phục vụ sản xuất nông nghiệp vì có thể làm tăng thêm chi phí cho người nông dân, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm bảo đảm công bằng giữa các đối tượng khai thác, sử dụng nước, góp phần nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí tài nguyên nước.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Ngoài ra, việc triển khai thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho sản xuất nông nghiệp được thực hiện theo lộ trình và chỉ thu khi nhà nước thu thủy lợi phí. Theo báo cáo của Chính phủ, quá trình xây dựng Luật đã có đánh giá tác động, lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động của chính sách đối với việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước tại nội dung đánh giá chính sách về tài nguyên nước.
“Dự thảo Luật cũng đã giao Chính phủ quy định chi tiết về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Do đó, xin được giữ như dự thảo Luật”, Chủ nhiệm Lê Quang Huy nói.
Giải trình làm rõ thêm, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, trong tương lai có nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, tích tụ ruộng lúa, sử dụng nhiều hệ thống trữ nước, khai thác nước, trong đó nhiều doanh nghiệp kinh doanh tốt, sử dụng nguồn nước này rất lớn.
Do đó, việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho sản xuất nông nghiệp là cần thiết; tuy nhiên, quá trình triển khai sẽ được thực hiện theo lộ trình. Bộ sẽ rà soát lại, tránh sự hiểu nhầm là thu phí cả của người dân sản xuất nông nghiệp, không đúng với chính sách ưu đãi về phí, lệ phí, thuế…
Chỉ quy định giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên
Tham gia ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng cần có chính sách ưu tiên, ưu đãi trong tích trữ nước để có đủ nước phục vụ hoạt động kinh doanh, sản xuất và sinh hoạt của người dân, khi mà nguồn nước đang ngày càng khan hiếm, nhu cầu sử dụng thì ngày càng tăng.
Liên quan giá tính thuế tài nguyên nước, dự thảo Luật đang quy định theo hướng, giá căn cứ vào yếu tố là mục đích sử dụng, mức độ khan hiếm, mức độ căng thẳng của tài nguyên nước, điều kiện khai thác và đặc điểm kinh tế-xã hội trong khu vực.
Theo Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi, quan điểm của Bộ Tài chính về hoàn thiện chính sách thuế tài nguyên đó là hạn chế các quy định liên quan đến mục đích sử dụng. Nếu quy định như dự thảo Luật sẽ phức tạp và rủi ro trong quá trình xác định giá tính thuế tài nguyên nước, phức tạp không kém khi nói về giá đất trong dự thảo Luật Đất đai.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị chỉ quy định giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, dự thảo Luật có chất lượng tốt, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát để quy định chặt chẽ, cụ thể hơn điều kiện, năng lực của các tổ chức, cá nhân khi xã hội hóa, bảo đảm các quyết định điều hòa, phân bổ nguồn nước, các quyết định chỉ đạo vận hành các hồ chứa liên hồ chứa theo thời gian thực để tối ưu hóa hiệu quả lợi ích sử dụng nước. Đồng thời, cũng phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tính mạng, tài sản của nhân dân các vùng hạ du.
Về quy định phục hồi nguồn nước suy thoái, cạn kiệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ hơn, bảo đảm tính khoa học, khả thi, ưu tiên nguồn lực cho việc phục hồi nguồn nước suy thoái, cạn kiệt.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu làm rõ hơn nội hàm về vai trò, nội dung của kịch bản nguồn nước, bởi đây là xương sống cho điều hòa phân phối nước, để từ đó, các bộ ngành, địa phương có phương án cân đối, thực hiện chủ động sử dụng hiệu quả.
Theo nhandan.vn