Các quốc gia châu Phi tốn hàng tỷ USD mỗi năm để ứng phó với khủng hoảng khí hậu
28/02/2022TN&MTCác nước châu Phi đang buộc phải chi hàng tỷ USD mỗi năm để ứng phó với tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu. Điều này không chỉ làm mất đi khoản đầu tư tiềm năng vào các trường học và bệnh viện, mà còn có nguy cơ đẩy những quốc gia này vào tình trạng đói nghèo trầm trọng hơn bao giờ hết.
Một con phố ở Keur Massar, Senegal bị ngập lụt sau trận mưa lớn hồi tháng 8/2020.
Theo một nghiên cứu của tổ chức tư vấn Power Shift Africa có trụ sở tại Kenya, chỉ tính riêng ở Ethiopia, việc đối phó với thời tiết khắc nghiệt đang khiến nước này phải tiêu tốn gần 6% GDP, tức là cứ 20 USD thu nhập quốc dân thì có hơn 1 USD chi cho khắc phục thiệt hại do biến đổi khí hậu.
Châu Phi sẽ là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, mặc dù “đóng góp” ít nhất vào khủng hoảng khí hậu trên toàn cầu. Nghiên cứu của Power Shift Africa - phân tích các chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu của châu Phi - chỉ ra rằng các quốc gia ở châu Phi sẽ phải chi trung bình 4% GDP hằng năm cho công tác thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cụ thể, Sierra Leone sẽ phải chi 90 triệu USD mỗi năm để thích ứng với khủng hoảng khí hậu, mặc dù người dân nước này chỉ chịu trách nhiệm cho khoảng 0,2 tấn khí thải CO2 trong tổng lượng phát thải toàn cầu hằng năm. Trong khi đó, phát thải CO2 của người Mỹ lại cao hơn xấp xỉ 80 lần.
Giám đốc tổ chức Power Shift Africa Mohamed Adow chia sẻ: “Nghiên cứu này cho thấy sự bất công sâu sắc của tình trạng khẩn cấp về khí hậu hiện nay. Một số quốc gia nghèo nhất trên thế giới đang phải sử dụng các nguồn lực vốn đã rất khan hiếm để thích ứng với một cuộc khủng hoảng không phải do họ gây ra”.
“Mặc dù chỉ góp một phần rất nhỏ trong tổng lượng phát thải CO2 so với các nước giàu, song những quốc gia châu Phi này đang phải hứng chịu hạn hán, bão và lũ lụt, khiến nền tài chính công vốn đã rất căng thẳng của họ phải chịu thêm nhiều áp lực, đồng thời hạn chế khả năng giải quyết các vấn đề khác”, ông Adow cho biết.
Người đứng đầu Power Shift Africa nhấn mạnh cần phải có thêm nguồn tài trợ từ các nước phát triển - những quốc gia đã cam kết sẽ tăng gấp đôi tài trợ thích ứng biến đổi khí hậu cho các nước nghèo tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu Liên hợp quốc (COP26) vừa qua tại Glasgow, Scotland.
Quay trở lại thời điểm năm 2009, các nước giàu đã cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước nghèo cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu. Nhưng cho đến nay, mục tiêu đó đã không đạt được, và phần lớn các khoản tài chính được cung cấp đều rót vào các dự án giảm phát thải, chẳng hạn như các trang trại gió và tấm pin năng lượng mặt trời, thay vì những nỗ lực giúp các quốc gia nghèo thích ứng.
Nghiên cứu của Power Shift Africa đã xem xét các kế hoạch thích ứng quốc gia do 7 nước châu Phi đệ trình lên Liên hợp quốc, gồm Ethiopia, Kenya, Liberia, Sierra Leone, Nam Phi, Nam Sudan và Togo. Trong đó, Nam Sudan, quốc gia nghèo thứ hai trên thế giới, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt vào năm ngoái khiến 850 nghìn người phải sơ tán và dẫn đến bùng phát các bệnh do nguồn nước ô nhiễm gây ra. Dự kiến, quốc gia này sẽ chi 376 triệu USD mỗi năm cho việc thích ứng biến đổi khí hậu, tương đương với khoảng 3,1% GDP.
Chukwumerije Okereke, giám đốc trung tâm biến đổi khí hậu và phát triển tại Đại học Liên bang Alex Ekwueme ở Nigeria, cho biết các nước giàu phải có trách nhiệm và hành động trước những phát hiện của nghiên cứu.
“Thời của những lời nồng ấm đã qua. Giờ là lúc chúng ta cần sự hỗ trợ khẩn cấp, quy mô lớn hơn và lâu dài từ các quốc gia gây ô nhiễm môi trường hàng đầu thế giới”, ông Okereke nhấn mạnh.
Theo nhandan.vn